X

11 cách đơn giản để tăng cường trí nhớ

Cho dù mục đích của bạn là trở thành người chiến thắng trong chương trình Jeopardy* hay đơn giản chỉ để nhớ ra mình đã đậu xe ở chỗ nào thì bạn đều có thể áp dụng ngay 11 cách dưới đây để tăng cường độ nhanh nhạy cho trí não của bạn.

1. Tập trung trong vòng 8 giây

Ngày nay chúng ta lúc nào cũng vội vã. Và đó là lý do khiến lời khuyên này trở nên vô giá: khi bạn muốn ghi nhớ một điều gì đó, hãy tập trung nghĩ về nó trong ít nhất 8 giây. Đó có vẻ là khoảng thời gian dài nếu bạn đang phải gấp gáp hoàn thành cả đống công việc, nhưng đây thật sự là điều rất đáng để làm. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng 8 giây là khoảng thời gian cần thiết để một mẩu thông tin có thể di chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn của con người.

2. Không “bước qua ô cửa”

Chúng ta đều đã từng vào một căn phòng và đột nhiên không tài nào nhớ nổi mình vào đó để làm gì. Đừng lo lắng, không phải là bạn đang trở nên lú lẫn đâu. Có thể chính hiệu ứng “bước qua ô cửa” là nguyên nhân đã khiến cho đầu óc của bạn trở nên trống rỗng. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, trong tất cả các trường hợp nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu trực tuyến và nghiên cứu thực tế, khi bước qua một ô cửa, mọi người dễ dàng quên mình vừa mới làm gì hơn rất nhiều so với khi cũng đi một đoạn đường dài tương tự nhưng không ra khỏi phòng*. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được điều này, nhưng có vẻ như việc bước vào một không gian mới sẽ khiến bộ nhớ của chúng ta bị khởi động lại.

* Cuộc nghiên cứu diễn ra như sau: Các tình nguyện viên ngồi trước màn hình máy tính chơi một video game. Họ di chuyển trong game bằng cách rê chuột. Đầu tiên, họ tiến đến một khối hình học được đặt trên một cái bàn. Nhiệm vụ của họ là lấy khối hình đó đặt sang một cái bàn khác. Khối hình không hiện ra khi người chơi đang mang chúng đi trên đường (giống như nó đã được bỏ vào ba lô của họ). Đôi khi để lấy được khối hình người chơi phải đi hết chiều dài căn phòng, nhưng cũng có khi họ phải đi qua một ô cửa để bước sang một căn phòng khác. Thỉnh thoảng nhà nghiên cứu đột xuất hỏi xem họ đã bỏ khối hình gì vào trong ba lô. Nếu lúc đó người chơi vừa bước qua ô cửa để vào một căn phòng mới, họ sẽ trả lời chậm và ít chính xác hơn so với khi họ cũng vừa đi được một quãng đường dài tương tự nhưng vẫn ở trong căn phòng cũ.

3. Nắm chặt bàn tay lại

Nếu bạn gặp rắc rối về việc ghi nhớ trong khi đang làm việc, hãy nắm lấy một quả bóng xả stress*. Hành động siết chặt nắm tay nếu được thực hiện đúng có thể cải thiện đáng kể khả năng nhớ lại thông tin của bạn. Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu bạn thuận tay phải, bạn nên nắm bàn tay trái lại trước khi cố gắng ghi nhớ một thông tin nào đó. Sau đó khi bạn cần nhớ lại thông tin ấy, hãy nắm tay trái của bạn lại (làm ngược lại đối với người thuận tay trái). Tuy nhiên, trong mỗi lần nắm tay, bạn nên lưu ý giữ chặt tư thế tay này trong khoảng 45 giây rồi hãy mở ra bạn nhé.

* Bóng xả stress là một loại bóng đồ chơi có thể uốn dẻo, có kích thước nhỏ và có thể nắm gọn trong lòng bàn tay. Người dùng sẽ nắn bóp quả bóng để xả stress, giảm căng cơ hoặc luyện tập cơ tay.

4. Rèn luyện thân thể
`
Về điểm này, chúng ta phải thừa nhận rằng khoa học xem việc rèn luyện thân thể là một giải pháp hiển nhiên cho mọi vấn đề, và vấn đề về trí nhớ cũng không ngoại lệ. Vận động thân thể sẽ giúp tăng cường sự tỉnh táo và cung cấp thêm oxi cho não, đồng thời cũng kích thích sản sinh những tế bào thần kinh phụ trách việc ghi nhớ. Một cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ngay sau khi tập thể dục nhẹ, phụ nữ có thể nhớ lại tốt hơn so với trước khi tập luyện. Và nếu một bài tập ngắn có thể giúp được bạn ngay lúc này, nó thậm chí sẽ còn hiệu quả hơn nữa khi bạn luyện tập trong thời gian dài. Một cuộc nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, những phụ nữ duy trì chế độ luyện tập đều đặn trên 6 tháng có thể cải thiện đáng kể cả trí nhớ ngôn ngữ lẫn trí nhớ không gian của họ.

5. Ngủ

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hầu như tất cả chúng ta đều đã từng thức trắng đêm trước một bài kiểm tra quan trọng. Nhưng thật ra cho dù bạn có chưa nhồi nhét được chữ nào vào đầu thì việc có một giấc ngủ sâu vẫn tốt hơn là ngồi học bài đến sáng. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các quá trình mà não bộ trải qua khi bạn ngủ sẽ giúp bạn nhớ lại thông tin tốt hơn vào buổi sáng hôm sau. Não bộ của chúng ta tiếp nhận các kích thích khi bạn thức và sử dụng thời gian bạn ngủ để xử lý chúng. Giống như sách giáo khoa sinh học có nói, đó là lúc não chúng ta loại bỏ những thông tin không cần thiết và tăng cường ghi nhớ những điều quan trọng. Ngủ là lúc thông tin được củng cố và đưa vào bộ nhớ dài hạn. Nếu bạn không chịu ngủ, não bộ của bạn sẽ không thực hiện được quá trình này.

6. Sử dụng những Font kỳ dị

Ở một chừng mực nào đó, chúng ta đều là những kẻ hợm hĩnh khi nghĩ mình biết tất cả về font chữ. Khi nói đến sách, báo, internet, chúng ta đều muốn mọi thứ phải rõ ràng và dễ đọc. Nhưng các nhà khiên cứu đã khám phá ra rằng, một trong những cách tốt nhất để ghi nhớ điều gì đó mà bạn đọc được là đọc chúng dưới một font chữ kỳ quặc. Cỡ chữ và độ đậm nhạt sẽ chẳng tạo nên sự khác biệt gì, nhưng font chữ càng khó đọc thì lại càng dễ nhớ. Khi một thứ gì đó trở nên lạ lẫm và khó đọc, bạn sẽ buộc phải tập trung vào nó nhiều hơn, điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn.

Những chữ cỡ lớn và được in đậm thật ra lại có hại cho khả năng ghi nhớ của bạn. Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh, khi được yêu cầu ghi nhớ một danh sách các từ, mọi người đều cho rằng họ sẽ nhớ được những từ in đậm dễ dàng hơn, chính vì vậy họ ít chú ý đến chúng hơn, và điều này dẫn đến một kết quả hoàn toàn ngược lại với điều họ dự đoán.

7. Nhai kẹo cao su

Nếu bạn cần ghi nhớ một mẩu thông tin nội trong vòng 30 phút, hãy thử nhai ít kẹo cao su. Các cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, mọi người sẽ ghi nhớ được cả hình ảnh lẫn âm thanh tốt hơn nếu họ nhai kẹo cao su trong khi làm việc đó. Hành động nhai sẽ giúp chúng ta giữ được sự chú ý và tăng cường khả năng tập trung.

Tuy nhiên, nếu bất chợt bạn phải làm một bài kiểm tra ngắn, hãy để yên thanh kẹo Juicy Fruit của bạn trong túi. Khi cần phải ghi nhớ trong thời gian rất ngắn, những người không nhai kẹo sẽ làm tốt hơn người nhai kẹo. Việc nhai thứ gì đó sẽ giúp chúng ta tỉnh táo ghi nhớ trong những khoảng thời gian dài hơn.

8. Viết ra giấy

Ngày nay người ta thường viết tất cả mọi thứ trên máy tính hoặc điện thoại. Danh sách những thứ cần mua được lưu trên tablet, số điện thoại và địa chỉ email đã có sẵn dưới mỗi contact… Bạn hầu như chẳng cần phải nhớ bất cứ điều gì. Đến một lúc nào đó chắc bạn cũng quên luôn số điện thoại của mình và chả còn nhớ hôm nay có cần ăn sáng hay không nữa! Nếu bạn muốn nhớ lại được điều gì đó trong tương lai thì bây giờ hãy tự tay viết chúng ra. Cho dù bạn không bao giờ đọc lại những gì bạn viếta thì cũng chẳng sao. Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng, hành động viết một thông tin gì đó ra giấy sẽ cho phép bạn nhớ được chúng, điều mà việc gõ bàn phím không thể nào làm được.

9. Biết lúc nào cần mở hay tắt nhạc

Nhiều người thích nghe chút âm nhạc khi học bài hay làm việc. Thật ra thì việc nghe nhạc trước khi bắt đầu đọc một thứ gì đó mà bạn cần ghi nhớ sẽ giúp bạn nhớ được thông tin đó tốt hơn. Nhưng một khi đã bắt đầu làm việc, bạn nên tắt nhạc đi. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc lắng nghe bất cứ âm thanh gì, kể cả tiếng nhạc, trong lúc học bài hay làm việc sẽ khiến bạn mất tập trung và nhớ được ít hơn. Chuyện này không liên quan gì đến việc bạn ghét hay yêu âm nhạc đâu nhé! Có thể ban đầu bạn sẽ thấy hơi kỳ cục khi phải học bài trong yên lặng, nhưng khoa học đã chứng minh việc này sẽ mang lại hiệu quả trong dài hạn.

10. Tưởng tượng
Một trong những cách lạ lùng nhưng hiệu quả nhất để ghi nhớ một điều gì đó là liên tưởng chúng với một hình ảnh trực quan. Cách này có hiệu quả đến mức nó có thể giúp bạn nhớ được một lượng thông tin khổng lồ chỉ với việc xây dựng những hình ảnh thật chi tiết trong đầu bạn. Chẳng hạn như bạn muốn nhớ là “J.K. Rowlling đã viết bộ truyện Harry Potter”. “Rowlling” nghe giống giống “bowling”, hãy tưởng tượng ra một bãi chơi bowling. Sau đó thêm vào hình ảnh một anh thợ gốm “lông tóc rậm rạp”* với đôi tay dính đầy đất sét. Anh chàng này đang ném trái bóng bowling trên đường băng. Từ đây bạn có thể phát triển thêm những mẩu thông tin khác, ví dụ như tên của từng tập trong bộ chuyện chẳng hạn. Và cuối cùng, trong đầu bạn đã có một nơi chứa đầy ắp những thông tin mà bạn có thể tiếp cận bất cứ lúc nào. Cách này nghe có vẻ hơi khùng nhưng khoa học đã chứng minh là nó thật sự hiệu quả.

* Ý muốn nói đến từ “hairy potter” trong tiếng Anh. Từ này phát âm giống “Harry Potter”.

11. Vẽ vời

Nếu bạn đang tham dự một lớp học hoặc một cuộc họp chán phèo, hãy cứ ngồi vẽ vời cỏ cây hoa lá gì đó. Trông thì có vẻ như việc ngồi vẽ sẽ làm giảm sự chú ý của bạn vào những thứ khác, nhưng thật ra hành động này lại đang giúp cho não bộ của bạn hoạt động tích cực hơn. Nếu bạn chỉ ngồi đó mà không làm gì cả, bạn sẽ dễ dàng thôi không lắng nghe nữa, điều này sẽ dẫn đến việc ghi nhớ được ít thông tin hơn. Trong các cuộc nghiên cứu, những người được giao nhiệm vụ ngồi vẽ trong khi lắng nghe một tin nhắn điện thoại nhàm chán có thể nhớ được nội dung của đoạn ghi âm nhiều hơn 29% so với những người chỉ ngồi yên nghe mà không làm gì cả.

Hãy sáng tạo cho mình một câu chuyện bằng cách… vẽ

Nguồn: Mentalfloss

Chuyên mục: Trí Nhớ

Trang web này sử dụng cookies.