X

Ẩm mốc mùa mưa phải làm sao?

Mùa mưa độ ẩm cao, mưa dai dẳng không ngớt, tường nhà thấm nước gây ẩm thấp, đồ đạc lên mốc, trong những trường hợp này phải làm sao? Các bạn cùng tham khảo một vài cách dưới đây nhé!

Mùa mưa, nấm mốc dễ phát triển. Những khu vực thường xuyên có nước sẽ dễ bị ẩm và sinh mùi; quần áo dễ bị mốc vì thiếu ánh nắng.

Trước tiên, bạn không nên dùng hóa chất chống ẩm mốc vì sẽ gây hại cho chính bạn và những người trong gia đình. Hãy tận dụng những ngày nắng đẹp để làm vệ sinh và diệt vi khuẩn, vi trùng, nấm mốc cho những vật dụng trong nhà.
Quần áo, gối, mùng mền

ít nhất 10 ngày, bạn nên phơi chúng dưới ánh nắng, loại nệm không phơi trực tiếp dưới nắng được thì dựng lên và hút bụi.

Đồng thời nên hút bụi dưới gầm giường và bật quạt cho thông khí. Mỗi tuần nên giặt bao gối, mỗi tháng nên giặt mền và drap ít nhất 1 lần. Mỗi tháng nên hút bụi cho màn cửa và vào ngày nắng đẹp nên mở toang các cửa để đón ánh nắng vào nhà.
Chống ẩm cho nền nhà
Dân gian có một số biện pháp chống nồm cho nền nhà như lót nền bằng bao xi măng, đổ xỉ than… khi xây dựng, nhưng vẫn không chống được nồm bởi độ ẩm theo không khí vào nhà. Biện pháp dùng vôi để ở góc nhà ít có tác dụng và chỉ giải quyết được trong phạm vi nhỏ, vì với diện tích lớn, không thể rải vôi khắp nhà.
Có thể hạn chế nồm ẩm bằng cách:
Biện pháp tối ưu trong những ngày trời nồm là chăm lau chùi nhà cửa, sử dụng máy móc để sấy khô vật dụng.
Nếu biết độ ẩm không khí tăng cao, sương mù nhiều, hãy đóng kín cửa, bịt các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Nếu mở cửa cho thoáng, bạn sẽ làm nhiều không khí ẩm vào nhà và độ ướt nhẫy càng cao.
Khi đã bị không khí ẩm vào nhà rồi, ngoài việc đóng kín cửa, nên dùng thêm biện pháp cưỡng bức là mở máy điều hòa 2 cục hoặc máy hút ẩm để khử ẩm, chăm lau chùi nhà cửa, sử dụng máy móc để sấy khô vật dụng.
Lau bằng giẻ khô để đối mặt với nồm ẩm, nhiều bà nội trợ không ngại lau dọn thường xuyên để nhà khô sạch. Nhưng dù bạn có lau bằng nước nóng, ngôi nhà cũng khó mà bớt ẩm ướt. Cách tốt nhất lúc này là hãy dùng giẻ khô, sạch để lau nước trên nên nhà.
Ngay từ khi xây nhà mới, mọi người nên tính đến các biện pháp chống nồm cho sàn nhà bằng cách chọn các vật liệu có tác dụng thấm nước tốt để hạn chế lượng nước đọng trên sàn. Trước khi làm nền, nên lót một lớp cách nhiệt bằng xỉ than hoặc các chất cách nhiệt khác để giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí và sàn nhà. Sử dụng các cửa sổ, cửa ra vào thật kín. Ngoài ra, nên thiết kế nhà thông thoáng, trần cao, sử dụng sàn gỗ tự nhiên.
Đồ điện tử, âm thanh
Các đồ điện tử như TV, đầu đọc đĩa, ampli… thường rất nhạy cảm với khí hậu ẩm thấp. Bởi vậy vào mùa nồm, rất nhiều thiết bị gặp phải hiện tượng hư hỏng, chập cháy, đầu đọc không nhận đĩa… Nguyên nhân là không khí ẩm tích tụ thành nước trong máy, gây phóng điện, chập, bẩn mắt đọc… Để khắc phục tình trạng này bạn cần cắm thiết bị liên tục ở chế độ chờ (standby). Chỉ cần duy trì việc cắm điện để ở chế độ chờ sẽ giúp nguồn điện trong máy liên tục hoạt động, sinh nhiệt, sấy thiết bị không bị ẩm, giúp các thiết bị không “dính” các hiện tượng nêu trên. Ngoài ra bạn cũng nên duy trì mỗi ngày để dàn máy hoạt động một vài tiếng.
Với các thiết bị nhạy cảm như đầu đọc đĩa, nếu máy không nhận đĩa bạn đừng quá lo lắng. Hầu hết nguyên nhân đều do thiết bị gặp ẩm, bạn chỉ cần mở vỏ máy, sử dụng máy sấy tóc và sấy khô bên trong
Máy ảnh
Máy ảnh và các loại ống kính là thiết bị rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là hệ thống ống kính rất dễ bị nấm mốc khi gặp thời tiết nồm ẩm. Để phòng chống hiện tượng này, bạn nhất thiết nên có hệ thống hút ẩm cho thiết bị.
Nếu có nhiều thiết bị, bạn cần mua một tủ chống ẩm khoảng 30-40 lít (giá trên thị trường hiện nay khoảng trên dưới 2 triệu đồng), nếu thiết bị có ít, bạn chỉ cần mua một hộp chống ẩm dung tích khoảng 20 lít (giá trên thị trường khoảng trên dưới 1 triệu). Ngoài ra, bạn có thể cho thiết bị vào thùng kín và mua cục hút ẩm (khoảng 200 nghìn đồng), hoặc thắp sáng liên tục bằng một bóng đèn sợi đốt công suất khoảng 20-25w để sấy thiết bị.
Ngoài ra, để tránh hiện tượng rò điện, mọi người tránh kê trực tiếp tivi, điện thoại, máy tính, máy in xuống nền nhà hoặc kê sát vào tường. Nên đặt các thiết bị điện tử cao hơn mặt đất khoảng 1m và cách tường 10 – 15cm.
Tường Nhà
Khi tường bị ẩm mốc, bạn có thể áp dụng biện pháp cắt nước mạch hồ vữa chân tường, các bước xử lý tuần tự thực hiện như sau: Đục tạo rãnh, quét một lớp vữa gốc xi măng, đây là loại vữa có tính năng độc đáo, nó có thể phát triển ninh kết trong các mao dẫn, các khe hở nhỏ, nhờ sự kích hoạt của nước, hay hơi ẩm. Sau đó trám lại bằng một hỗn hợp vữa, cát, xi măng được trộn thêm một liều lượng phụ gia nhất định, tạo nên một loại vữa có cường độ mà nước không có khả năng thẩm thấu qua được.
Loại vữa hỗn hợp trên được trát trực tiếp lên bề mặt tưòng gạch, nhằm loại bỏ hoàn toàn những chỗ rỗng do thiếu vữa, nó đảm bảo rằng bề mặt đã bược phủ kín, có độ dầy khoảng 0,5cm.
Quét 1 lớp vật liệu chống thấm gốc xi măng (công nghệ phát triển mạng tinh thể), nhằm củng cố và đảm bảo rằng: độ bền của hạng mục xử lý là vĩnh cửu.
Vật liệu hút ẩm
Hiện có khá nhiều loại máy hút ẩm có khá nhiều trên thị trường, nếu có điều kiện, bạn đừng ngần ngại mua loại máy này về sử dụng, tuy tốn thêm chút điện nhưng nó cũng giúp cho ngôi nhà của bạn được khô thoáng, sạch sẽ. Nếu không có điều kiện mua máy, bạn cũng có thể để một chậu than củi nhỏ trong phòng, dưới gầm ghế… để hỗ trợ hút ẩm trong nhà.
Đồ gỗ
Gỗ thường có các lỗ nhỏ li ti vì vậy chúng dễ dàng hút ẩm trong không khí và các mùi xung quanh nhất là đồ đã dùng lâu ngày hoặc cất trữ quá lâu trong nhà kho không dùng đến.
Hãy dùng giấy nhám (còn gọi là giấy ráp) chùi hết lớp ẩm mốc bám bên ngoài đồ gỗ, sau đó dùng loại sơn bảo vệ chống ẩm sơn 2-3 lớp lên bề mặt gỗ. Lớp sơn này sẽ giúp chống lại nấm mốc.

Tủ, kệ

Những vật dụng này thường được làm bằng chất liệu dễ bị mốc như ván ép, gỗ… nên khi lau bụi bằng khăn ẩm, thì cầm theo một khăn khô để lau lại ngay; mở thêm quạt trong lúc lau để hơi ẩm không lưu lại trên đồ vật.

Ngăn tủ quần áo

Là nơi rất dễ bị nấm mốc. Vì vậy, bạn nên đặt vỏ cam, vỏ bưởi phơi khô hoặc túi hoa khô vào ngăn tủ quần áo, ngăn bàn gỗ, tủ gỗ để khử mùi nấm mốc.

Bồn rửa

Cần được lau chùi thường xuyên và giữ cho khô ráo.

Chén bát

Trước khi cất vào tủ cần phải để ráo nước và lau thật khô. Mỗi tuần nên vệ sinh các ngăn tủ bếp bằng cách lau ẩm và lau khô lại ngay, khi lau, nên mở quạt và mở cửa tủ bếp cho thoáng khí.

Một số lưu ý khác
Đối với quần áo, bạn nên hạn chế giặt trong những ngày trời nồm. Nếu giặt thì phải đem phơi cho khô hẳn, đem là nóng rồi mới cất vào tủ quần áo khô ráo, sạch sẽ. Không nên hong quần áo bằng quạt vì sẽ chỉ khiến hơi nước ngưng tụ nhiều hơn. Ngoài ra, đừng quên cho vài viên chống ẩm vào tủ quần áo.
Thức ăn được bảo quản ngay trong tủ lạnh. Đôi khi thức ăn để qua đêm ở bên ngoài, tuy không có mùi ôi, thiu vì trời không nóng, nhưng thực tế đã hút ẩm và sinh ra những đốm mốc rất nhỏ mà mắt thường không dễ phát hiện, nếu ăn vào rất hại cho sức khỏe.
Và cuối cùng, bạn nên lưu ý giữ sức khỏe cho những người trong gia đình bằng việc ăn uống cân đối, lành mạnh, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng chống bệnh tật.
Su Tổng Hợp
Chuyên mục: Đời Sống
Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.