X

Bí quyết đơn giản sống khỏe mỗi ngày ở tuổi 50+

TS. Từ Ngữ cho rằng, ngoài sự lão hóa tự nhiên thì sự suy giảm sức khỏe của người sau 50 tuổi là do chế độ dinh dưỡng. Ở tuổi này nhu cầu dinh dưỡng có những thay đổi đáng kể nhưng rất nhiều người giữ thói quen ăn uống tự do mà không quan tâm đến cân bằng dưỡng chất…
Ngày 26/6, Báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tiếp “Sống khỏe tuổi 50+” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và lão khoa, nhằm tư vấn bí quyết sống khỏe mỗi ngày cho nhóm đối tượng trên tuổi 50. Chương trình do nhãn hàng Ensure Gold tài trợ.
Buổi tư vấn diễn ra rất sôi nổi với sự tham gia của TS. Từ Ngữ – Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; TS. Vũ Thị Thanh Huyền – Phó trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu, Viện Lão khoa Trung Ương, Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội.
Các chuyên gia tham gia chương trình: TS. Từ Ngữ – Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; TS. Vũ Thị Thanh Huyền – Phó trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu, Viện Lão khoa Trung Ương, Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội.
Trên thực tế, nhiều người ở tuổi 50 chưa thực sự nghĩ về sức khỏe bản thân, bởi họ vẫn cảm thấy khỏe nhưng theo các chuyên gia, mọi biến đổi trong nội tại cơ thể từ sau 50 tuổi là biểu đồ đi xuống, thể hiện ở sự giảm khối cơ và sức cơ (hay mệt mỏi, giảm các hoạt động thể lực), mất khối xương, khô khớp (hay nhức mỏi xương khớp, đau lưng), thỉnh thoảng có những cơn đau thắt vùng ngực, giảm trí nhớ, hay bị cảm lạnh, ho khi thay đổi thời tiết…. Và khi lớn tuổi hơn, sự suy giảm sức khỏe này trở nên nghiêm trọng hơn. TS. Từ Ngữ cho rằng, ngoài sự lão hóa tự nhiên thì sự suy giảm sức khỏe của người sau 50 tuổi là do chế độ dinh dưỡng. Ở tuổi này nhu cầu dinh dưỡng có những thay đổi đáng kể nhưng rất nhiều người giữ thói quen ăn uống tự do mà không quan tâm đến cân bằng dưỡng chất và ưu tiên thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, sự kém hấp thu thức ăn khiến người sau 50 tuổi bị thiếu hụt dưỡng chất dù vẫn ăn đủ ngày ba bữa và không giảm số lượng thức ăn.
Bạn đọc Bùi Hồng Hà (50 tuổi, Hà Nội) băn khoăn về tình trạng loãng xương ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh xảy ra như thế nào? Và nên uống sữa hàm lượng vitamin ra sao để ngăn chặn tình trạng này? TS. Vũ Thị Thanh Huyền cho rằng, mãn kinh là thời kì suy giảm nội tiết tố nữ, dẫn đến loãng xương. Chị em phụ nữ bị loãng xương liên quan đến sự sụt giảm estrogen. Xương chắc khỏe, chúng ta vận động rất tốt; tuy nhiên khi loãng xương, chúng ta có nguy cơ cao gãy xương dù chỉ với va chạm nhẹ. Vì vậy, chị em cần tăng cường các thực phẩm giàu estrogen, canxi để phòng loãng xương độ tuổi mãn kinh.
Nói thêm về chế độ dinh dưỡng, TS.BS Từ Ngữ nhấn mạnh đến vấn đề ăn uống là rất quan trọng đến sức khỏe của xương khớp. Cá là một trong nguồn cung cấp canxi tốt nhất, ngoài ra còn có sữa. Nếu ăn nhiều thịt thì lại giảm khả năng hấp thụ canxi, do lượng lớn protein trong thịt hạn chế hấp thu canxi. Chị em độ tuổi này cần phải có chế độ dự phòng để không bị loãng xương. Nếu đã bị loãng xương thì cần phải bổ sung canxi để cản trở quá trình loãng xương đang diễn ra nhanh hơn. Một điều không thể thiếu để phòng ngừa loãng xương là tập thể dục. Vì vậy, cần cân bằng giữa ăn uống, tập luyện và có thể bổ sung thêm sữa công thức để bổ sung dinh dưỡng đủ và đúng.
Tuy không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe, mỗi bữa ăn 3 bát cơm và ăn ít thức ăn nhưng bác Phạm Trường (57 tuổi, Đồng Nai) được con gái khuyên nên ăn ít cơm lại để đỡ béo, và tăng cường ăn nhiều thức ăn như thịt, cá. Bác thắc mắc không biết chế độ ăn như vậy có thực sự khoa học hay không? Giải thích vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, bác đang ăn quá nhiều cơm, bác chỉ nên ăn 2 bát cơm và trong chế độ ăn của mình nên uống thêm 2 ly sữa mỗi ngày, tốt nhất là sữa cho người có tuổi. Có thể uống sữa vào các bữa phụ, như vào bữa sáng hoặc sau ngủ trưa để cung cấp thêm canxi, bởi ở người có tuổi thì nhu cầu canxi lên tới 1000mg canxi mỗi ngày. Đồng thời nên tập thể dục thể thao 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nên tập thể dục ngoài trời để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cho cơ thể đủ vitamin D, giúp hấp thu canxi tốt hơn, xương sẽ chắc hơn. Bên cạnh đó, bổ sung rau củ quả, người trưởng thành cần ăn ít nhất 300mg rau xanh 1 ngày, tốt nhất là ăn rau sống bởi nó rất giàu vitamin và khoáng chất tốt hơn. Rau qua chế biến dễ bị mất chất dinh dưỡng như vitamin C, ngoài ra nếu có điều kiện nên bổ sung viên đa vi chất.
Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc đã được các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và lão khoa giải đáp.
Bạn đọc Ngọc Lan có hỏi, đối với người lớn tuổi, dù ăn uống điều độ nhưng vẫn có thể bị thiếu dưỡng chất, và xin bác sĩ tư vấn bổ sung dinh dưỡng cho người mẹ 60 tuổi, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyên, sau tuổi 50, quá trình chuyển hóa và hấp thu dưỡng chất của cơ thể sẽ suy giảm mặc dù gia đình nghĩ rằng bữa ăn đã đảm bảo dinh dưỡng. Với người tuổi 50, khẩu phần ăn cần đa dạng để cơ thể dễ dàng hấp thu. Một thực phẩm không thể thiếu là sữa để cung cấp các dưỡng chất cần thiết.
Anh Nguyễn Cường bày tỏ: “Tôi được biết nếu cơ thể thừa chất ngọt và khó hấp thu protein, sẽ rất dễ mắc bệnh đái tháo đường. Tôi cũng hiểu sữa là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quý cho người ở độ tuổi trung niên. Vậy tôi phải uống sữa như thế nào để hấp thu tốt chất dinh dưỡng và không bị thừa chất?”. Giải thích rõ vấn đề này, TS.BS Từ Ngữ nói, sữa đúng là tốt nhưng hiện nay xu hướng ở thành phố là uống quá nhiều thuốc bổ, có nguy cơ thừa các vi chất dinh dưỡng. Do đó mọi người trước khi dùng các chất bổ sung dinh dưỡng thì cần chú ý, ví dụ có thừa cân không, xét nghiệm máu có thiếu hụt không, sau đó mới sử dụng. Trong bữa ăn của người Việt thường thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng nên uống sữa cũng là một giải pháp tốt để bổ sung vi chất cho cơ thể. Sữa giúp cân bằng chất dinh dưỡng, ví dụ như mỗi ngày uống 2 ly sữa. Tuy nhiên bữa ăn cần phải cân bằng thì mới hấp thu được các vi chất dinh dưỡng trong sữa.
Là một người trung niên bị huyết áp cao, lại thêm gan nhiễm mỡ, thường hay chóng mặt đau đầu, nhất là những lúc thời tiết nắng nóng, bạn đọc Nguyễn Kim Đồng hỏi , đối với trường hợp bệnh như vậy thì chế độ ăn uống thế nào? Nên hay không nên ăn thực phẩm nào để giữ gìn sức khỏe và tránh tai biến? PGS.TS Nguyễn Thị Lâm tư vấn, chế độ ăn hỗ trợ tăng huyết áp là nên ăn nhạt, tránh món ăn nhiều muối, hạn chế đồ hộp. Cách chế biến trong gia đình cũng nên điều chỉnh. Người cao huyết áp chỉ nên ăn độ mặn bằng 1 nửa người bình thường, người Việt Nam vốn dĩ ăn mặn hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Nên tránh các loại nội tạng động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín. Rau xanh cung cấp kali và lợi tiểu, chọn rau có màu xanh sẫm. Ngũ cốc cũng rất tốt. Chất đạm thì nên bổ sung từ thực vật, hạn chế từ động vật . Với bệnh gan nhiễm mỡ, nên bổ sung đạm từ trứng, sữa, chế độ ăn giàu vitamin. Đồ ăn thức uống nên lợi gan như atisso, trà nụ vối, nên tránh đồ uống ngọt.
Bác Thanh Lựu lo lắng: “Thỉnh thoảng tôi thấy hơi chóng mặt, bế cháu 1 chút là tay mỏi rã rời. Tôi 58 tuổi. Tôi có bị bệnh gì không? Làm sao để nhận biết các dấu hiệu sức khỏe đã “xuống cấp”?”. Trả lời điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, bác bị chóng mặt thì nên kiểm tra huyết áp, cao hoặc thấp, bế cháu hay bị mệt mỏi thì có thể do cơ thể thiếu dưỡng chất. Nhiều khả năng là thiếu canxi, có thể ăn canh cua, cá nhỏ ăn cả xương… Chị nên xem lại chế độ ăn, bổ sung sữa. Bác cũng nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên để có vitaimn D, nên chọn rau có màu xanh sẫm,…
Sau hơn 2 giờ diễn ra chương trình tư vấn truyền hình trực tiếp vẫn có rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi về chương trình nhờ các chuyên gia giải đáp. Chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời bạn đọc trong chuyên mục Phòng mạch Online trên báo điện tử suckhoedoisong.vn, kính mời bạn đọc theo dõi.
Dương Hải
Theo suckhoedoisong.vn
Chuyên mục: Sống Khỏe
Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.