X

Bí quyết nào để sống lâu?

BS. PHAN HỮU PHƯỚC

Thạc sĩ lão khoa – BV Nguyễn Trãi

Cùng với những tiến bộ trong lĩnh vực y học, việc giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn đã giúp cho tuổi thọ con người ngày càng tăng lên. Đầu thập niên 50 của thế kỷ này, tuổi thọ bình quân của con người là 47 nhưng cho đến những năm 90 là 65 và gần đây nhiều nước đạt trên 80 tuổi.

Chúng ta nhận thấy những nước tiến bộ trong lĩnh vực y học như Nhật Bản, Singapore có tuổi thọ trung bình ở nữ là trên 80, nam trên 70 tuổi. Ở Nhật cứ 547 người dân có 1 bác sĩ phụ trách, số giường bệnh cũng rất nhiều: 1.681.000 tức là 74 người dân thì có 1 giường bệnh cho thấy việc chăm sóc sức khỏe ở nước này rất tốt, còn tại Singapore, 1 bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho 681 người dân, tổng số giường bệnh là 10.440 tức là 286 người dân có 1 giường bệnh.

Trong số 10 nước này cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam xếp hàng thứ 5, nữ có tuổi thọ trung bình là 70, nam là 65, thấp hơn nữ. Tổng số bác sĩ của nước ta là 28.500 và 1 bác sĩ phục trách sức khỏe cho 2.490 người dân nhưng trong thực tế có nhiều bác sĩ làm nghề khác, không trực tiếp phục vụ người bệnh.

Nhưng chúng ta cần nhớ tuổi thọ không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào việc chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng mà còn phụ thuộc vào các yếu tố quan trọng khác như tính di truyền, lối sống lành mạnh, môi trường lành mạnh… Như thống kê sơ bộ dân số nước ta cho thấy đến 0 giờ ngày 1/4/1999 dân số nước ta là 76.423.753 người, trong đó nam là 37.519.754 người chiếm 49,2% nữ là 38.804.999 người. Cả nước ta có 3.695 cụ thọ trên 100 tuổi (855 cụ ông và 2.840 cụ bà) đặc biệt có 17 cụ thọ từ 120-130 tuổi hầu hết là người dân tộc thiểu số sống ở vùng Tây nguyên, nông thôn. So sánh với thống kê dân số năm 1979 cho thấy tuổi thọ trung bình của nam là 64 và nữ là 68, cả nước có 2.729 cụ từ 100 tuổi trở lên (1.970 cụ bà, 759 cụ ông). Số cụ trên 115 tuổi là 291 cụ (83 cụ ông, 208 cụ bà) đa số cũng ở miền núi Tây nguyên.

Những con số thống kê này làm chúng ta phải suy nghĩ vì vùng nông thôn là nơi điều kiện chăm sóc sức khỏe rất hạn chế, còn vùng Tây nguyên lại càng khó khăn hơn nhưng đỉnh cao của tuổi thọ lại nằm ở đây. Chúng ta có thể tạm lý giải như sau: người dân ở miền núi cao có lối sống giản dị, không nghỉ đến lợi danh tài lộc, tinh thần luôn ổn định, có bầu không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Họ tuân theo những quy luật tự nhiên trong trời đất “thiên nhiên hợp nhất”, ăn uống đạm bạc, không thừa thãi, vận động thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày… Nhưng thiệt thòi của người dân miền núi là công tác chăm sóc sức khỏe rất hạn chế, những bệnh tật phát sinh ít khi được phát hiện và điều trị kịp thời.

Về mặt tâm lý, tuổi thọ con người có thể đến 150 tuổi, nếu chúng ta có ý thức về chăm sóc sức khỏe thì việc sống đến 100 tuổi là không quá tầm tay. Để có sức khỏe tốt, chúng ta cần lưu ý:

Giữ tinh thần luôn vui tươi thoải mái, tránh ưu tư

Người xưa có câu “Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu” nghĩa là tinh thần vui vẻ lạc quan thì sẽ sống lâu hơn người hay ưu tư lo lắng. Nên giữ cho cơ thể dù có thân lão nhưng tâm bất lão. Trái lại, lối sống kiểu hiện đại ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe: cuộc sống căng thẳng, mất thăng bằng, lao động quá mức, ăn uống quá dư thừa, ngủ nghỉ không đầy đủ, thiếu rèn luyện thân thể, trạng thái tình cảm không ổn định chính là những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ hiện nay:

Sinh hoạt điều độ

Điều độ trong ăn uống: ở người cao tuổi, men tiêu hóa giảm, răng thường lung lay, rệu rạo, sức nhai kém nên khó tiêu hóa, dễ mắc bệnh dạ dày – ruột. Vì vậy việc ăn uống ở người cao tuổi cần lưu ý những điểm sau:

– Thức ăn phải thật vệ sinh sạch sẽ.

– Không nên ăn quá no, “đói mười ăn bảy”, cũng không nên để quá đói mới ăn. Ắn thừa ở người cao tuổi đôi khi còn nguy hiểm hơn là ăn thiếu.

– Gầy không phải là bệnh mà béo phì mới thật sự là nguy hiểm cho người cao tuổi.

– Hạn chế ăn đồ chiên cháy vàng, nên ăn thức ăn tươi hoặc luộc.

– Ắn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật như: rau, đậu, cà…

– Thức ăn cần nêm vừa phải, không quá mặn cũng không quá lạt.

– Về nước uống: nước rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Ở người cao tuổi, độ lọc thận giảm đồng thời cũng giảm khả năng điều chỉnh lượng nước tiểu. Có nhiều trường hợp uống nước quá nhiều 3-4 lít/ngày dẫn đến tình trạng tiểu nhiều, nếu tiểu nhiều vào ban đêm thường ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ở người cao tuổi chỉ cần uống nước 1-1,5 lít/ngày là đủ.

Điều độ trong công việc, nghỉ ngơi, giấc ngủ.

– Sự nhà rỗi, không có việc làm ở người cao tuổi chính là điều bất hạnh. Nên làm việc vừa phải, đảm nhiệm những công việc nhẹ nhàng và nghỉ ngơi kịp thời ngay khi thấy mệt, tránh làm việc quá sức.

– Nên có giấc ngủ hợp lý, trung bình 4-8 giờ mỗi đêm, giấc ngủ sâu, không có ác mộng sẽ thấy tỉnh táo và sung sức vào ngày hôm sau.

– Ngủ quá nhiều cũng gây hại cho sức khỏe. Một nghiên cứu về giấc ngủ và những tai biến tim mạch tại Mỹ cho thấy ở nhóm tuổi từ 50-59 ngủ 10 giờ mỗi đêm có số tử vong cao hơn gấp 4 lần những người ngủ từ 7 giờ mỗi đêm. Còn ở nhóm tuổi 60-69, những người ngủ 10 giờ mỗi đêm có tỷ lệ tai biến về tim mạch gấp đôi những người ngủ 7 giờ mỗi đêm. Lý do ngủ nhiều ít vận động nên dễ bị xơ vữa động mạch mà bệnh này chính là yếu tố thúc đẩy cho nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm khác như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

– Nếu bị mất ngủ, nên áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc trước, nếu không hiệu quả mới dùng đến thuốc an thần.

Rèn luyện thân thể

– Rèn luyện thân thể thật sự quan trọng cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy thể dục thể thao làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh khớp, loãng xương…

– Đối với sức khỏe người cao tuổi, khi tập thể dục, chơi thể thao cần lưu ý khi nhịp tim tăng lên 110 lần/phút nên ngừng lại nghỉ ngơi.

– Các loại hình nên tập là chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp, đi bộ, chạy tại chỗ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thái cực kiếm, Yoga…

– Tập mỗi lần tối thiểu 30-45 phút, 3-6 lần mỗi tuần thì mới có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Chuyên mục: Sống Lâu

Trang web này sử dụng cookies.