X

Bí quyết trường thọ của cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác định kỷ lục “Cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam” là: Cụ Trần Đình Thăng (SN 1909 – 105 tuổi) và em của cụ Thăng là cụ Trần Đình Liên (SN 1912 – 102 tuổi). Không chỉ giữ cho mình cái tuổi xưa nay hiếm, mà tấm lòng và những chia sẻ của hai cụ về cuộc sống cũng là bài học quý giá.

Cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam

Trong cơn mưa tầm tã của miền Trung, chúng tôi tìm về với miền biển Đông Luật (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) để cùng người dân nơi đây chia sẻ niềm tự hào, khi hai người con của quê mình vừa đi vào kỷ lục Việt Nam.

Không giấu niềm tự hào, ông Trần Văn Linh (58 tuổi, trú Vĩnh Thái) chia sẻ: “Quả thật rất vui, miền biển nghèo của chúng tôi xưa nay nổi tiếng bởi sự chăm chỉ lao động hay sự cần cù hiếu học của những cô cậu sinh viên nghèo nay lại đón nhận thêm chuyện hai cụ họ Trần cao tuổi nhất nước. Vừa mừng cho hai cụ sống lâu hơn nữa bởi xưa nay hai cụ nổi tiếng bởi đức độ, cả làng ai cũng kính trọng. Hơn nữa dù lớn tuổi nhưng hai cụ vẫn dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải”.

Khi chúng tôi đến, cụ Thăng đang lim dim ngủ trên chiếc chõng tre. Dù đã lớn tuổi, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, tuy hai mắt giờ nhìn không được rõ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, kinh qua bao lửa đạn bao đổi thay cùng miền biển Vĩnh Thái, cụ Thăng thấm thía mọi lẽ trên đời. Cụ chia sẻ: “Sống vui vầy cùng cháu con nên chắc ông trời thương mới cho thọ như thế này.

Cũng như cụ Liên, cụ Thăng đều tham gia cả hai cuộc kháng chiến đánh giặc giữ nước. Những năm đánh Pháp đánh Mỹ ác liệt, hai cụ là dân quân du kích ngày đêm cùng với bà con Vĩnh Thái tham gia đánh địch. Đặc biệt, với sở trường đi biển, hai anh em cụ đảm nhận việc tiếp tế lương thực cho bộ đội ở đảo Cồn Cỏ. Những chiến tích thầm lặng của hai cụ góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang cho quê hương.

Chớp đôi mắt mờ đục, cụ Liên nhớ lại những năm tháng cùng anh trai tham gia du kích: “Lâu quá rồi, mà không chỉ hai anh em tui còn có mấy ông nữa cùng trang lứa, nhưng giờ họ mất rồi. Lúc đó, bom rơi cũng mặc, cứ thế mà xông vào thôi. Hết chiến tranh lại cùng nhau ra biển đánh cá, hay làm nông nuôi gà nuôi heo. Cuộc sống bình lặng lắm, yên bình lắm”.

                            

Cụ Liên trò chuyện với PV.

Sống để yêu thương

Khi chúng tôi hỏi bí quyết nào giúp hai cụ trường thọ và khoẻ mạnh thì cả hai đều móm mém cười bảo: “Sống để yêu thương”. Quả thực càng trò chuyện với hai cụ chúng tôi mới thấu hết những lời răn dạy đó. Anh Trần Văn Khánh (28 tuổi, trú Vĩnh Thái) cho biết: “Mình là thế hệ trẻ nhưng cảm nhận được lối sống giản dị, khiêm nhường, hết mực thương yêu con cháu của các cụ. Hồi hai cụ còn khỏe, mình thường xuyên nói chuyện và nghe các cụ dạy bảo, cảm giác như đang nói với một kho tri thức về đối nhân xử thế. Theo mình, chính cách sống hòa nhã, giản dị càng làm tăng thêm sự chuẩn mực trong con người các cụ và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi”.

Dù cả hai đều ở ngưỡng đại thọ, nhưng nhìn hai cụ vẫn hiện lên sự tươi vui. Trong cuộc trò chuyện cụ Liên còn bảo rằng: “Lúc khỏe là vận động, đi tới lui trong nhà. Nhờ lao động, luyện tập sức khỏe thường xuyên nên mới ít đau ốm và đi lại được như hiện nay. Với lại con cháu chăm sóc chu đáo khiến các cụ rất vui và sống khoẻ”. Hiện cụ Liên đang sống cùng người con trai cả là ông Trần Hằng (SN 1942) và con dâu là bà Trần Thị Sâm (SN 1955) tại quê nhà. Riêng cụ Thăng chỉ có một cô con gái là bà Trần Thị Mai (SN 1957), lấy chồng gần đó, luôn quan tâm chăm sóc cho cụ.

Ông Trần Hằng chia sẻ: “Vốn là anh em ruột nhưng bác Thăng thích sống tự do, không muốn làm phiền đến con cháu. Cả hai ông đều già cả rồi, mình là phận con, cháu, chăm sóc các cụ là bổn phận, trách nhiệm của các thế hệ sau. Các cụ ở cùng nhà nên chúng tôi có điều kiện để chăm sóc hơn và cũng tiện theo dõi sức khỏe của cụ hàng ngày”.

Nói về tình anh em giữa hai cụ, bà Sâm chia sẻ: “Mấy mươi năm trời làm dâu tui chưa bao giờ nghe hai anh em ba tui cãi nhau hay xích mích gì hết. Hai cụ sống khi nào cũng chỉ dạy, khuyên bảo cho nhau. Những năm trước, khi vợ cụ Thăng mất, cụ Liên tối nào cũng nằng nặc đòi qua ngủ với cụ Thăng. Phận làm con, tui kính trọng vô cùng. Mấy năm gần đây, sức khỏe của hai cụ có phần yếu hơn, nên phải có người thường xuyên ở bên cạnh. Vợ chồng tui cũng đã nghỉ hưu, nên có nhiều thời gian rảnh để trò chuyện, chăm nom hai cụ hàng ngày”.

Nhiều năm làm dâu con trong nhà, bà Sâm hiểu rõ cách ăn uống, lao động của cụ Liên. Bà cũng cho biết, có lẽ hai cụ sống khỏe vậy là do tinh thần sảng khoái là chính, chứ ăn uống thì cũng như bao người. Cũng theo bà Sâm, bình thường cụ Liên ăn rất ít nhưng chia làm nhiều bữa. Khác với cụ Thăng, điều làm chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên về cụ Liên, là dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn hút thuốc như hồi còn trai trẻ. Cụ cho biết, do lúc trước hút quen rồi, nên thói quen đó còn kéo dài đến bây giờ, dù cho con cháu khuyên răn nhưng vẫn không bỏ được.

Chia sẻ về cách sống thọ, cụ Liên nói: “Là con người thì ai cũng vậy thôi, có trai trẻ, có già yếu và cũng một lần mất đi. Vì vậy, khi sống nên thoải mái, cần cù lao động, sống chan hòa với mọi người. Đó cũng là cách để tăng tính chịu đựng trước mọi sự biến đổi của thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe cho bản thân”.

Lật giở cuốn album chứa những bức ảnh mỗi lần tổ chức mừng đại thọ hai cụ, ông Hằng xúc động: “Mỗi lần gia đình sum họp, bác Thăng và ba tôi thường răn dạy con cháu rằng, gần đến cuối đời nhưng hai ông luôn sống đoàn kết, thương yêu con cháu, chăm sóc lẫn nhau và sống hòa nhã với mọi người. Bác Thăng rất thương ba tôi. Chính vì thế, các cụ luôn muốn anh em chúng tôi sống hòa thuận, thương yêu lẫn nhau, tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức để làm rạng danh cho gia đình, dòng họ”.

Có thể thấy chính từ tấm lòng và nhân cách sống của hai cụ đã ảnh hưởng lớn đến con cháu. Khi biết tin cha và bác mình là hai em ruột cao tuổi nhất nước, ông Hằng tự hào nói: “Anh em chúng tôi cảm thấy vui mừng khi hai cụ được bình chọn là “Hai anh em sống thọ nhất”. Đó cũng là niềm tự hào, niềm động viên đối với các cụ khi về già”.

Hiện tại, cụ Thăng có tất cả năm cháu và ba chắt ngoại. Còn cụ Liên có 21 người cháu nội, ngoại, 23 chắt. Trong số đó, có các cháu đã trưởng thành và đi làm việc xa nhà nhưng vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của hai cụ.

Chuyên mục: Sống Lâu

Trang web này sử dụng cookies.