Cá lau kính (còn gọi là cá lau kiếng, cá tỳ bá, cá dọn bể) là loại cá được đại đa số những người chơi cá cảnh chọn nuôi, chúng sẽ làm vệ sinh cho bể cá cảnh một cách tự nhiên giúp tiết kiệm thời gian và công sức người chơi. Trong bài này Sudo Cá Cảnh sẽ cung cấp cho bạn thông tin về loài cá này và cách nuôi chúng tốt nhất trong bể cá cảnh hay bể thủy sinh.
1. Một vài thông tin về cá lau kính
Cá lau kính là loại cá cảnh nuôi trong hồ cá chung với các loài cá nhỏ khác, cá lau kính sẽ ăn rêu bám trên kính, thức ăn thừa của cá cảnh hoặc đôi khi chúng ngoi lên mặt nước để ăn thực phẩm giống như những con cá thông thường khác. Nuôi cá lau kính trong bể cá cảnh bạn sẽ đỡ tốn công làm sạch bể cá của mình.
Cá lau kính là một loài cá cảnh rất thường gặp ở nhiều nơi trên thế giới và thông qua con đường nhân giống, buôn bán mà chúng đã thoát ra môi trường tự nhiên. Do đặc tính ăn nhiều, lớn nhanh, đẻ sai, cá lau kiếng khi “sổng chuồng” sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn với các loài cá khác và được xem là loài cá xâm hại ở một số quốc gia. Thỉnh thoảng người ta thường câu được cá lau kiếng ở sông Sài Gòn, loài cá lau kính sống dưới sông có kích thước rất to và thịt cá ăn rất ngọt.
Cá lau kính là một loài có biên độ sinh thái rất rộng đối với nhiều yếu tố môi trường. Chúng sinh sống ở nơi nước tĩnh và cả ở các suối có nước chảy nhanh. Chúng có mặt ở các ao cạn và cả ở các hồ sâu, chủ yếu phân bố trong vùng nước ngọt nhưng có thể sống được trong vùng nước lợ ở cửa sông. Chúng có thể chịu đựng được tình trạng nước bị nhiễm bẩn cao có hàm lượng oxy hòa tan thấp và ở những vực nước tù đọng với nhiều khí sulfur hydro.
Ở môi trường mới, một số loài cá lau kính có thể đạt đến kích thước 70cm trong khi ở nguyên quán chúng lớn nhất chỉ vào khoảng 30cm. Điều này khá thường gặp ở các loài ngoại lai xâm lấn, chẳng hạn như cây mai dương cũng có xuất xứ từ Nam Mỹ. Ở nguyên quán, cây mai dương chỉ là cỏ nhỏ 30 – 40cm, nhưng khi xâm lấn ở môi trường mới chúng có thể mọc thành cây bụi cao 4 – 5m.
Cá lau kính đặc biệt được ưa chuộng nuôi trong bể cá cảnh chung với các loài cá cảnh lớn khác như: Cá rồng, cá la hán, … Bể cá của bạn sẽ không chỉ đơn sắc với vài chú cá lau kiếng màu đen vì ngày nay cá lau kiếng đã được lai tạo ra rất nhiều loại có màu sắc rất đẹp.
Khi chọn nuôi cá lau kiếng trong bể thủy sinh các bạn nên chọn mua loại nhỏ để tránh làm hư hại cây thủy sinh và tránh tình trạng đánh nhau giữa các loại cá trong bể vì cá lau kính là loài ăn tạp.
2. Những điều cần biết khi nuôi cá lau kính
– Nhiệt độ nước (C):19 – 30
– Độ cứng nước (dH):1 – 30
– Hình thức sinh sản:Đẻ trứng
– Chi tiết đặc điểm sinh học: Cá lau kiếng sống ở dưới đáy hồ
– Sinh sản: Cá lau kiếng sinh sản trong ao đất, đào hang đẻ trứng (khoảng 300 trứng/lần đẻ).
3. Cách chăm sóc cá lau kính
– Hình thức nuôi: Ghép
– Nuôi trong hồ rong: Không
– Yêu cầu lọc nước: Không
– Thiết kế bể: Cá được xem là chuyên gia ăn rêu và dọn chất nhớt ở thành bể và đáy bể, cá thích hợp thả nuôi chung với nhiều loài. Cá ăn thực vật và phá cây nên tránh nuôi trong bể có trồng nhiều cây thủy sinh. Có thể bố trí thêm giá thể làm nơi trú ẩn cho cá như gỗ, đá …
– Chăm sóc: Cá dễ nuôi, hoạt động về đêm, thích ứng nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
– Thức ăn: Cá ăn tảo, thực vật, mùn bã, giáp xác và côn trùng nhỏ.
|
Cá lau kính da beo hay cá tỳ bà bướm được coi là loài cá lau kính pleco đẹp nhất thế giới |
4. Giá cá lau kính bán trên thị trường
– Giá trung bình (VND/con): 5000
– Giá bán min – max (VND/con): 2000 – 10000