X

Các bệnh ở lợn, cách phòng và chữa trị

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng nên rất dễ xảy ra nhiều dịch bệnh cho đàn gia súc đặc biệt là cho đàn heo. Chăn nuôi nông hộ thì công tác phòng bệnh chưa đồng loạt nên lợn hay mắc một số bệnh như tụ huyết trùng, dịch tả lợn, tai xanh. Đó là các bệnh ghép nên lợn dễ chết trong thời gian ngắn, dưới đây là các nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị bệnh cho lợn để bà con tham khảo.

Bệnh ở lợn biểu hiện ra bên ngoài

1. Bệnh tụ huyết trùng

1.1 Tác nhân, phạm vi

Bệnh do vi khuẩn gram âm, Pasteurella multocida có dạng cầu trực trùng gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào lợn sẽ gây chứng tụ huyết, xuất huyết ở những vùng đặc biệt trên cơ thể và sau cùng là xâm nhập vào máu gây bại huyết toàn thân. Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm có thể phát bệnh rải rác hoặc thành dịch tại các địa phương. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi trong vòng đời của lợn, phổ biến nhất là lợn trong thời kỳ vỗ béo 3 – 6 tháng tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, khi điều kiện thời tiết thay đổi đặc biệt là vào vụ đông xuân khi độ ẩm cao, mưa phùn gió bấc, chuồng trại ẩm thấp…
Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, lây lan theo đường tiêu hóa là chính, ngoài ra còn qua hô hấp (nhất là hô hấp trên). Sự xâm nhập càng dễ dàng hơn là khi niêm mạc bị tổn thương. Bệnh lan truyền trực tiếp từ con mang mầm bệnh sang con khỏe, qua đường thức ăn, nước uống, chuồng trại vệ sinh kém…
Bệnh thường kết hợp thêm các bệnh trên đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm teo mũi truyền nhiễm.
Hình ảnh lợn bị tụ huyết trùng.

1.2 Triệu chứng, bệnh tích

Thời gian ủ bệnh có thể trong 1 – 14 ngày, thông thường không quá 2 ngày. Khi bị bệnh lợn có thể biểu hiện ở 3 dạng sau:
Thể quá cấp: Phát ra ở thời kỳ đầu của ổ dịch. Trước khi phát bệnh lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, sau đó, đột ngột, lợn sốt cao, trên 410C, bỏ ăn; sau vài giờ lợn bị kích thích thần kinh, chạy lung tung; vùng bụng, tai, bẹn bị tím tái; vùng hầu, mặt bị phù, viêm họng, chết sau 1 – 2 ngày xuất huyết. Tỷ lệ lợn bị mắc bệnh ở thể quá cấp không nhiều.
Thể cấp tính: Sốt cao, ho, ấm vùng ngực, xuất hiện nhiều vệt tím trên da, vùng hầu, niêm mạc tím tái, chảy nước mũi có lẫn máu. Khi mổ thấy xuất huyết niêm mạc, các cơ quan phổi gan. Vùng cổ ngực bị phù dưới da, bao tim và vùng xoang bụng tích đầy nước. Lợn chết sau 3 – 4 ngày xuất huyết.
Khi phẫu thuật thấy viêm phổi thùy lớn, phổi có nhiều vùng bị gan hóa, trên da có những vết bầm đỏ sẫm ở ngực, chân, bụng. Viêm bao tim tích nước có khi xuất huyết. Hạch sưng to, tụ máu, ruột và dạ dày bị viêm, thận tụ máu.
Thể mãn tính: Đây là thể thường gặp, lợn sốt cao 40 – 410C. Thể này thường kế tiếp sau thể cấp tính. Lợn có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, thở nhanh, khò khè, gầy yếu, ho từng hồi, kéo dài, ho nhiều khi vận động, mũi khô hoặc có dịch mũi đặc, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón). Khớp xương bị viêm, sưng nóng, đau, nhất là khớp đầu gối, da đỏ ửng từng mảng, bong vẩy. Những chỗ da mỏng như bụng, tai, dưới đùi, bẹn xuất hiện những đám xuất huyết đỏ. Khi phẫu thuật thấy màng phổi và màng hoành cách mô bị viêm dính. Màng phổi bị dính vào lồng ngực hoặc có những abcess (những chỗ bị sưng, viêm) phổi. Hạch bạch huyết bị bã đậu, có mủ. Khí quản và phế quản tụ máu, xuất huyết.

1.3 Phòng bệnh

Khi lợn ngoài 1 tháng tuổi có thể tiến hành tiêm vaccin phòng bệnh tụ huyết trùng hoặc vaccin phòng bệnh trùng đóng dấu. Đây là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất.
Tiến hành phòng bệnh tổng hợp bằng các công tác vệ sinh thú y. Bổ sung một số vitamin vào thức ăn, đặc biệt vào những khi thời tiết giao mùa để tăng cường sức đề kháng tự nhiên.
Tăng cường vệ sinh chuồng trại định kỳ sát trùng chuồng bằng vôi bột hoặc một số thuốc PIVIDINE hoặc ANTIVIRUS-FBM…

1.4 Trị bệnh

Dùng một trong số các sản phẩm có chứa kháng sinh trị bệnh vi khuẩn gram âm như: Tetra-colovit với liều lượng 2 g/lít nước uống, dùng trong 3 – 5 ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại kháng sinh như Streptomycin, Colistin với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sỹ thú y.
Trong khi điều trị bắng thuốc kháng sinh kết hợp với B-complex C, liều lượng 5 g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng, mau phục hồi sức khỏe. Trong thời gian điều trị bệnh, tiến hành sát trùng trang trại 1 – 2 lần bằng vôi, hoặc một số thuốc PIVIDINE, ANTIVIRUS-FBM.

2. Bệnh dịch tả lợn và biện pháp phòng bệnh

Bệnh dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn, bệnh lây lan mạnh, tỷ lệ chết cao (85% – 100%) và thường ghép với bệnh Tai xanh, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng,…. làm cho bệnh trầm trọng thêm. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng phát ra mạnh vào mùa xuân.

2.1 Nguyên nhân gây bệnh và cách lây lan:

Bệnh dịch tả lợn do vi rút Pestivirut, họ Flavoviridae gây ra. Vi rút có sức đề kháng cao, có thể tồn tại nhiều năm trong thịt ướp đông, 6 tháng trong thịt muối, thịt hun khói, trong phân và nền chuồng hàng tháng nhưng rất dễ bị diệt bởi nhiệt độ cao hoặc hóa chất sát trùng như xút, Han-iodine, Benkocit…
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp trên:
– Lây lan trực tiếp: do lợn ốm tiếp xúc với lợn khỏe.
– Lây lan gián tiếp: do thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh hoặc qua các phương tiện vận chuyển, giầy dép, quần áo của người chăn nuôi, côn trùng làm lây lan dịch.

2.2 Triệu chứng của bệnh:

Vi rút dịch tả lợn gây bệnh cho tất cả các loài lợn và ở mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với lợn nái thường mang trùng truyền bệnh cho con và làm lây lan dịch. Thời gian ủ bệnh từ 3 – 8 ngày hoặc có thể dài hơn tùy thuộc vào độc lực của vi rút và sức đề kháng của con vật. Bệnh có thể xuất hiện ở 3 thể bệnh sau:
2.2.1 Thể quá cấp tính:- Thể này thường thấy ở lợn con, bệnh xuất hiện đột ngột, nhiều trường hợp lợn con chết mà không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
– Lợn đang khỏe bỗng nhiên ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao 41 – 430C.
– Ở chỗ da mỏng như: bẹn, bụng có những nốt đỏ sau chuyển màu tím.
– Bệnh tiến triển 1 – 2 ngày con vật dẫy dụa rồi chết, tỷ lệ chết có thể tới 100%. 2.2.2 Thể cấp tính:- Lợn bệnh chậm chạp, nằm đè lên nhau, kém ăn rồi bỏ ăn, sốt cao 41 – 42 0C kéo dài đến lúc gần chết.
– Mắt viêm đỏ có dử màu xám hay nâu đen.
– Lợn ho, khó thở, ngồi như chó ngồi để thở, chảy nước mũi.
– Lợn nôn mửa, lúc đầu phân táo sau tiêu chảy nặng có khi ra cả máu tươi, phân lỏng màu vàng xám có mùi tanh khắm đặc trưng.
– Niêm mạc miệng, môi, chân răng, gốc lưỡi có những nốt loét phủ bựa màu vàng hay vàng xám.
– Chỗ da mỏng ở bẹn, tai, mõm, bụng có những nốt xuất huyết nhỏ bằng đầu đinh ghim (như muỗi đốt) màu đỏ sau chuyển màu tím.
– Lợn có biểu hiện thần kinh, có những cơn co giật, lợn đi chệnh choạng, đầu vẹo, bại liệt nhất là bại liệt 2 chân sau.
– Đối với lợn nái chửa thường xảy thai, chết lưu thai hoặc lợn con sinh ra yếu, chết yểu.
– Bệnh tiến triển 8 – 15 ngày làm vật gầy yếu rồi chết.
Hình ảnh đàn lợn bị dịch tả.
2.2.3 Thể mãn tính:- Lợn mắc bệnh ở thể cấp tính lâu ngày không khỏi chuyển sang thể mãn tính, thường thấy ở lợn 2 – 3 tháng tuổi.
– Lợn lúc đi táo lúc tiêu chảy.
– Lợn ho, khó thở.
– Các nốt xuất huyết ở bẹn, tai, mũi, bụng, sườn, lưng chuyển từ màu đỏ sang màu tím sau đó da bị tróc từng mảng như bánh đa.
– Bệnh tiến triển 1 – 2 tháng làm lợn gầy yếu, chết do kiệt sức.

2.3 Bệnh tích:

– Chỗ da mỏng như bẹn, chỏm tai, mõm, bụng có những nốt xuất huyết đỏ hoặc tím tràn lan.
– Hạch lâm ba xuất huyết, vỏ thận xuất huyết lấm tấm, niêm mạc bàng quang xuất huyết.
– Lách xuất huyết, nhồi huyết, rìa lách có hình răng cưa (bệnh tích đặc trưng).
– Viêm ruột, ruột có những nốt loét hình tròn, van hồi manh tràng có nốt loét hình cúc áo.

2.4 Phòng và trị bệnh:

2.4.1 Phòng bệnh:* Về chuồng trại:
– Chuồng trại cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, đảm bảo ấm về mùa Đông và thoáng mát về mùa Hè.
– Nền chuồng, tường chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước; trước cửa chuồng có hố sát trùng. Hạn chế người ngoài vào khu vực chăn nuôi.
– Có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về trước khi nhập đàn hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị.
* Về con giống:
– Con giống nhập vào nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, được nuôi cách ly để theo dõi 10 – 15 ngày.
– Khai báo với trưởng thôn xóm và thú y để quản lý và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
* Về chăm sóc, nuôi dưỡng:
– Cho vật nuôi ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng.
– Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
* Về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng:
– Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn.
– Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Han-iodine, Virkon,… khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần.
– Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, rửa nền chuồng bằng nước sạch, để khô, sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ tường, trần, nền chuồng. Dùng nước vôi 10% quét nền và tường chuồng. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập nuôi lứa mới.
* Tiêm phòng vắc xin:
Sử dụng vắc xin Dịch tả lợn nhược độc đông khô chủng C cho tất cả các loại lợn từ 45 ngày tuổi trở lên, trường hợp tiêm sớm hơn (21 – 30 ngày tuổi) phải tiêm nhắc lại mũi 2 sau mũi 1 từ 3 – 4 tuần, sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại.
* Khai báo dịch:
Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy lợn có hiện tượng ốm (sốt cao, bỏ ăn, mắt có dử, chỗ da mỏng có những nốt xuất huyết như muỗi đốt) phải nhanh chóng cách ly những con ốm ra khu vực riêng; không bán chạy, không vứt xác lợn chết ra môi trường, không giết mổ; báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.
2.4.2 Điều trị bệnh:Bệnh dịch tả lợn do vi rút gây ra hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

3. Bệnh tai xanh

3.1 Bệnh tai xanh là gì?

Bệnh tai xanh trên heo (lợn) còn được gọi là Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc giống arterivirus gây ra. Bệnh rất dễ lây lan, hiện nay đang bùng phát thành dịch và gây thiệt hại lớn cho các đàn heo ở khắp các tỉnh thành cả nước.
Hình ảnh lợn bị tai xanh.

3.2 Bệnh tai xanh lây lan như thế nào?

Nước bọt, dịch tiết từ mũi, phân, nước tiểu, sữa, tinh dịch của heo mắc bệnh là nguồn lây lan virus gây bệnh. Virus có thể xâm nhập cơ thể heo khỏe qua đường hô hấp (hít vào), tiêu hóa (ăn vào), đường sinh dục (gieo tinh, phối giống), đường máu (da trầy sướt, kim tiêm nhiễm virus), heo mẹ truyền cho thai.
Heo mắc bệnh có thể mang virus và lây bệnh trong vòng 2-3 tháng.
Bệnh có thể lây lan gián tiếp theo các cách như sau:
– Sự vận chuyển của heo có mang mầm bệnh.
– Virus phát tán theo không khí trong vòng bán kính 3km.
– Tiếp xúc với phân, bụi, chất tiết và các dụng cụ có mang virus.
– Ủng và quần áo công nhân có mang virus.
– Các phương tiện vận chuyển, đặc biệt khi trời lạnh.
– Vịt trời hoặc các loài chim khác.
Bệnh tai xanh có thể nhiễm trên tất cả các loại heo, heo có tình trạng sức khỏe tốt hoặc bình thường, heo nuôi ở các loại chuồng khác nhau.

3.3 Heo mắc bệnh tai xanh có biểu hiện bên ngoài như thế nào?

Biểu hiện đặc trưng của bệnh tai xanh là các rối loạn sinh sản trên heo nái và rối lọan hô hấp trên heo con và heo lứa.
Biểu hiện bệnh trầm trọng hay nhẹ tùy thuộc vào: độc lực virus, tuổi, nhiễm lần đầu hay lần sau, tình trạng sức khỏe-sức đề kháng của heo, cách chăm sóc, quản lý,…
* Heo nái:
– Sốt nhẹ (40-41oC), biếng ăn, lười uống.
– Hai chân sau yếu, da chuyển màu hồng đến đỏ, tai chuyển màu tím xanh.
– Ho và có các biểu hiện hô hấp như thở khó, thở nhanh, thở bụng, chảy mũi.
Quan trọng nhất là đàn nái có các biểu hiện rối loạn sinh sản:
– Tăng tỉ lệ động dục lại sau khi phối giống 21-35 ngày.
– Khoảng 10-15% nái đẻ non trong 4 tuần đầu.
– Tăng tỉ lệ sẩy thai vào giai đoạn cuối.
– Khô thai, thai chết non tăng đến 30%.
– Heo con sinh ra yếu ớt, .
– Nái nuôi con mất sữa, viêm vú.
– Không lên giống hoặc lên giống lại chậm sau khi cai sữa heo con.
– Tỉ lệ chết có thể đến 10% (nếu không bị bội nhiễm).
* Heo con theo mẹ:
– Gầy yếu, sức sống thấp, tỉ lệ chết 30-50% trong 3-4 tuần đầu.
– Heo con lờ đờ, tiêu chảy, viêm phổi, thở khó, thở gấp, sưng mí mắt và kết mạc mắt, có nhiều ghèn nâu đóng quanh mí mắt, loạng choạng, bẹt chân.
– Trên da có những vết phồng rộp, vỡ ra gây nhiễm trùng.
* Heo cai sữa và heo lứa:
– Một số con biếng ăn , lông cứng, xù xì, chậm lớn, lớn không đồng đều.
– Tai lạnh, nhưng đo thân nhiệt thấy sốt nhẹ, chân sau yếu, đi loạng choạng.
– Da chuyển màu hồng đỏ, tai tím xanh.
– Ho, thở nhanh, hắt hơi.
– Tỉ lệ chết 12-15%, đa số bị bội nhiễm các bệnh khác tỉ lệ chết tăng cao đến 100%.
* Heo đực giống: sốt, biếng ăn, có biểu hiện về hô hấp, lờ đờ, mất tính hăng, lượng tinh dịch ít, chất lượng tinh kém, số con/ổ thấp.

3.4 Bệnh tai xanh có điều trị được không?

Bệnh tai xanh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu đàn heo có sức đề kháng tốt và không bị bội nhiễm các bệnh khác thì heo có thể tự khỏi bệnh, tổn thất không đáng kể.
Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn heo mắc bệnh tai xanh đều bội nhiễm các bệnh khác làm cho bệnh nặng hơn, tỉ lệ chết cao hơn.

3.5 Heo mắc bệnh tai xanh thường bị bội nhiễm các bệnh nào?

Heo con, heo lứa hay heo thịt  mắc bệnh tai xanh thường bị bội nhiễm một hay nhiều bệnh khác như sau:
* Các bệnh đường hô hấp: Suyễn heo (Viêm phổi địa phương) do Mycoplasma, viêm phổi màng phổi do Actinobacillus pleuropneumoniae, tụ huyết trùng doPasteurella multocida, bệnh Glasser (viêm màng thanh dịch) do Haemophillus parasuis, cúm heo.
* Các bệnh đường tiêu hóa: phó thương hàn do vi khuẩn Samonella typhimurium, E.coli phù, E.coli tiêu chảy, dịch tả.
* Các bệnh khác như: bệnh do Streptococcus suis, viêm da do Staphylococcus aureus.

3.6 Phòng bệnh tai xanh như thế nào?

Để phòng bệnh tai xanh, nên thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp.
(1). Chuồng trại: đảm bảo thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, vệ sinh sạch sẽ, mật độ nuôi vừa phải.
(2). Định kỳ tiêu độc, sát trùng chuồng trại theo lịch sau:
– Bình thường: 2 tuần 1 lần.
– Thời tiết thay đổi, giao mùa: 1 tuần 1 lần.
– Khi có dịch bệnh nổ ra xung quanh: 3 ngày 1 lần.
Sử dụng các thuốc sát trùng hiệu quả cao như: Vimekon, Vime-Iodine (có thể phun xịt thẳng vào chuồng đang nuôi), Vime-Protex, Protectol (phun xịt xung quanh hoặc chuồng trống).
(4). Có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đảm bảo sức khỏe và sức đề kháng cho heo.
(3). Mua heo ở những trại không có bệnh, cách ly 3-4 tuần trước khi nhập đàn. Thực hiện “cùng nhập, cùng xuất” để có thời gian trống chuồng cắt đứt mầm bệnh tồn lưu. Không nên nhập heo trong giai đoạn có dịch.
(5). Tiêm phòng vaccine bệnh tai xanh theo quy định của cơ quan thú y.

3.7 Một khi bệnh tai xanh đã xuất hiện tại trại lân cận hoặc tại trại của mình, cần xử lý như thế nào?

(1). Tiêu độc sát trùng:
– Khi có dịch bệnh nổ ra xung quanh: phun thuốc sát trùng 3 ngày 1 lần.
– Khi xuất hiện bệnh tại trại: 1lần/ngày, phun thẳng vào chuồng đang nuôi, và xung quanh trong suốt thời gian heo bệnh (1-2 tuần).
– Vimekon: 10g/2lít nước hoặc Vime-Iodine: 10ml/2lít nước
(2). Nâng sức đề kháng toàn đàn
– Vimekat plus: 10ml/con, pha trong nước uống trong 5 ngày, lặp lại sau 3 ngày.
– Vime C 100: 1g/2kg thể trọng pha nước uống hoặc Vime C Electrolyte: 1 gam pha 2-4 lít nước uống, cho uống liên tục 7 ngày.
– Vime-Glucan: 1kg/400kg thức ăn, trong 7 ngày.
– Vizyme: 2-5g/con/ngày, trộn thức ăn trong 7 ngày.
(3). Phòng bội nhiễm bằng kháng sinh :
* Áp dụng cho toàn đàn
– Tilmo Vime premix: 1-2kg/tấn thức ăn
Kết hợp với Colistin fort 1g/20 lít nước uống hoặc 1g trộn với 2,5kg thức ăn
Hoặc kết hợp Coli-norgent 1g/8-10kg thể trọng, trong 7 ngày liên tiếp.
– Tylofos: 1g/40kg thể trọng/ngày, trong 7 ngày liên tiếp.
– Vimenro: 1g/4-5kg thể trọng, trong 7 ngày liên tiếp.
– Vimeflocol 400: 0,5kg/ tấn thức ăn, trong 7 ngày liên tiếp.
* Áp dụng cho tất cả heo có biểu hiện hoặc nghi mắc bệnh tai xanh:
– Tiêm 1 liều duy nhất Tulavitryl 1ml/40kg thể trọng để phòng tất cả các bội nhiễm gây bệnh đường hô hấp.

3.8 Bệnh tai xanh bội nhiễm các bệnh khác có điều trị được không?

Đối với các bệnh bội nhiễm do vi khuẩn gây ra như suyễn heo, viêm phổi-màng phổi, tụ huyết trùng, bệnh Glasser, phó thương hàn, bệnh E.coli phù và tiêu chảy, bệnh do Streptococcus suis, viêm da, … , có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh và các thuốc hỗ trợ khác, mỗi bệnh sẽ có các phác đồ điều trị riêng.
Trong một chuồng heo có thể bội nhiễm nhiều bệnh khác nhau làm biểu hiện bệnh trở nên đa dạng, phức tạp, khó chẩn đoán và tỉ lệ chết tăng cao hơn. Ngoài các biểu hiện của bệnh tai xanh, heo còn có các triệu chứng đặc trưng của bệnh bội nhiễm.
Các mô tả triệu chứng điển hình và phác đồ sau đây nhằm giúp bà con chăn nuôi chặn đứng các bệnh bội nhiễm, giúp giảm thiểu tổn thất do bệnh tai xanh gây ra.

4. Các bệnh đường hô hấp (Suyễn heo, viêm phổi-màng phổi, tụ huyết trùng, bệnh Glasser):

* Triệu chứng:

Heo mắc suyễn heo dễ bị bội nhiễm bệnh tai xanh và ngược lại.
Trong trường hợp bội nhiễm một hay nhiều bệnh đường hô hấp, heo mắc bệnh tai xanh biểu hiện các triệu chứng trầm trọng hơn, đặc biệt biểu hiện hô hấp:
– Ho nhiều và sốt cao hơn (41-42oC).
– Thở khó trầm trọng, há miệng thở, ngồi như chó ngồi.
– Dịch mũi nhiều, nhầy, đục, đóng cục ở lỗ mũi.
– Kiệt sức. Tỉ lệ chết cao.
Ngoài các triệu chứng chung như trên, có thể phân biệt từng bệnh qua một số triệu chứng như sau:
Suyễn heo
Viêm phổi màng phổi
Tụ huyết trùng
Bệnh Glasser
– Ho khan, ho dài 7-10 cái/lần, ngồi ho kiểu chó ngồi.
– Ho ngắn 2-3 cái/lần.
-Thở khó, nặng, kéo bụng, có tiếng rít.
– Có các cơn thở khó, thở nhanh, trầm trọng, hồng hộc, cách nhau vài giờ.
– Có triệu chứng thần kinh: heo nằm nghiêng một bên, run, chân bơi chèo, nhưng không phù như E.coli phù.

* Cách điều trị

* Kháng sinh:   tiêm 1 liều duy nhất Tulavitryl 1ml/40kg thể trọng để điều trị tất cả các bệnh bội nhiễm trên đường hô hấp.
† Trường hợp bội nhiễm bệnh tụ huyết trùng:
Do thời gian bán thải của Tulavitryl trong huyết tương nhanh hơn thời gian bán thải ở phổi (3 – 4 ngày) nên để ngăn ngừa heo bị nhiễm khuẩn huyết do Pasteurella multocida có thể tiêm nhắc lại một liều Tulavitryl kể từ ngày thứ 3-5 sau khi tiêm Tulavitryl liều đầu hoặc chọn một trong các loại kháng sinh đặc trị bệnh tụ huyết trùng sau:
– Streptomycin: 1g/ 50kg thể trọng, 2-3 lần/ ngày, liên tục 3 – 5 ngày.
– Vimelinspec: 1ml/ 10kg thể trọng/ ngày, liên tục 3 – 5 ngày.
– Lincoseptryl: 1ml/ 10kg thể trọng/ ngày, liên tục 3-5 ngày.
– Tylovet: 1ml/10kg thể trọng/ ngày, liên tục 3 – 5 ngày.
– Forloxin: 1ml/ 10 – 15kg thể trọng/ngày, liên tục 3 – 5 ngày.
* Các thuốc hỗ trợ:
– Furovet 1ml/20kg thể trọng/ngày, dùng 3 ngày liên tiếp, giúp giảm phù nề phổi, tích dịch gây thở khó.
– Vimeliptyl: 1ml/ 15 kg thể trọng, sát trùng đường hô hấp, tan đàm.
– Bromhexine: tiêm 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày, hoặc Mucostop 1g/7-10kg thể trọng hoặc trộn 2g/kg thức ăn hoặc 1g/lít nước uống, giúp long đàm, giảm ho.
– Ketovet: 1ml/16kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày, kháng viêm, hạ nhiệt.
– Vitamin C 1000: 1ml/10 kg thể trọng.

5. Bệnh phó thương hàn

* Triệu chứng:

Sốt cao nhưng tai lạnh, phân bón lọn (phân cứt dê), nếu nặng hơn phân có màng nhày bao quanh và sau đó tiêu chảy phân có thể có máu, có thể xuất huyết nốt trên da.

* Cách điều trị

* Kháng sinh tiêm:
– Forloxin 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày,
– Hoặc Vime-sone 1ml/5-10kg thể trọng kết hợp với Septryl 240 1ml/10-15kg thể trọng, trong 5 ngày liên tiếp.
– Hoặc Vimefloro FDP 1ml/5-10kg thể trọng kết hợp với Septryl 240 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày liên tiếp.
* Các thuốc hỗ trợ:
– Urotropin: 1ml/5-10kg thể trọng, ngày 1-2 lần.
– Vime-Canlamin 1ml/5kg thể trọng, ngày 1 lần và B.Complex fortified 1ml/10kg thể trọng, 1 lần/tuần giúp nâng thể trạng, tăng sức đề kháng.
– Vitamin K: 1ml/5-7kg thể trọng.
– Men tiêu hóa: Vizyme: 2-5g/con/ngày, hoặc Vime 6 way 1g/2lít nước, cho uống 7 ngày liên tiếp.

6. Bệnh E.coli tiêu chảy

* Triệu chứng

– Thường gặp trên heo con theo mẹ hoặc mới cai sữa, heo không sốt, tiêu chảy phân trắng hoặc vàng nhạt, có con ói mửa, mất nước làm heo xù lông, gầy yếu.

* Cách điều trị

* Kháng sinh tiêm:
– Forloxin 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày,
– Hoặc Vime-sone 1ml/5-10kg thể trọng kết hợp với Septryl 240 1ml/10-15kg thể trọng, trong 5 ngày liên tiếp.
– Hoặc Vimefloro FDP 1ml/5-10kg thể trọng kết hợp với Septryl 240 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày liên tiếp.
* Kháng sinh uống
-Tylofos: 1gam/ 40 kg thể trọng
– Hoặc Aralis: 0,8ml/4-8kg thể trọng/ngày trong 5 ngày.
– Hoặc Spectin: 4ml/con, chia làm 2 lần trong 5 ngày.
* Bù nước: có thể cấp nước qua đường uống hoặc đường tiêm:
– Uống: Vime C Electrolyte, 1g/2-4 lít nước uống, cho uống liên tục 7 ngày.
– Hoặc có thể truyền dịch qua các đường truyền mạch, truyền xoang bụng, truyền dưới da: NaCl 0,9 %: 10 ml/ kg thể trọng/ lần truyền (ngày có thể thực hiện 1-2 hay 3 lần tùy tình trạng mất nước).
– Hoặc tiêm dưới da Vimelyte IV: 1-2ml/ kg thể trọng/lần (nếu tiêm kèm với nước sinh l‎ý mặn). Trường hợp chỉ dùng Vimelyte IV thì phải tiêm truyền mạch hoặc xoang bụng thật chậm liều 10ml/kg.
* Trị triệu chứng:
– Atropin: 1ml/ 5kg thể trọng, ngày/ lần (ngừng ngay khi phân sệt lại).
– Vime Canlamin: 1ml/ 5 kg thể trọng, ngày/ lần.
– Vitamin B6: 1ml/ 5 kg thể trọng, ngày/ lần (nếu heo có ói kèm theo).

7. Bệnh E.coli phù

* Triệu chứng

– Heo không sốt, sưng phù mí mắt, phù mặt, chân bơi, loạng choạng hoặc đi xoay vòng.

* Cách điều trị

* Kháng sinh tiêm:
– Forloxin 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày,
– Hoặc Vime-sone 1ml/5-10kg thể trọng kết hợp với Septryl 240 1ml/10-15kg thể trọng, trong 5 ngày liên tiếp.
– Hoặc Vimefloro FDP 1ml/5-10kg thể trọng kết hợp với Septryl 240 1ml/10-15kg thể trọng/ngày, trong 5 ngày liên tiếp.
* Các thuốc hỗ trợ:
– Furovet: 1ml/20 kg thể trọng để tiêu giảm phù nề.
– Vime-Canlamin 1ml/5kg thể trọng, ngày 1 lần hoặc Vimekat 1ml/5kg thể trọng giúp nâng thể trạng, tăng sức đề kháng.
– Men tiêu hóa: Vizyme: 2-5g/con/ngày, hoặc Vime 6 way 1g/2lít nước, cho uống 7 ngày liên tiếp.

8. Bệnh do Streptococcus suis

* Triệu chứng:

Sốt, mất thăng bằng, đi khập khiễng, uốn người ra phía sau, hoặc liệt, khớp có thể sưng to, xung huyết dưới da làm da chuyển màu tím lốm đốm, đầu tiên ở tai sau đó đến mông, 4 chân,…

* Cách điều trị

– Amoxi 15% LA: tiêm 1ml/10kg thể trọng, 48 giờ tiêm 1 lần, tiêm 3 lần.
– Hoặc Ceptifi suspen: 1ml/10-15kg thể trọng/ ngày, tiêm 3-5 ngày.
* Thuốc hỗ trợ:
– Ketovet: 1ml/16kg thể trọng/ngày, trong 3-5 ngày, kháng viêm, hạ nhiệt, giảm đau.
– Vitamin C 1000: 1ml/10 kg thể trọng.
– Sulfate kẽm (ZnSO4): gói 5g/kg thể trọng, pha nước dấp lên da.
– Vitamin K: 1ml/5-7kg thể trọng.
– ADE B Complex 1ml/10kg thể trọng/ngày hoặc Vime Canlamin: 1ml/con.
trong 5 ngày.

9. Bệnh viêm da do Staphylococcus aureus

* Triệu chứng

Da nổi các nốt mụn, có nước hoặc mủ trên diện rộng, các nốt này vỡ ra, gây lở loét, nung mủ.

* Cách điều trị

* Kháng sinh tiêm:
– Amoxi 15% LA: 1ml/10kg thể trọng, 48 giờ tiêm 1 lần, tiêm 3 lần.
– Penstrep suspen: 1ml/10kg thể trọng, 48 giờ tiêm 1 lần, tiêm 3 lần.
* Thuốc hỗ trợ:
– Ketovet: 1ml/16kg thể trọng/ngày, trong 3-5 ngày, kháng viêm, hạ nhiệt, giảm đau.
– Vitamin C 1000: 1ml/10 kg thể trọng.
– Sulfate kẽm (ZnSO4): gói 5g/kg thể trọng, pha nước dấp lên da.
– Biotin H AD: 1g/kg thức ăn, tốt cho da, lông, móng.
– Vitamin K: 1ml/5-7kg thể trọng.
– B Complex fortified: 1ml/10-15kg thể trọng/ngày hoặc Vime Canlamin: 1ml/con.
trong 5 ngày.
Hy vọng bài viết giúp các bạn có những kiến thức để phòng các bệnh nguy hiểm xảy ra đối với đàn gia súc tránh những thiệt hại về kinh tế.
Sudo Vật Nuôi
Chuyên mục: Vật Nuôi

Trang web này sử dụng cookies.