X

Cơm đựng trong hộp nhựa, hộp xốp, bịch nilon: Làm mồi cho ung thư

Cùng với nhịp sống hiện đại bận rộn, đa số người đi làm chọn cơm tiệm ăn qua loa cho xong bữa trưa, có người tỉ mỉ hơn thì nấu cơm bỏ hộp nhựa mang đi làm. Tuy nhiên, thói quen này vô tình khiến một ngày ta nạp vào cơ thể kha khá chất độc hại từ hộp xốp và hộp nhựa đựng cơm.
Các nhà khoa học cảnh báo, một hóa chất được sử dụng trong cốc xốp, hộp đựng cơm bằng xốp, đồ đựng cơm bằng nhựa và các đồ chứa thực phẩm dùng 1 lần khác, có thể gây ung thư.
Trong khuyến cáo mới nhất của mình, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ khẳng định, chất styrene vốn tồn tại phổ biến trong cốc xốp, hộp đựng cơm bằng xốp và các đồ chứa thực phẩm dùng 1 lần, có thể đủ căn cứ để coi là một chất gây ung thư ở người. Kết luận do một nhóm gồm 10 chuyên gia về chất độc, hóa học và y tế, rút ra từ những nghiên cứu và khảo cứu phân tích của họ.
Hộp xốp đựng cơm nóng có chất gây ung thư
Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compzit, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cảnh báo trước thói quen dùng hộp xốp đựng thực phẩm vô tộ vạ của người dân hiện nay.
Theo Kỹ sư Cảnh, nguyên liệu chính để chế tạo hộp xốp không an toàn là một loại nhựa nhiệt dẻo có tên là Polystiren phân tử thấp, do vậy nó chỉ được dùng để đựng thức ăn nguội, còn đựng thức ăn nóng là điều tối kỵ. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra một chất độc có tên là monostyren, ngấm vào thức ăn, ăn vào sẽ cực hại cho gan, cũng như gây ra nhiều bệnh khác.
Trong khi đó, người Việt Nam thì đồ ăn gì cũng đựng vào hộp xốp. Dễ dàng thấy ở tất cả các hàng quán cơm, đặc biệt là cơm bình dân cho sinh viên, người ta xới cơm từ nồi gang to đang nóng hôi hổi bỏ vào hộp xốp, rồi thức ăn, rau dưa vừa xào cũng cho tất tần tật vào. Nhiệt nóng chính là nguyên nhân khiến chất độc từ hộp giải phóng gây hại cho sức khỏe, ông Cảnh nói.
Chưa kể, trong quá trình sản xuất, nếu người sản xuất độn thêm các chất phế thải vào để giảm giá thành thì việc đựng đồ ăn càng mất vệ sinh, gây hại cho sức khỏe. Trên thế giới, nhiều nước cấm sử dụng loại nhựa PS này để sản xuất đồ đựng thực phẩm.
Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ y tế cho hay, hộp xốp được sản xuất từ Polystyrene (PS) với thành phần không khí chiếm 95% và PS chỉ chiếm 5% nên rất nhẹ.
Mặc dù là vật liệu an toàn, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng do ô nhiễm chì, Cadmium từ nguyên liệu sản xuất hộp không tinh khiết và thôi nhiễm Styrene và Ethylbenzene (đều là những chất không an toàn cho sức khỏe) do sử dụng hộp xốp không đúng cách trong chứa đựng, bảo quản thực phẩm – lời tiến sĩ Hùng.
Tiến sĩ Hùng cho biết, vì hộp xốp sản xuất từ PS nên chỉ dùng để chứa đựng, bảo quản thực phẩm đối với thực phẩm có nhiệt độ dưới 70°C. Các loại hộp xốp chứa đựng thực phẩm chỉ nên dùng một lần và tạm thời, không nên dùng hộp xốp để chứa đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài ngày.
Về nguyên tắc, những vật dụng bằng nhựa chỉ dùng để đựng thức ăn nguội, tuy nhiên nhiều người lại dùng đựng thức ăn nóng, đây là điều tối kị. Bởi vì khi đựng đồ nóng, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều sẽ gây tổn hại đến gan, cũng như nhiều bệnh khác.
Bịch nilon đựng thức ăn nóng sản sinh ra chất gây vô sinh, lệch lạc giới tính
Theo đó, nhiều người có thói quen khi đi mua thức ăn không chuẩn bị cặp lồng, hộp để đựng thức ăn. Họ ỷ vào người bán hàng sẽ có hộp xốp, nhựa để đựng. Thậm chí khi cần họ sẵn sàng chấp nhận đựng những thức ăn còn nóng hổi vào các túi nilon vốn dĩ được sử dụng các đồ dùng khô, tươi sống của các bà đi chợ hằng ngày.
Theo kỹ sư Cảnh, nguồn nhựa chính để sản xuất túi nilon dùng để đi chợ hiện nay chủ yếu là nhựa phế phẩm, tức nhựa tái chế.
Theo đó, loại nhựa này chiếm khoảng 80%, còn lại 20% là nhựa chính phẩm. Ai cũng biết, nhựa tái chế là nhựa đã qua sử dụng, thậm chí được nấu đi nấu lại nhiều lần. Nhựa đó có thể là đồ y tế, đồ dùng gia đình như dép, chậu, thùng… sau khi thu mua về thì được đập bụi, phân loại, băm nhỏ, rửa qua nước, tiếp tục xay nhỏ, tạo hạt và trộn với nhựa chính phẩm cũng như nhiều loại hóa chất làm dẻo, không tạo bọt, làm trong khác… Chính quy trình này đã thể hiện được chất lượng của túi nilon tốt hay không đến sức khoẻ người sử dụng.
Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này cho hay, để sản xuất được túi nilon, nhà sản xuất phải cán mỏng nhựa thành màng, sau đó cắt dán… Vì thế, nếu không có các hóa chất tạo dẻo, với thành phần chính là nhựa tái chế thì không có khả năng trên. Điều đó bắt buộc họ phải dùng nhiều loại hóa chất trộn vào. Cùng với đó, để tạo màu họ cũng phải pha thêm màu công nghiệp từ khâu nấu nhựa.
“Chắc chắn các hóa chất và màu, nhựa đó có tác động xấu đến sức khoẻ con người. Trong đó không thể thiếu những hóa chất đã được cho là ảnh hưởng đến sức khoẻ ở mức độ cao, đặc biệt khi dùng sản phẩm đựng thực phẩm”, KS Vũ Tân Cảnh nhấn mạnh.
P.V
Ví dụ, trong túi nilon không thể không có chất hóa dẻo, tạo sự đàn hồi hiệu quả nhất hiện nay như phthalates. Đây là hóa chất dễ tìm mua, giá rẻ, sử dụng tiện lợi. Tuy nhiên, trái lập với những ưu điểm đó trong sản xuất thì tác hại của chúng cũng khôn lường. Phthalates rất dễ tách rời khỏi thành phần nhựa để ngấm vào thực phẩm như cháo, bún phở, thịt… Khi ngấm vào thức ăn, hóa chất đi vào máu, tích tụ trong mô mỡ mà không đào thải ra ngoài. Lâu dài, chúng là các nguyên nhân gây nên các bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, phthalates còn ảnh hưởng làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị “teo” lại, lượng tinh trùng giảm hoặc các các tai biến như chỉ là tinh tử, dính tinh trùng. Sau những nghiên cứu thống kê, người ta thấy có khoảng 25% nam giới gặp phải trục trặc này có liên quan tới hợp chất phthalates. Thậm chí, chúng cũng khiến các bé trai bị lệch lạc giới tính…
Bịch nilon đã trở thành một vật dụng quen thuộc không thể thiếu hàng ngày
Không chỉ nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít… sẽ gây độc tố hại cho con người. Cục vệ sinh an toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên có cách sử dụng đúng, không lạm dụng hộp xốp, bịch nilon để bảo vệ chính mình.
Hộp nhựa đựng cơm tự nấu cũng đầy chất độc
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi đối với việc sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhựa chứa nhiều chất độc hại cho cơ thể. Cụ thể:
Bisphenol A (BPA) – chất có trong hầu hết các loại đồ nhựa – gây tác hại tiêu cực đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nó là nguyên nhân gây ra 20 – 69% các trường hợp trẻ em bị béo phì mới mỗi năm.
Ảnh minh họa
Organophosphate – chất được sử dụng làm tăng độ dẻo của nhựa hoặc các vật liệu khác – có thể làm giảm IQ của 70 – 100% các trường hợp tiếp xúc với chất này.
Phthalate – chất được dùng trong nhựa cứng – có liên quan đến hiếm muộn, vô sinh, khi có khoảng 40 – 69% trong tổng số 618.000 người phải sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sinh sản mỗi năm ở châu Âu.
Hiện nay, vẫn chưa có các số liệu về việc sử dụng đồ nhựa ở châu Á nhưng chắc chắn rằng, thói quen sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn là điều rất phổ biến. Đặc biệt là những người thường mang cơm ăn trưa tại chỗ làm. Theo BS. Ben – chuyên gia nội tiết của Singapore, người dân chuộng dùng hộp nhựa vì tính tiện dụng và nhẹ nhàng thay vì những hộp thủy tinh nặng và dễ vỡ.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Clinical Endocrinology and Metabolism, được đánh giá là một trong những nghiên cứu toàn diện nhất từ trước tới nay về những tác hại của đồ nhựa khi dùng để đựng thực phẩm.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Kháng, trưởng phòng công nghệ polyme (Viện Hóa học), ở nhiệt độ 70-80°C là một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm. Nếu là loại kém chất lượng, có thể chứa chất dioctin phatalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính.
Theo đó, nếu bị nhiễm chất này lâu dài, chất này có thể ảnh hưởng về giới tính của trẻ em, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. Vì thế, người ta khuyến cáo chỉ nên dùng hộp nhựa đựng đồ ăn nguội, chớ dại múc cả canh, cơm đang nóng hôi hổi vào hộp nhựa, có thể sinh ra các chất độc hại cho cơ thể.
Hải Huyền  (T.H)
Từ khóa tìm kiếm: chat doc hai, hop nhua dung, chat duoc su dung,
Chuyên mục: Đời Sống
Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.