X

Dấu hiệu đau bàng quang báo hiệu bệnh gì

Đùa giỡn, em bị bạn lấy nắm tay ấn hơi mạnh vào bên trái bàng quang, sau đó em đau bên trong gần một tháng qua, mỗi lần hoạt động vùng này lại bị nhức. Bác sĩ cho hỏi em bị gì? (Khoa).

Ảnh minh họa: Menshealth .
Trả lời:
Chào em,
Trước tiên tôi xin mô tả đôi chút về cấu tạo của bàng quang, dân gian thường gọi là bọng đái. Đó là một túi chứa nước tiểu, nằm trong khung chậu sau khớp mu, cấu tạo gồm lớp cơ và màng, hình dạng tùy theo lượng nước tiểu chứa bên trong.
– Khi không có nước tiểu, bàng quang xẹp xuống, hoàn toàn nấp sau xương mu.
– Từ lúc tích nước tiểu cho đến khi có cảm giác căng tức gây mắc tiểu, bàng quang sẽ tăng kích thước, song vẫn nằm dưới khớp mu.
– Chỉ khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang căng tròn giống hình quả lê và nhô vào ổ bụng gọi là cầu bàng quang. Cầu bàng quang chỉ khám thấy trên những bệnh nhân bí tiểu (do tắc nghễn trên đường thoát nước tiểu), chứ trong tình huống thông thường, không chạm được bàng quang từ phía bụng.
Khi có tác động cơ học, cầu bàng quang có thể bị va đập trong ổ bụng. Trường hợp này, bàng quang chỉ bị tổn thương khi đang chứa nước tiểu với dung tích tương đối lớn. Lấy hình ảnh minh họa như trái bong bóng sẽ dễ bị vỡ khi căng phồng, còn khi xẹp hay dung tích nhỏ, bong bóng rất khó bị lực cơ học gây nổ vỡ.
Mặt khác, tổn thương bàng quang do cơ học thường gây xuất huyết bàng quang, triệu chứng điển hình là nước tiểu có máu đại thể, tức nước tiểu ra có màu đỏ hoặc có máu cặn. Do đó với các dấu hiệu em chia sẻ bên trên thì nhiều khả năng không phải là chấn thương bàng quang.
Dựa vào những gì em mô tả, tôi thấy trước hết có thể nghĩ đến khả năng một chấn thương ở cơ thành bụng gây cảm giác đau nông, đau tăng lên khi co duỗi cơ vùng bụng này hoặc đau khi ấn vào bó cơ. Thông thường chỉ cần cho cơ thư giãn, cảm giác đau sẽ biến mất, tùy mức độ tổn thương mà cơn đau sẽ mất hoàn toàn sau một thời gian dài hay ngắn.
Nếu chưa an tâm hay nhận thấy biểu hiện đau tiếp tục kéo dài, em có thể đi khám ở Khoa Nội Tiêu hóa. Qua thăm khám vùng bụng, bác sĩ sẽ giúp em xác định đúng vị trí đau và tính chất của cơn đau, từ đó đưa ra những chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp hơn.
Thân ái.
Bác sĩ  Nguyễn Tấn Thủ
Theo suckhoe.vnexpress.net
Chuyên mục: Sức Khỏe
Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.