X

Dấu hiệu nhận biết bạn ngồi nhiều và tác hại của nó

Hầu như chúng ta đều biết ngồi quá lâu không hề tốt. Nhưng chính xác điều gì diễn ra trong cơ thể khi ngồi suốt 8 tiếng mỗi ngày hoặc lâu hơn? Nếu không nhớ lần cuối cùng đứng lên là khi nào thì chứng tỏ bạn đã ngồi quá lâu và cần phải điều chỉnh thói quen.
Ảnh:  macraerentals.

Hiển nhiên ngồi quá lâu ảnh hưởng xấu đến cơ thể của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ngồi nhiều không chỉ có hại cho thể chất mà còn khiến con người trở nên lo âu hơn. Ngồi làm việc, xem tivi, nói chuyện,… tác động đến chất lượng giấc ngủ, quá trình trao đổi chất và các mối quan hệ của bạn khiến bạn hay bị tỉnh giấc lúc nửa đêm, lên cân và sống khép kín.
Mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn nếu bạn không ý thức được các dấu hiệu cơ thể. Dưới đây là 3 biểu hiện cho thấy bạn đã ngồi quá nhiều và cần phải đứng lên ngay lập tức.
Bạn không nhớ đã ngồi được bao lâu
Bạn ngồi bao lâu một ngày? Nếu không trả lời được có nghĩa là bạn đã ngồi quá nhiều. Hãy lập cho mình một cuốn nhật ký tương tự như nhật ký thức ăn để ghi lại bạn đã sử dụng cơ thể mình như thế nào để biết điều chỉnh. Bạn có thể sẽ giật mình phát hiện ra sau khi trở về nhà lúc 7h tối, bạn chỉ đứng lên 1-2 lần.
Để bắt đầu làm nhật ký, bạn chỉ cần một cây bút và một cuốn sổ cũ. Hãy ghi lại thời điểm mỗi khi bạn đứng lên, rồi tính toán xem bạn đã “dính chặt” lấy cái ghế bao lâu. Theo dõi cuốn sổ trong vài ngày và bạn sẽ hiểu mình cần thay đổi như thế nào.
Bạn cảm thấy vô vị, như thể lâu rồi không được cười hoặc khóc
Hãy thành thật với bản thân. Bạn có thấy chán không? Có phải ngày nào trôi qua cũng giống nhau không? Có thể có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến cảm giác chán chường, nhưng chủ yếu là do bạn thiếu vận động. Khi cơ thể được hoạt động đầy đủ, não sẽ sản sinh ra nhiều hóa chất giúp cải thiện tâm trạng. Cuộc sống trong mắt bạn sẽ trở nên vô vị nếu thiếu đi những chất này.
Lời khuyên là hãy tận dụng mọi lúc mọi nơi để tập luyện một chút cho cơ thể thoải mái. Có rất nhiều các bài tập tại chỗ bạn có thể tìm tòi và áp dụng. Khi ngồi ở nhà xem phim truyền hình, hãy đứng dậy đi lại giữa các tập phim.
Cơ thể cảm thấy mệt mỏi
Đầu gối yếu hoặc đau thắt lưng? Cổ bị mỏi và bàn chân hơi sưng lên? Đây chính là những cảnh báo của cơ thể cho thấy bạn đã ngồi quá nhiều.
Để cải thiện, hãy dành ra 2 phút mỗi ngày để tự kiểm tra sức khỏe vào giữa buổi sáng, trưa và giữa buổi chiều. Đứng thẳng hoặc nằm ra sàn nhà và cảm nhận cơ thể của mình: Bạn thấy căng cơ hoặc đau ở đâu? Điều này có thay đổi hàng ngày không? Vùng nào thường xuyên đau nhức nhất? Hãy dùng những thông tin này để lên kế hoạch co dãn vận động nhẹ nhàng để vùng cơ thể bị tổn thương mau lành.
Nhiều nguy cơ khó lường vì ngồi nhiều:

Thói quen ngồi liên tục một chỗ trong thời gian dài gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, làm suy yếu chức năng các cơ và là nguyên nhân cho nhiều vấn đề về cột sống. Các chuyên gia trên tờ Washingtonpost đã mô tả chi tiết một loạt vấn đề do ngồi liên tục nhiều giờ và một số lời khuyên giúp mọi người cải thiện sức khỏe.

Bệnh tim
Khi ngồi lâu, các cơ ít đốt cháy mỡ và tốc độ lưu thông máu chậm hơn khiến các axit béo dễ làm tắc nghẽn tim. Tình trạng này kéo dài gây cao huyết áp, tăng nồng độ cholesterol trong máu.
Theo các chuyên gia, những người càng ít vận động với “thời gian tĩnh” càng nhiều có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn gấp 2 lần những người năng vận động.  
Tụy hoạt động quá mức
Tụy có nhiệm vụ sản sinh insulin, hormone giúp tế bào lấy glucozo từ máu và sử dụng để sinh năng lượng. Tuy nhiên, tế bào trong các cơ ở trạng thái không vận động không phản ứng với insulin khiến tụy tiếp tục tiết ra nhiều hormone nữa. Đây là nguyên nhân gây tiểu đường và một số bệnh khác.
Điều nguy hiểm là sự suy giảm phản ứng với insulin xảy ra chỉ sau 1 ngày ngồi liên tục, theo kết quả một nghiên cứu năm 2011.
Ung thư ruột kết
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa ngồi lâu với sự gia tăng nguy cơ ung thư ruột, ung thư vú và nội mạc tử cung. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải đầy đủ cho vấn đề này, nhưng đã có nhiều giả thiết được đưa ra. Giả thiết thứ nhất cho rằng insulin dư thừa kích thích sự phát triển của các tế bào có hại. Còn theo một lập luận khác, vận động thường xuyên sẽ đẩy mạnh hoạt động của các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa quá trình phá hủy tế bào và các gốc tự do, tác nhân tiềm ẩn gây ung thư.
Thoái hóa cơ
Chùng cơ bụng
Khi đứng, di chuyển hay thậm chí ngồi ngay ngắn, cơ bụng căng ra và giữ cho dáng người thẳng. Ngồi sai tư thế không những làm căng cơ lưng mà còn khiến cơ bụng bị suy yếu gây cong vẹo cột sống.
Hông thiếu linh hoạt
Những người ngồi quá nhiều hiếm khi có cơ hội vận động để cơ hông phát triển. Do vậy, hông ngày càng kém linh hoạt. Đây là nguyên nhân hạn chế khả năng di chuyển và độ dài sải chân.
Nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng suy giảm chức năng cơ hông là lý do khiến người cao tuổi dễ bị té ngã hơn.
Cơ mông suy yếu
Ngồi nhiều khiến vùng mông không phải thực hiện “nhiệm vụ” nào và dần quen với tình trạng này. Vòng ba dần to ra một cách không mong muốn nhưng cơ mông lại suy yếu, hạn chế khả năng vận động.
Các vấn đề về chân
Lưu thông máu kém ở chân
Thời gian ngồi nhiều khiến tuần hoàn máu ở chân giảm. Các vấn đề có thể phát sinh gồm sưng mắt cá chân, giãn tĩnh mạch cho tới hội chứng huyết khối trong tĩnh mạch (DVT) nguy hiểm.
Xương mỏng
Các hoạt động đi, chạy… kích thích hông và xương ở phần dưới cơ thể phát triển với mật độ dầy hơn, chắc chắn hơn. Ngồi lâu khiến xương mỏng dần đi. Tình trạng thiếu vận động như trên là lý do cho sự gia tăng chứng loãng xương trong thời gian gần đây, theo ý kiến của các nhà khoa học.
Kém tập trung
Vận động giúp bơm máu và oxy lên não tốt hơn, đồng thời kích thích sản sinh các hóa chất cải thiện tâm trạng và trí óc. Khi ngồi một chỗ trong thời gian dài, mọi quá trình trong cơ thể đều diễn ra chậm chạp, bao gồm cả hoạt động của não bộ khiến chúng ta khó tập trung.
Đau mỏi cổ
Phần lớn thời gian dân văn phòng “đóng đô” tại bàn làm việc với thói quen chúi đầu về phía bàn phím máy tính hoặc nghiêng nghiêng đầu một bên nghe điện thoại. Hậu quả là các đốt sống cổ bị kéo căng và có thể mất cân đối vĩnh viễn.
Đau vai và lưng
Tư thế ngồi cúi về phía trước còn ảnh hưởng tới cả vai và lưng, đặc biệt là cơ cầu vai, nối cổ và vai.  
Thoái hóa cột sống
Ngồi trong thời gian dài với tư thế không đúng khiến đĩa đệm chêm giữa hai phần cứng xương đốt sống suy giảm chức năng giảm sốc cho cột sống, gây đau và phát sinh các vấn đề cột sống.
Thoát vị đĩa đệm
Càng ngồi nhiều mọi người càng đối mặt với nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn. Ở tư thế ngồi, trọng lượng phần trên cơ thể dồn vào đốt sống thắt lưng thay vì được phân phối đều dọc theo cột sống.
Gia tăng nguy cơ tử vong
Trong nghiên cứu kéo dài 8 năm rưỡi, những người có thời gian ngồi xem tivi nhiều nhất có khả năng tử vong cao hơn 61% so với những người xem tivi ít hơn 1 giờ mỗi ngày.

Do – Blogsudo.com
Chuyên mục: Sức Khỏe
Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.