Giữ bình tĩnh – tìm hiểu lí do bạn bị sa thải và hành động lịch sự
Trong những tình huống khó khăn, việc giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn về các lựa chọn có thể có
Khi nhận được quyết định sa thải, bạn nên giữ bình tĩnh và đón nhận ý kiến nhận xét, đóng góp từ lãnh đạo trực tiếp. Qua đó, bạn có thể nhận được lý do tại sao bạn bị sa thải. Đó có thể là do cách làm việc của bạn không phù hợp với công ty, do những thiếu sót, sai lầm về mặt chuyên môn.
Do quá xúc động khi đột nhiên mất việc, bạn có thể nổi đóa với sếp hay đồng nghiệp. Tuy nhiên, hãy cố gắng kiềm chế. Nếu bạn ra khỏi công ty với thái độ xấu, bạn sẽ gặp khó khăn khi xin lời giới thiệu của sếp để phục vụ cho cuộc tìm việc mới
Hãy chịu trách nhiệm toàn bộ về lý do chấm dứt hợp đồng của bạn. Đồng thời, đừng quên cảm ơn sếp và đồng nghiệp của bạn. Điều đó giúp mọi người hiểu được bạn chấp nhận quyết định sa thải một cách nghiêm túc và mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai.
Làm sao để bắt đầu một hành trình mới lạc quan và thành công?
Khi bị nghỉ việc, thông thường bạn sẽ trải qua 5 trạng thái cảm xúc sau: cảm giác bị từ chối, tức giận, cảm giác bị đánh giá thấp, thất vọng và cuối cùng là đành chấp nhận.
Đừng quá khắt khe với bản thân, bạn hãy nghĩ rằng đây chỉ là thời kỳ không may (dù bạn bị tinh giảm biên chế hay bị sếp đánh giá thấp) nhất thời của mình và bạn sẽ lại chinh phục và gặt hái những thành công mới. Nếu cứ trốn chạy trong sự tức giận và chán nản, bạn sẽ không thể có được năng lượng cho một “hành trình” mới.
Hãy chăm sóc tinh thần và sức khỏe cho mình bằng cách tập thể dục và ăn uống điều độ, trò chuyện cùng bạn bè thân thiết. Hãy lên cho mình một lịch trình mới khả thi và tốt hơn mà bạn thích và đặt mục tiêu làm cho bằng được. Nếu làm được, bạn sẽ không có cảm giác mình bị sa thải mà sẽ tràn đầy sinh khí mới để chinh phục những thách thức mới trong công việc sắp đến.
Làm lại từ đầu như không có gì xảy ra
Theo một cuộc điều tra mới đây của một công ty phát triển nguồn nhân lực Mỹ, có khoảng 82,5% người tỏ ra bất bình với chuyện họ bị sa thải. Nhưng nếu vẫn mang tâm trạng này khi tham dự một cuộc phỏng vấn khác thì quả là điều nguy hại, bởi nhà tuyển dụng sẽ rất tinh tế nhận ra ngay, không khí cuộc phỏng vấn sẽ căng thẳng vì sự bực dọc của cả đôi bên và bất lợi luôn thuộc về người tìm việc.
Chính vì thế, trước khi dự phỏng vấn, bạn nên trút bỏ sự tức giận sang một bên bằng nhiều cách, có thể thổ lộ cùng bạn bè, hỏi ý kiến những nhà tư vấn hay các chuyên gia và nên mặc nhiên xem họ là những đồng minh của bạn. Trước hết, cần lạc quan và quên đi khoảnh khắc quá khứ phiền muộn đó.
Tìm những người “cùng hội cùng thuyền”
Bạn bè, người thân…, những người đã từng bị sa thải sẽ luôn là những người cung cấp ý tưởng tuyệt vời cho các cuộc phỏng vấn sắp tới của bạn. Nên trò chuyện với họ và bằng kinh nghiệm của những người đã từng bị sa thải, họ sẽ có sự chia sẻ cần thiết những cảm giác hụt hẫng mà bạn vừa trải qua, dành riêng cho bạn những phương cách để đối phó với tình huống này như thế nào. Để sàng lọc những ý tưởng hay, nên gặp gỡ ít nhất ba người trước khi lập kế hoạch riêng cho mình.
Nếu ngay giai đoạn đầu của cuộc phỏng vấn, bạn bộc bạch: “Tôi mới vừa bị sa thải”, bạn đã sai lầm và trở thành con cá lội dòng nước ngược trong suốt khoảng thời gian còn lại. Nên nhớ, chuyện sa thải không phải là vấn đề cốt lõi, mà quan trọng nhất chính là kỹ năng, kinh nghiệm và lòng nhiệt thành cống hiến của bạn cho công ty mới. Cần thiết hơn, trước đó bạn nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu về công ty đó qua thư viện, Internet hoặc qua bạn bè, đồng nghiệp…
Hãy lựa chọn từ ngữ cẩn thận về cách bạn nói về việc bị sa thải . Thay vì ca thán về công ty cũ, kêu ca về sếp hay đồng nghiệp, bạn nên thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình. Đừng quên nói về những điều bạn học được sau thất bại đó và cách bạn vượt qua sai lầm. Điều này cho thấy bạn là người quyết tâm và thực sự nghiêm túc với công việc. Chắc chắn bạn sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Vào cuối cuộc phỏng vấn, nhớ đề cập tới công việc cũ và lý do vì sao bạn bị sa thải bởi vì ở thời điểm này, quyết định tuyển dụng bạn vào làm việc đã hình thành, cho nên chuyện bạn bị sa thải trước đó là không thành vấn đề. Nhà tuyển dụng rồi cũng sẽ xem hồ sơ và quá trình phấn đấu của bạn, do đó, khi họ đã quyết tuyển dụng bạn rồi, hãy tự giác cho họ biết chuyện bạn từng bị sa thải trước khi họ khám phá ra điều đó.
Có thể bạn tâm sự theo cách này: “Khi ông (bà) xem hồ sơ của tôi sẽ biết rằng tôi đã từng bị sa thải. Về điều đó chẳng có gì để phải nói nhiều. Tôi luôn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo, nhưng thật tiếc trong trường hợp này không được như vậy. Thật buồn và tôi rút ra được nhiều điều cho mình”. Chỉ cần vậy, nhà tuyển dụng sẽ tỏ ra thông cảm và mong chờ sự hợp tác tích cực của bạn.
Đất lành chim đậu
Mục đích cuối cùng của một cuộc phỏng vấn là tìm kiếm sự hợp tác song phương. Người tìm việc có được tuyển dụng hay không cũng tùy thuộc vào những quyết định ở giai đoạn này và thông qua đó, người tìm việc còn có cơ hội hiểu biết sâu hơn về tổ chức tương lai của mình. Nếu như ngay từ đầu, nhà tuyển dụng “chiếu cố” bạn bằng cách phớt lờ các yếu tố tích cực khác nhưng lại quá để tâm tới chuyện vì sao bạn bị sa thải thì nên sớm nhận ra đấy không phải là một môi trường làm việc tốt cho bạn trong thời gian sắp tới.
Nơi làm việc lý tưởng của người tìm việc được bắt đầu bằng sự tôn trọng của nhà tuyển dụng dành cho họ. Những nơi ấy, nhà tuyển dụng nhận thức rõ điều quan trọng nhất chính là bức tranh tương lai của ứng viên ra sao chứ không phải là tấm gương quá khứ của họ.