X

Điều gì khiến một thiên tài trở nên… vĩ đại?

Leonardo da Vinci chỉ ngủ 90 phút một ngày, và theo ông, những ai ngủ 8 tiếng một ngày sẽ chẳng thể làm được điều gì to tát. Điều gì khiến một thiên tài trở thành một thiên tài vĩ đại? Khám phá thời gian biểu của họ, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa một thiên tài và một người bình thường. Bí quyết của họ chính là sử dụng thời gian một cách hiệu quả và khôn ngoan nhất.
Dựa trên cuốn “Daily Rituals: How Artists Work” (tạm dịch: Thời gian biểu của các thiên tài) của tác giả Mason Currey, nhà thiết kế RJ Andrews đã hệ thống lại thời gian biểu của những con người tài năng xuất chúng dưới dạng hình vẽ. Một ngày với 24 tiếng được thể hiện qua một hình tròn chia ra thành 24 phần bằng nhau.
Nhà văn người Pháp Honoré de Balzac uống 50 cốc cà phê đen một ngày, nhà thơ người Anh John Milton dành ra vài tiếng mỗi ngày để học thuộc lòng Kinh thánh… Lịch sinh hoạt của những con người tài danh nhất thường có chút kỳ quái, khác với người thường.
Nhà văn Pháp Gustave Flaubert thường dành nguyên cả ngày để suy ngẫm, ông bắt đầu làm việc khi đêm xuống. Flaubert tận dụng sự yên tĩnh của màn đêm để làm việc tới sáng. Khi mọi người bắt đầu thức dậy thì ông đi ngủ.
Khi mẹ ông còn sống, mỗi ngày, Flaubert đều dành ra 2 tiếng để ngồi nói chuyện với mẹ. Flaubert cũng dành ra 1 tiếng để cùng gia đình đi tản bộ. Ông đặc biệt thích dùng đồ uống lạnh (giúp tỉnh táo) và tắm nóng (giúp thư giãn). Mỗi ngày ông ngủ 7 tiếng và làm việc 5 tiếng rưỡi lúc về đêm.
Nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven thường làm việc tập trung đến khoảng 3 giờ chiều thì nghỉ. Mỗi ngày Beethoven thường dành ra 2 tiếng để đi bộ, chính khi đi bộ, ông thường nảy ra những ý tưởng sáng tác mới.
Vì vậy, khi ra ngoài tản bộ, Beethoven thường mang theo giấy bút. Một ngày Beethoven ngủ đủ 8 tiếng và làm việc 8 tiếng. Buổi sáng, ông thường khởi động bằng một tách cà phê, bữa tối uống một chút rượu, và bữa đêm uống một cốc bia.
Nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart thường làm việc về đêm, ông thường làm việc tới 1 giờ sáng mới ngủ và thức dậy lúc 6 giờ. Mỗi ngày, Mozart dành ra khoảng 1 tiếng để phục sức, chỉ riêng việc uốn những lọn tóc xoăn đã ngốn thời gian rồi.
Đối với Mozart, đời sống xã hội là một phần không thể thiếu. Mozart dành nhiều tiếng đồng hồ để đi ăn trưa, gặp gỡ bạn bè, đi nghe hòa nhạc. Tuy vậy, không bao giờ ông bỏ quên người vợ của mình và thường dành 2 tiếng mỗi ngày để ở bên vợ.
Nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud là một trong những con người tài năng làm việc chăm chỉ nhất, ông làm việc tới 13 tiếng mỗi ngày, chỉ ngủ 6 tiếng. Làm việc với cường độ cao như vậy, cách để Freud thư giãn là hút thuốc.
Mỗi ngày ông hút khoảng 20 điếu thuốc. Hình ảnh gắn liền với nhà thần kinh học này chính là điếu thuốc cháy dở trên tay. Hoạt động giải trí duy nhất trong ngày của ông là khi chơi bài với vợ con hoặc đi ra ngoài tản bộ.
Triết gia người Đức Immanuel Kant sinh thời kiếm sống bằng nghề dạy học, vì vậy, công việc giảng dạy chiếm hết buổi sáng của ông. Ông thường bắt đầu nghiên cứu lúc chiều muộn. Điều đặc biệt là Kant chỉ ăn duy nhất một bữa trong ngày.
Ông dành ra 4 tiếng để ăn trưa, uống rượu, ngồi ngoài quán, giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, Kant cũng thường xuyên đi bộ, tập thiền mỗi ngày.
Nữ tác gia người Mỹ Maya Angelou có thói quen làm việc trong phòng khách sạn bởi nơi này rất yên tĩnh và không ai có thể đến làm phiền bà trong lúc đang tập trung viết lách. Angelou thường làm việc liên tục 7 tiếng đồng hồ trước khi trở về nhà. Mỗi ngày, bà dành ra tới 5 tiếng để tắm và nấu ăn, đó được coi là những việc giúp Angelou có thể thư giãn.
Một ngày làm việc của tác gia người Anh John Milton bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng. Ông làm việc đến hết buổi trưa. Buổi chiều chỉ dành cho việc đi bộ (ông đi bộ trong vườn nhà tới 4 tiếng mỗi ngày) và tiếp khách. Milton bị mù từ năm ngoài 40 tuổi. Vì vậy, mỗi ngày, ông đều dành ra hai tiếng để học thuộc lòng Kinh thánh.
Người phụ tá của ông sẽ đọc cho Milton nghe Kinh thánh trong khoảng 30 phút, sau đó, Milton sẽ đọc lại những gì ông có thể nhớ cho người phụ tá kiểm tra. Việc học thuộc lòng như vậy giúp rèn luyện trí nhớ cho Milton để ông không quên những ý tưởng đã nghĩ ra trong suốt một ngày.
Mỗi ngày, ông dành ra 3 tiếng để đọc lại cho người phụ tá ghi chép tất cả những gì ông đã nghĩ ra trong suốt ngày hôm đó. Vì đầu óc Milton phải hoạt động căng thẳng trong suốt cả ngày nên ông thường dành thời gian tập thiền để cân bằng lại.
Nhà văn Pháp Honoré de Balzac thức dậy lúc 1 giờ sáng, làm việc tập trung tới 4 giờ, rồi chợp mắt, rồi lại thức dậy làm việc… Mỗi ngày ông làm việc hơn 13 tiếng và uống khoảng… 50 cốc cà phê đen.
Nhà văn Anh Charles Dickens làm việc 5 tiếng mỗi ngày, đi bộ 3 tiếng, chính trong khoảng thời gian đi bộ, ông sẽ nảy sinh những ý tưởng mới cho ngày hôm sau. Đặc biệt, mỗi ngày ông dành 5 tiếng cho gia đình và bạn bè. Sau khi ngủ dậy, Dickens thường dành ra 1 tiếng không làm gì cả, chỉ để đầu óc tỉnh táo hoàn toàn.
Nhà nghiên cứu tự nhiên học người Anh Charles Darwin là người không thể làm một việc trong nhiều tiếng bởi điều đó khiến ông thấy nhàm chán, vì vậy, trong suốt cả ngày, ông luân phiên thay đổi từ trạng thái làm việc sang trạng thái nghỉ ngơi và ngược lại, cốt để giữ mình luôn tỉnh táo, hứng thú. Mỗi công việc ông chỉ làm trong khoảng 1 tiếng rồi lại chuyển sang việc khác.
Nhà soạn nhạc người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky chỉ dành ra 4 tiếng mỗi ngày để soạn nhạc. Giống như Darwin, Tchaikovsky cũng không thể làm việc lâu, vì vậy, ông cứ làm được 2 tiếng thì lại dành thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Tuy làm việc “như chơi”, nhưng ông vẫn viết được 11 vở opera và 8 bản nhạc giao hưởng, điều đó cho thấy Tchaikovsky đã làm việc rất tập trung.
Chính trị gia người Mỹ Benjamin Franklin mỗi sáng thức dậy đều tự hỏi mình: “Mình muốn làm gì/sẽ làm gì hôm nay?”. Sau đó, cả ngày ông làm việc chăm chỉ. Đến tối, trước khi chìm vào giấc ngủ, ông lại dành thời gian để nhìn lại một ngày và tự hỏi: “Hôm nay mình đã làm được những gì?”.
Bích Ngọc Theo DM
Chuyên mục: Chưa Biết

Trang web này sử dụng cookies.