Ngày 11/2, nhằm ngày 23 tháng Chạp, cũng như người dân trên khắp cả nước, người dân huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng cúng tiễn ông Táo về trời, báo cáo thành quả một năm lao động của gia đình với Thiên đình. Tuy nhiên, nếu như người dân khắp nơi thả cá chép để làm phương tiện cho ông Táo về trời thì ở một số địa phương thuộc huyện Yên Thành còn có thêm tục dựng cây nêu hoặc cột đèn để tiễn ông Táo.
Công việc chuẩn bị cho lễ dựng cây nêu, cột đèn được chuẩn bị từ buổi sáng. “Phải chọn những cây tre to, khỏe, thẳng, không có dấu vết của sâu bệnh và quan trọng là không được cụt ngọn để dựng nêu”, ông Cao Đình Hoa (xã Trung Thành, Yên Thành) cho biết.
Để chọn được cây tre ưng ý trong cả một bụi tre phải ngắm nghía thật kỹ. Sau khi đã chọn được cây để dựng nêu, việc khó khăn nhất là đưa cây tre đã chọn ra khỏi bụi. Vì cây to, cành lá đan chằng chịt vào nhau nên công đoạn này cần tới 2 hoặc 3 người đàn ông lực lưỡng.
Sau khi đưa được tre ra, chủ nhà sẽ dùng dao phát sạch cành, lá, chỉ chừa lại một ít lá trên ngọn. Sau khi hoàn tất việc cúng tiễn ông Công, ông Táo (thường là giữa buổi chiều) cây nêu sẽ được dựng lên. Ngày nay, dưới chòm lá đó, chủ nhà sẽ treo thêm một lá cờ Đảng hoặc cờ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Luận (SN 1924) là một thầy cúng ở xã Bắc Thành (Yên Thành) lý giải: “Dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp nhằm tiễn ông Táo về trời. Theo quan niệm từ xưa thì cây nêu được dựng trên đất nhà Phật, do vậy sẽ giữ được uy linh, phòng tránh tà ma xâm nhập, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Táo đi vắng. Ngày Mùng Bảy Tết, sau khi làm lễ đón ông Táo về nhà thì cây nêu cũng được hạ xuống”.
Không đơn giản như việc dựng cây nêu, việc dựng cột đèn cầu kỳ và tốn sức hơn. Cột đèn là cây tre già, thật chắc và có thể dùng từ năm này qua năm khác. Anh Nguyễn Văn Minh (xóm 4, xã Bắc Thành, Yên Thành) cho biết: “Cây nêu và cây cột đèn được dựng cùng ngày ông Táo lên trơi nhưng mãi đến Rằm tháng Giêng mới hạ. Khác với cây nêu, các vật dụng để dựng cột đèn thường phải được cất giữ cẩn thận và truyền từ đời này qua đời khác”.
Cây cột đèn (hoặc nhiều nơi gọi là cột cờ) cao chừng 10 – 15m. Trên đỉnh cột được buộc một túm lông gà. Xuống một chút sẽ là hình con chim phượng được đẽo bằng gỗ, sơn đỏ. Đuôi con chim phượng cũng được trang trí bằng lông gà. Cách chim phượng tầm một mét là một các đầu rồng hoặc đầu chim công. Phần “cổ” công sẽ được kéo dài, vừa để làm giá buộc cờ. Dưới cổ phượng và cổ công đều được treo một chiếc “chuông” bằng gỗ.
“Tương truyền, ngày xưa, phong tục dựng cây nêu tiễn ông Táo về trời chỉ dành cho những gia đình nghèo khó. Việc dựng cây nêu đơn giản và cũng không tốn kém gì ngoài một cây tre hoặc một cây hóp còn nguyên ngọn cây. Còn việc dựng cột đèn chỉ dành cho các hộ khá giả, các hộ giàu có bởi lẽ phải thuê người đẽo phượng, rồng.
Con rồng tượng trưng cho sự mạnh mẽ, có ý nghĩa mong con đàn ông, con trai luôn mạnh khỏe, giữ được cái uy nghiêm trong nhà. Còn con chim phượng tương trưng cho phụ nữ với ý nghĩa mong muốn đàn bà, con gái trong nhà được xinh đẹp, hiền dịu, nết na.
Cột đèn được cắm thêm một túm lông gà ở trên cũng có ý nghĩa như là cây nêu. Bởi vậy, về ý nghĩa thì cây nêu hay cột đèn là giống nhau, đều có ý nghĩa tiễn ông Táo lên trời, bảo vệ gia đình mạnh khỏe, an lành, phòng tránh ma quỷ trong thời gian ông Táo đi vắng”, ông Đặng Anh Quang (SN 1947, xã Trung Thành, Yên Thành) lý giải.
Trong tiết trời mưa phùn của những ngày giáp Tết, những cây nêu, cột đèn đã được dựng lên. Trên mỗi cây nêu, cột đèn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới báo hiệu mùa Xuân đã ở rất gần.
Hoàng Lam