Hiện tượng bị bóng đè có thể khiến bạn hoảng hốt, nhất là khi bạn nghe hoặc thấy những âm thanh không có thật (ảo giác) hay một bóng người trong phòng ngủ của bạn.
Mỗi khi ngủ tôi thường hay y bị bóng đè khiến có cảm giác ngạt thở, mà không sao tỉnh dậy được. Khi thức dậy thường bị mệt. Xin quý báo cho biết tôi mắc bệnh gì? Làm thế nào để hết bóng đè.
Nguyễn Toàn (Hòa Bình)
Hiện tượng bị bóng đè có thể khiến bạn hoảng hốt, nhất là khi bạn nghe hoặc thấy những âm thanh không có thật (ảo giác) hay một bóng người trong phòng ngủ của bạn.
Có rất nhiều nguyên nhân như: tư thế ngủ, căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc. Tuy nhiên, đôi khi bóng đè là dấu hiệu của một số bệnh tim mạch. Lứa tuổi thanh thiếu niên và người trẻ; người bị thiếu ngủ; người ngủ không theo một thời gian biểu hợp lý, ngủ không theo một giờ giấc nhất định, những người làm việc theo ca thường dễ bị bóng đè; người bị mắc chứng ngủ rũ do loại rối loạn giấc ngủ khiến cho người bệnh thường ngủ gật vào những thời điểm không phù hợp ban ngày; tiền sử gia đình: nếu trong gia đình có bố, mẹ hay anh chị hay bị bóng đè thì bạn cũng dễ bị bóng đè.
Để đề phòng bóng đè tư thế nằm ngủ phải thoải mái, làm cho toàn bộ cơ bắp giãn, đầu không vẹo lệch. Ngoài ra, quần áo phải rộng rãi, phòng ngủ thoáng khí, sạch sẽ, tránh thức đêm kéo dài. Có lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tham gia các hoạt động giải trí…để có được tinh thần thoải mái. Nhưng nếu bóng đè vẫn tiếp tục tái xuất hiện và ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe của bạn, nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Bác sĩ Nguyễn Thế/SKĐS