X

Hướng dẫn cách nuôi thỏ lấy thịt hiệu quả

Mô hình nuôi thỏ lấy thịt và nuôi thỏ giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với vốn đầu tư ban đầu ít làm chuồng nuôi đơn giản, tận dụng được thức ăn tự nhiên, thời gian mang thai của thỏ ngắn nên nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và làm giàu nhờ chăn nuôi thỏ. Tuy nhiên thỏ là loài động vật rất mẫn cảm và dễ bị bệnh nên chúng ta cần chú ý trong chăm sóc và nuôi dưỡng, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp lại những kiến thức từ chuẩn bị chuồng nuôi, thức ăn tới quy trình chăn nuôi chăm sóc thỏ không bị bệnh giúp bạn chăn nuôi có hiệu quả.


Nuôi thỏ lấy thịt

1. Cách làm chuồng nuôi thỏ

Nuôi thỏ đòi hỏi cần có máng cỏ cũng như không gian đủ rộng để thỏ sinh sống. Cùng tìm hiểu cách làm chuồng nuôi thỏ sau đây.
Thức ăn chính của thỏ chủ yếu là cỏ và lá cây, đây chính là điều cơ bản trong kỹ thuật nuôi thỏ cũng như trong cách làm chuồng nuôi thỏ. Thỏ có thể ăn cả ngày lẫn đêm loại thức ăn này, và đa phần chúng có khả năng ăn rất nhiều loại cỏ, lá, dù là thứ đắng chát và hết sức khó nhai.
– Máng cỏ của thỏ bạn nên đặt phía ngoài chuồng để khi ăn, thỏ đứng bên trong sẽ  rút từng cọng cỏ qua các khe hở của máng mà ăn dần cho đến lúc no nê. Ăn như vậy thức ăn được sạch lại không bị hao tổn. Còn nếu đặt hẳn máng có trong chuồng thì thỏ sẽ vừa ăn vừa phá khiến rất hao phí cỏ. Nhiều con nghịch ngợm sẽ còn tìm cách trèo vào máng cỏ, vừa ăn vừa tiểu tiện khiến cho cả máng cỏ bốc mùi khó chịu, chưa ăn tới thỏ đã vội chê.
Máng cỏ bạn nên làm đủ rộng để chứa đủ lượng cỏ cho thỏ ăn no mỗi bữa. Điều này có nghĩa mỗi ngày ít lắm phải châm cỏ vào máng thêm vài ba lần (theo từng bữa ăn) thì mới đủ.  Máng cỏ nên làm có chiều rộng khoảng 40cm cho ngăn chuồng chỉ nuôi một con thỏ lớn. Chuồng nuôi thỏ tập thể thì làm máng lớn hơn, hoặc đặt nhiều máng nhỏ. Chiều cao của máng cỏ khoảng 30cm là hợp lí.
Kiểu mẫu của máng cỏ đa phần thường sử dụng dùng tôn hoặc ván đóng kín cả mặt ngoài lẫn hai mặt hông (hình tam giác). Riêng phần mặt trong của máng tiếp giáp với vách chuồng thì đóng bằng các nẹp gỗ cỡ 1cm x 3cm đóng dọc hoặc đóng ngang sau khi bào nhẵn cạnh, sao cho khoảng cách giữa hai thanh nẹp có độ rộng khoảng 1,5cm, vừa đủ chỗ để thỏ rút từng cọng cỏ ra ăn dần mà không làm rơi cỏ …
– Máng nước: thỏ sẽ cần uống nước khá nhiều, nhất là trong mùa nắng nóng và vào giai đoạn nuôi con. Một ngày mỗi con thỏ lớn có thể sẽ uống khoảng 500ml nước, nhiều khi còn phải châm thêm để cho thỏ uống cho thoả thích.
Máng đựng nước có thể là một ciếc ca nhôm, hay một đồ vật bằng đất nung giống như cái bát nhang hay lon đựng sữa hộp, sữa bột … miễn sao vật đó vừa bền, vừa có đáy bằng phẳng và dung tích từ nửa lít nước trở lên mới tiện.
Máng đựng nước uống cho thỏ bạn nên làm móc treo vào trong thành chuồng hoặc dùng cây kẽm buộc lại cho vững, vì tính thỏ cũng lý lắc thích lật úp máng nên khi đổ sẽ không còn nước để uống.
Hình 1: Hình ảnh chuồng nuôi thỏ.
– Hộc đựng thức ăn viên: Ngoài thức ăn chính là các thứ cỏ, lá ra, thỏ còn rất thích ăn các loại hạt ngũ cốc như lúa, gạo, bắp hột xay bể ra, và còn ăn cả loại thức ăn viên. Cách nuôi thỏ công nghiệp như ngày nay, nhiều nơi sẽ cung cấp thức ăn viên cho thỏ như một thứ thức ăn chính. Lượng thức ăn cám viên hàng ngày có thể sẽ chiếm từ 5% đến 10% đối với trọng lượng cơ thể nhỏ.
Thức ăn viên vốn khá đắt tiền hơn các loại rau cỏ nên nếu để thỏ làm đổ ra ngoài sẽ rất uổng phí. Ta có thể đóng những cái hộc bằng ván, hoặc tận dụng những thứ được dùng làm máng nước trên đây để đựng thức ăn viên cho thỏ ăn cũng tiện. Tất nhiên bạn cũng nên ràng chặt máng đựng thức ăn viên vào thành chuồng cho chắc ăn.

2.Thức ăn cho thỏ

2.1 Thức ăn xanh

Cây chè khổng lồ là cây lâu năm, thân mọc thẳng, có nhiều mấu lồi, cây có thể phát triển quanh năm. Khi non thân cây mọng nước. Lá có màu nâu sẫm, dòn và hơi ráp. Cây ưa độ ẩm, chịu được bóng râm. Năng suất chất xanh đạt 70 – 80 tấn/ha/năm. Hàm lượng nước trung bình 80 – 95%, hàm lượng xơ 25%, protein thô 15 – 17% vật chất khô. Cây được sử dụng ở dạng tươi làm thức ăn bổ sung cho thỏ.

2.2 Các loại rau và lá cây

+ Rau mọc tự nhiên :Có quanh năm, vụ hè thu có nhiều loại mọc kế tiếp nhau. Nên sử dụng các loại rau mọc nơi khô cạn, loại rau này không sợ bị nhiễm trứng sán lá gan dễ gây bệnh cho thỏ gồm các loại rau như rau sam, rau dền dại, rau dệu, vòi voi, nhọ nồi…Các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau lấp, thài lài nước,…khi sử dụng cần phải rửa sạch nhiều lần để hạn chế trứng sán lá gan.
+ Rau trồng : các loại rau như rau muống, rau dền, rau lang, rau cải, su hào, bắp cải, hoa lơ, cải cúc, rau ngót,…thường chứa nhiều nước và được bón nhiều phân hữu cơ nên khi sử dụng nhiều thỏ dễ bị ỉa chảy.

2.3 Các loại lá cây dại, cây trồng thân cao và cây leo

+ Lá chuối : Có thể sử dụng cả thân và lá cho thỏ. Là chuối có vị chát giúp thỏ chống được bệnh tiêu chảy. Trong các loại lá chuối thì thỏ thích ăn lá chuối tây, chuối hột, chuối ngự hơn lá chuối tiêu. Đối với thân cây chuối cần thái lát nhỏ cho thỏ ăn hoặc nấu chín với cám cho thỏ vỗ béo ăn.
+ Dây lang, cây lạc, cây đậu : Sau khi thu hoạch củ, quả có thể sử dụng làm thức ăn cho thỏ.
+ Có thể sử dụng lá sắn tươi cho thỏ ăn trực tiếp. Lá sắn tươi phải đảm bảo tươi mới, không dập nát, không bị héo. Nếu cho ăn nhiều thỏ dễ bị ngộ độc vì trong lá sắn có chất độc là axít cyanhydric (HCN)
+ Lá sắn dây : thỏ rất thích ăn, loại lá này có hàm lượng đạm cao. + Lá keo dậu, lá dâu da xoan : thỏ có thể ăn cả cành nhỏ.
+ Lá mít, lá tre, lá chè tươi, dâm bụt vùng nào cũng có, sử dụng cho thỏ ăn quanh năm, đặc biệt thỏ rất thích ăn.
+ Các loại lá cây mọc hoang dại : Cây nghể trắng lá hình tim tương đối lớn mọc tốt cả mùa đông cho đến giữa mùa hè nên dùng thay cỏ khi mùa đông hiếm cỏ. Cây dầm sàng mọc dại hai bên bờ đê thỏ rất thích ăn. Ngoài ra các loại cây mọc hoang khác như cây ích mẫu, cây ngải cứu, cây bồ công anh, bông mã đề,…đều được sử dụng để nuôi thỏ.

2.4 Thức ăn tinh

Là các loại củ quả như ngô, khoai, sắn, thóc, lúa. Không nên sử dụng thức ăn khô, cứng, có thể dùng cơm trộn cám hoặc cám nấu. Để nuôi công nghiệp đạt hiệu quả cao cần bổ sung thêm lượng thức ăn công nghiệp loại chuyên dùng nuôi thỏ hoặc thức ăn dành cho lợn từ 30 kg trở lên, có hàm lượng đạm 15 – 20%. Có thể phối trộn thức ăn cho thỏ theo công thức: 60% bột ngô + 10 – 15% (cám gạo, cám sắn) + 15 – 20% cám công nghiệp. Sau khi trộn đưa vào máy ép thành viên sử dụng ngay hoặc phơi khô sử dụng trong nhiều ngày.
Hình 2: Các loại thức ăn hỗn hợp dành cho thỏ

3. Cách cho thỏ ăn

Đầu giờ sáng cho thỏ uống nước (nếu không có hệ thống uống nước tự động). Cho thỏ ăn 4 bữa vào sáng, trưa, chiểu, tối, lượng thức ăn chiếm 5 – 8% trọng lượng cơ thể. Bữa sáng vào lúc 6 – 7 giờ, sử dụng thức hỗn hợp tinh, thức ăn tự chế. Bữa trưa vào lúc 10 – 11 giờ, cho ăn thức ăn thô xanh. Bữa chiều vào lúc 15 – 16 giờ, cho ăn thức ăn củ quả (khoai, sắn tươi, bí đỏ, su su…). Bữa tối, lúc 20 – 21 giờ cho ăn thức ăn thô, xanh, với lượng nhiều gấp 2 – 2,5 lần ban ngày. Có thể thêm thức ăn tự phối trộn. Nuôi thỏ thịt nên giảm bớt ánh sáng buổi chiều vào lồng, chuồng, tạo không gian yên tĩnh cho thỏ nghỉ ngơi, ngủ, ít hoạt động. Trước khi xuất chuồng 7 – 8 ngày, giảm cho ăn rau cỏ, lá cây (thức ăn thô xanh, thô khô).

4. Quy trình nuôi

Quy trình nuôi thỏ thịt được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: (30 – 70 ngày tuổi) đây là giai đoạn thỏ sau cai sữa. Thời gian này thỏ đực, cái vẫn nhốt chung lồng, chuồng; chúng không được bú mẹ, phải thích ứng hoàn toàn với thức ăn mới (thức ăn thô xanh, thức ăn tinh…). Vì vậy, cần dùng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao, nhiều Vitamin A, B, C. Không cho ăn nhiều thức ăn tinh (cơm, ngô, gạo, khoai sắn khô). Nên cho ăn các loại lá cây, loại cây cỏ như lá dâu, lá sắn, lá keo đậu, lá đậu đỗ, lá cúc tần… Hoặc có thể chỉ cần sử dụng cám viên với lượng 10 – 15 g/con/ngày và tăng dần về sau hoặc 5 – 10 g/con/ngày và sử dụng thêm cỏ. Đặc biệt, trong giai đoạn này không nên cho thỏ ăn uống tùy tiện, sai kỹ thuật, thỏ sẽ chết tỷ lệ cao do tiêu chảy, nhiễm bệnh cầu trùng, sán lá gan, Ecoli… từ thức ăn, nước uống…
Giai đoạn 2: (70 – 100 ngày tuổi) là giai đoạn thỏ nhỡ. Thời gian này thỏ nuôi vỗ béo thịt tách nuôi riêng không nhốt chung, hầu hết thỏ đực không chọn làm giống, thỏ cái xấu, không đủ tiêu chuẩn cũng loại nuôi thịt. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cần cung cấp thức ăn giàu protein (đạm), giàu vitamin để thỏ phát triển chiều dài, chiều rộng, chiều cao. Phát triển các tế bào cơ, xương, các cơ quan nội tạng. Nuôi đúng kỹ thuật, trọng lượng cuối giai đoạn sẽ đạt 2 – 2,5 kg/con.
Khẩu phần thức ăn của thỏ khối lượng lớn vẫn là lá cây, các loại rau cỏ trồng và có trong tự nhiên, bổ sung thêm khoai, sắn khô, cám gạo, bột ngô, khô lạc… để thỏ tăng trọng nhanh, thời gian xuất chuồng đúng tuổi.
Giai đoạn 3: (100 – 120 ngày tuổi) là giai đoạn vỗ béo thỏ. Vật nuôi cần lượng thức ăn tinh bằng khoảng 1/9 – 1/10 lượng thức ăn thô xanh.

5. Phương pháp phòng bệnh cho thỏ tổng hợp

Thỏ là một loại gia súc yếu, rất nhạy cả, với các yếu tố ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết và có thể chết hàng loạt. Vì vậy, trong quá trình nuôi thương phẩm cần chú ý đến vệ sinh, phòng bệnh cho thỏ. Phương châm phòng bệnh chính là thực hiện 3 nguyên tắc: ăn sạch, ở sạch, uống sạch và đảm bảo môi trường chăn nuôi luôn sạch sẽ. Định kỳ bổ sung vitamin cho thỏ để tăng cường sức đề kháng và chống stress; đặc biệt, khi thời tiết và môi trường sống thay đổi cần bổ sung liên tục trong 3 – 5 ngày. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là sử dụng vaccine đối với một số bệnh thông thường và gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện, nuôi nhốt riêng và điều trị kịp thời; không nuôi nhốt chung thỏ với các loại vật nuôi khác.
Định kỳ hàng tháng phun thuốc khử trùng một lần; nên rắc vôi khử trùng tiêu độc. Cần tránh cho người lạ ra vào khu chăn nuôi đề phòng lây bệnh từ người sang thỏ. Hàng ngày phải quét dọn phân, rác đọng ở đáy, góc chuồng.
Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức để chăn nuôi thỏ hiệu quả và đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Sudo Vật Nuôi
Chuyên mục: Vật Nuôi
Tags: nuôi thỏ

Trang web này sử dụng cookies.