Làm sao để nuôi cá Dĩa? Đây có lẽ là câu hỏi của rất nhiều bạn. Cá Dĩa (hay cá Đĩa) được xem là loài cá cảnh đẹp nhất trong các loài cá cảnh hiện có trên thị trường hiện nay, nhưng làm sao nuôi cá Dĩa đúng cách thì không phải người yêu cá nào cũng biết. Bài này sẽ chỉ bạn cách nuôi cá Dĩa, các kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá Dĩa sống khỏe và sinh sản tốt.
1. Tìm hiểu về cá Dĩa
Cá Dĩa (danh pháp khoa học: Symphysodon, tên tiếng Anh thông dụng là discus, thuộc họ cá rô phi Cichlidae (rô phi vốn là họ cá có rất nhiều loài đẹp). Người Hoa gọi cá Dĩa là “Ngũ Sắc Thần Tiên” và tôn nó là “Nhất Đại Mỹ Ngư” tức là cá đẹp nhất trong các loài cá nuôi để làm cảnh.
Cá Dĩa có thân hình trơn láng. Cá Dĩa được chia ra 2 chủng loại chính đó là cá Dĩa hoang và cá Dĩa thuần chủng. Cá Dĩa hoang thì có 4 dòng chính đó là: Heckle, cá Dĩa nâu (brown discus), cá Dĩa xanh dương (blue discus) và cá Dĩa xanh lá (green discus). Phần còn lại thuộc họ nhà cá Dĩa điều do những nghệ nhân chơi cá lai tạo thành, giống thông thường của dòng cá lai tại dược gọi là cá Dĩa bông xanh (turquoise)và hiện nay giống mới nhất là cá bạch tạng (snow white hoặc albino white).
Sinh trưởng: Nuôi trong bể kiếng, cá tăng trưởng chậm: sau 6 – 8 tháng nuôi cá có thể đạt : 6 – 10 cm (kích cở thương phẩm)
Sinh sản: Cá thành thục sau: 12 – 20 tháng tuổi. Cá đẻ trứng dính bám vào giá thể. Trứng nở sau 50 – 60 giờ (tùy nhiệt độ). Trứng dinh dưỡng bằng noãn hoàng trong 2 – 3 ngày đầu, sau đó bám vào mình cá cha mẹ và dinh dưỡng bằng chất tiết trên mình cá cha mẹ. Từ ngày thứ 12 sau khi nở cá có thể ăn bobo, artemia. Sau 3 – 4 tuần cá có thể ăn trùn chỉ.
Cá Dĩa đẹp
2. Nuôi cá Dĩa dễ hay khó ? Vì sao?
“Cá Dĩa là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại cá cảnh nước ngọt nhiệt đới” bởi vì cá Dĩa có rất nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học so với họ hàng cá rô phi của chúng nói riêng và các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới nói chung. Do đó trong điều kiện nuôi, cần chú ý 2 đặc điểm sau:
Thứ 1: Cá Dĩa là loài cá nhạy cảm nhất, đặc biệt nhạy cảm với
- Tiếng ồn, chấn động nhẹ, ánh sáng mạnh
- Các thay đổi của môi trường: nhiệt độ, độ pH, độ cứng của nước. Biên độ thích nghi với các yếu tố này của cá Dĩa rất thấp.
- Các tác nhân làm phiền khác, cá Dĩa dể bị stress khi bị quấy rối bởi các loài cá năng động sống chung.
- Các tác nhân gây bệnh (nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virut)
Thứ 2: Cá Dĩa đòi hỏi rất cao về chất lượng nước
Chính vì thế và cũng theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân nuôi cá Dĩa: “cá Dĩa chỉ khó nuôi hơn các loại cá cảnh khác khi chúng ta không cung cấp cho chúng môi trường sống phù hợp”
3. Chuẩn bị điều kiện nuôi đúng
Với các loại cá có chất lượng tốt hiện nay có sẵn, nước lọc tốt và nhiều kiến thức thu được trên các diễn đàn và internet, mọi người đều có khả năng nuôi cá Dĩa.
Không có điều gì bí mật và bí ẩn thêm nữa – chỉ những mẹo nhỏ sau đây:
- Kích thước bể: Bể càng lớn càng tốt, vì nhiều nước làm cho việc duy trì chất lượng nước dễ hơn. Nếu bạn mua cá Dĩa nhỏ hơn, lượng nước nhiều hơn và chúng sẽ phát triển tốt hơn.
- Loại bể 120 lít là tối thiểu, và cách nuôi hợp lý, một con cá sống trong 20 lít nước là tốt.
- Các chỉ số của nước: Sẽ tùy thuộc vào nguồn gốc cá Dĩa mà bạn có, vì thế hãy thảo luận những điều này với người cung cấp cá. Tuy nhiên, mẫu số chung cho bất kỳ con cá Dĩa nào là cung cấp cho chúng nước sạch về mặt hóa học – và nhiều nước.
- Cá Dĩa thích nhiệt độ hơi ấm và từ 28 đến 30 độ là ổn. Cá Dĩa không chịu được amoniac và nitrite trong thời gian dài. Chúng có thể chịu đựng được với nitrate nhưng giữ điều này càng thấp càng tốt với việc thay nước là cực kỳ có lợi.
- Kích cỡ cá nên mua: Điều này lại phụ thuộc vào một số yếu tố, chưa kể đến túi tiền của bạn. Với đa số cá Dĩa là đột biến/ lai giống, cá càng lớn thì bạn càng bảo đảm cuối cùng cá có những đặc điểm như bạn nghĩ.
- Những gì bạn thấy là những gì bạn có được đối với cá dài từ 10 cm trở lên. Khi mua những con nhỏ hãy nhìn kỹ vào hình dáng và hoạt động. Hãy mua những con luôn tìm kiếm thức ăn và cho phép chúng phát triển hết mức.
- Tránh mua những con cá nhút nhát và luôn yêu cầu xem cho cá ăn trước khi mua. Mua một nhóm cá, trừ khi bạn bổ sung thêm vào bể cá có sẵn hoặc mua một cặp làm giống.
- Lọc nước: Một màng lọc bằng bọt biển cũng tốt, nhưng loại màng lọc trong hộp hoặc đáy thùng sẽ hiệu quả hơn để loại bỏ chất rắn.
- Chuẩn bị nước: Nước cần sạch về mặt hóa học và không có chlorine, chloramine hoặc kim loại nặng. Màng lọc thẩm thấu ngược hay HMA là rất có kinh tế xét về dài hạn.
4. Để mua được cá Dĩa khỏe mạnh từ tiệm bán cá cảnh cần chú ý một số yếu tố sau
- Cá được chứa ở các hồ riêng biệt.
- Cá có màu sắc tươi sáng, cơ thể cân đối, không có các biểu hiện bệnh lý.
Kiểm tra xem hồ nuôi có được bỏ thuốc hay không (xanh, vàng, có mùi thuốc). Nếu có, đấy là dấu hiệu hồ cá đang được điều trị và không nên mua cá.: dấu hiệu của bệnh ký sinh, mãn tính (chẳng hạn như lao cá) dẫn đến bỏ ăn và suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu cá Dĩa không khỏe là gì?
Các biểu hiện trên cá:
- Cá Dĩa bị đen mình: dấu hiệu cá bị căng thẳng, tương tự như hiện tượng xuất mồ hôi ở người. Cá bị nhiễm ký sinh thường đen mình vì tiết nhiều nhớt. Cá đang sinh sản hay nuôi con cũng đen mình nhưng mạnh khỏe, lanh lợi chứ không lờ đờ. Đôi khi đen mình không phải bệnh mà là phản ứng của cá đối với sự thay đổi đột ngột của môi trường, thường là nhiệt độ (trên 5 độ). Cá thường có biểu hiện đen mình sau khi thay nước.
- Cá Dĩa bị sưng mắt: dấu hiệu của bệnh lao cá.
- Cá Dĩa chúi đầu: chưa rõ nguyên nhân, có thể do nhiễm khuẩn hay các chất hóa học tác động lên cơ quan kiểm soát thăng bằng như tai trong.
- Cá Dĩa treo đầu trên mặt nước: thường đi đôi với các triệu chứng khác như thở chậm và lờ đờ. Đây là dấu hiệu của bệnh siêu vi (virus) tác động lên mang và những bộ phận khác. Nếu kèm dấu hiệu đen mình thì đó có thể là bệnh ký sinh.
- Cá Dĩa bị rụng vảy: từng mảng vảy lớn bị rụng phô bày lớp da hư hại bên dưới. Đây là bệnh nhiễm khuẩn, rất nguy hiểm với cá non và trứng. Cá ủ bệnh có vảy không đều và tiết nhiều nhớt.
- Cá Dĩa chóp vây lưng dài: là điều bình thường ở cá Dĩa, tuy nhiên chóp vây lưng quá dài một cách bất thường, dù ở cá đực hay cá cái, có thể là hậu quả của việc ngâm testosterone trong một thời gian dài. Cá có thể bị sình bụng và vô sinh.
- Cá Dĩa bị tóp đầu, màu nhợt nhạt, lủng đầu, tuột nhớt, bị thối, cháy vây, chuyển động giật cục, cọ mình vào các vật thể, thành hồ, sình bụng, đi phân trắng, bị đốm trắng (với các đốm trắng li ti nổi toàn thân), nấm lụa (với lớp bụi vàng như lụa phủ toàn thân và nắp mang.), lở loét, nấm thủy mi (fungus): xuất hiện dưới dạng bông, sợi và vệt trắng do khuẩn thuộc lớp Oomycetes (họ Saprolegniales). Các biểu hiện trên là dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn, nấm hay ký sinh
Từ chối mua bất kỳ con cá nào từ hồ cá có các biểu hiện này
5. Nhu cầu chất lượng nước trong nuôi cá Dĩa
Nhiệt độ
Nhiệt độ cơ thể cá thay đổi theo nhiệt độ môi trường (đây là đặc điểm khác với các động vật máu nóng trên cạn)
Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh hóa trong cơ thể cá. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ làm rối loạn các quá trình sinh hoá trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cá.
Nhiệt độ thích hợp cho cá Dĩa. Cá trưởng thành, cá sinh sản: 26 – 28 độ C. Cá con (mới nở đến 5 – 6 cm) : 28 – 30 độ C
Bể nuôi đặt trong phòng có nhiệt độ tương đối ổn định (tránh gió lùa, lợp tole hấp thu nhiệt)
Dùng sưởi để kiểm soát nhiệt độ trong hồ (đối với cá con hay vào mùa lạnh)
Độ PH cho cá Dĩa
Độ pH ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá khi có sự thay đổi đột ngột, cá có thể bị stress hay bị chết.
Độ PH thích hợp cho cá Dĩa. Cá sinh sản: 5.5 – 6.2. Cá con: 6.5 – 6.8. Cá trưởng thành: 6 – 6.8
Quản lý độ PH phù hợp với cá Dĩa
Giảm độ pH bằng cách tăng cường sục khí trong hồ hay bể chứa nước có ánh sáng, tăng cường quang hợp, giảm nồng độ CO2, tăng độ pH. Dùng nước vôi trong đã pha sẳn để trung hòa
Cách giảm độ pH bằng cách dùng axit phot pho ric (H3PO4) hay axit citric (giấm). Lọc sinh học cũng giúp giảm độ pH nước.
Độ cứng của nước nuôi cá Dĩa
Độ cứng của nước ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu của cá. Mỗi loài cá thích nghi với độ cứng khác nhau và khả năng thích ứng với sự biến đổi độ cứng cũng khác nhau.
Độ cứng của nước cũng ảnh hưởng đến hàm lượng Canxi (Ca) trong máu cá.
Ngoài ra, độ cứng còn ảnh hưởng đến quá trình nở của trứng.
Độ cứng của nước phù hợp cho cá Dĩa : Cá sinh sản : 3 – 10 odH, tốt nhất : 5 – 6 odH (1odH = 17,9 mg CaCO3/L). Cá > 4 tuần tuổi : 8 – 15 odH
Nhu cầu về độ cứng của nước đối với cá Dĩa rất thấp, vì thế trong kỹ thuật nuôi, thường phải điều chỉnh theo khuynh hướng giảm độ cứng
Các phương pháp giảm độ cứng của nước (chủ yếu dựa trên nguyên tắc trao đổi ion Ca 2+)
- Trao đổi ion bằng hạt nhựa
- Lọc sinh học
- Có thể dùng chất chiết xuất từ than bùn (peat) (than bùn có khả năng hấp thụ Ca 2+ và giải phóng nguyên tử H+)
Một số độc tố trong nước cần lưu ý
- Chlorine hay chloramine. Đây là một loại hoá chất dùng khử trùng nước, thường có trong nguồn nước thủy cục (nước do nhà máy nước cung cấp). Rất độc đối với cá (tác động trực tiếp đến quá trình trao đổi ion trong điều hòa áp suất thẩm thấu của cá).
- Để loại bỏ tác hại do chlorine trong nước chỉ cần sục khí liên tục ít nhất 48 giờ
- Để kiểm tra nước còn chlorine không, dùng Orthotolidin 1% : nhỏ 1 – 2 giọt orthotolidin vào 10 – 20 lít nước, nếu nước có màu vàng là còn chlorine và ngược lại.
- Amonia (N-NH3), nitrite (NO2), nitrate (NO3- ) và sulfurhydro (H2S).
Các chất trên đều là các chất độc hại đối với cá, là sản phẩm phân hủy các chất hữu cơ có trong nước (từ thức ăn dư thừa, sản phẩm bài tiết của cá).
Để đề phòng sự hình thành các chất độc hại này, cần tăng cường hàm lượng oxy hoà tan trong nước để thúc đẩy quá trình phân hủy hiếu khí của các vi sinh vật chuyển hoá các chất độc hại thành các chất vô hại hay ít có hại hơn. Ngoài ra quá trình sục khí cũng tăng cường giải phóng các khí độc ra khỏi môi trường nước.
6. Các hệ thống lọc trong quản lý chất lượng nước nuôi cá Dĩa
Lọc sinh học, lọc vi sinh hồ cá
- Đây là quá trình đóng vai trò quyết định đối với chất lượng nước nuôi.
- Do các vi khuẩn (Nitrosomas sp. ; Nitrobacter sp.) sống bám vào các giá thể trong bể nuôi, bể lọc tạo ra các quá trình sinh học (nitrate hoá, khử nitrogen) để làm thay đổi thành phần hoá học của môi trường nước.
- Quá trình lọc sinh học rất có ý nghĩa trong việc ngăn ngừa sự hình thành và chuyển hóa các sản phẩm độc hại, giúp nước sạch hơn, tốt hơn cho cá.
Các giá thể để vi sinh vật bám có thể là đá, ống nhựa, sỏi, cây cỏ, rong, thành bể, …
Lọc hóa học cho hồ cá: Than hoạt tính
- Sử dụng than hoạt tính (carbon năng động) để hấp thụ các chất độc hại còn lại trong nước.
- Là khâu sau cùng trong hệ thống lọc, trước khi cấp vào bể nuôi.
Lọc cơ học cho hồ cá
- Là phương pháp giảm độ đục của nước
- Bể lọc dung các vật liệu : vải lọc, cát, sỏi để giữ lại các chất lơ lững trong nước
- Là khâu đầu tiên trong hệ thống lọc.
7. Thay nước
Cách nuôi cá Dĩa chuyên nghiệp thường nuôi mật độ cao và thay nước với tần suất 2-3 lần/ngày, mỗi lần từ 50-100% nước hồ. Nhà lai tạo cá Dĩa tiên phong Jack Wattley cho rằng cá Dĩa tiết ra một loại hormon hạn chế tốc độ tăng trưởng của đồng loại. Nồng độ nitrate cao cũng làm cá Dĩa tăng trưởng chậm. Chế độ thay nước này loại bỏ những chất trên một cách nhanh chóng để cá lớn nhanh hơn. Lưu ý rằng nước sạch trước khi thay cần được xử lý thích hợp (clor, pH, gH).
8. Tách cá nhỏ nuôi riêng
Những con cá nhỏ thường không tranh ăn nổi với cá lớn. Chúng ta nên tách những con cá nhỏ trong bầy ra nuôi riêng để chúng phát triển tốt hơn.
9. Sục khí
Trong một thí nghiệm về tác dụng của sục khí với cá Dĩa. Bầy cá được tách nuôi trong hai hồ, một hồ dùng cục sủi và hồ kia dùng bộ lọc khí. Chế độ thức ăn là như nhau. Sau 6 tháng, cá bên hồ dùng cục sủi lớn gấp đôi hồ bên kia. Như vậy, sự trao đổi khí càng mạnh thì cá càng lớn mau.
Lưu ý rằng việc trao đổi khí diễn ra chủ yếu ở bề mặt bể nên chúng ta cần bố trí cục sủi ở một độ sâu vừa phải sao cho xáo động trên mặt nước là mạnh nhất.
10. Tần suất cho ăn
Nhiều người nghĩ rằng nhồi cho cá ăn càng nhiều thì chúng càng lớn mau, điều này không đúng. Cá chỉ có thể hấp thu một lượng dinh dưỡng nhất định, phần còn lại chúng sẽ thải ra ngoài cơ thể. Do đó, cho cá ăn thật nhiều một lần không có tác dụng. Hãy cho cá ăn một lượng vừa phải nhưng trải ra làm nhiều lần trong ngày. Thông thường, người ta cho cá ăn 3-4 lần mỗi ngày: sáng, trưa, chiều và tối. Có người siêng hơn còn bật đèn cho cá ăn thêm bữa đêm!
11. Thành phần thức ăn
Chúng ta thường nghĩ rằng cá Dĩa là loài ăn thịt thuần túy. Điều này không hoàn toàn đúng vì những nghiên cứu gần đây về thành phần thức ăn của cá Dĩa hoang dã cho thấy chúng ăn rất nhiều thực vật (40% – 60%). Bởi vậy, người ta đã thử bổ sung rau vào thức ăn của cá Dĩa và thấy tác dụng tốt. Phát hiện này ít ra cũng giúp giảm chi phí thức ăn.
Công thức: tim bò xay (loại bỏ sạch gân, mỡ), rau luộc xay (cải bó xôi, củ cải, cải bông, cà rốt), phụ gia (can-xi, vitamin, tỏi, tảo spirulina) và chất kết dính. Trong khi trùn chỉ giúp cá lớn mau thì tim bò giúp cá dày mình. Có thể kết hợp thức ăn với tần suất cho ăn và thay nước, chẳng hạn sáng cho ăn trùn chỉ, ăn xong thay nước 50%, trưa cho ăn tim bò, ăn xong thay nước 100%, tối cho ăn trùn chỉ hoặc thức ăn viên, ăn xong thay nước 50%.
12. Cho cá Dĩa sinh sản
Giống cá này cho sinh sản trong điều kiện nhân tạo rất khó thành công. Cá sinh sản đã khó do giữ trứng rất kỹ, lại hay ăn trứng nếu như cảm thấy xung quanh nó nguy hiểm hay nhiều người qua lại, cá bột yếu ớt và hao hụt rất nhiều. Mỗi chu kỳ sinh sản mặc dù cá Dĩa có thể đẻ khoảng 200 đến 400 trứng, nhưng khi đàn cá bột lớn cỡ 2 cm thì chỉ còn lại 30 đến 40 con là điều bình thường nếu không muốn nói là đã đạt tiêu chuẩn cho một lứa đẻ của cá Dĩa.
Phân biệt giới tính
Cá đực có hình dáng to, đầu hơi gù, vây bụng xệ, dưới bụng vùng giáp vây lõm vào trông rất rõ, hoạt động hung hăng hơn cá cái.
Cá cái thường nhỏ hơn cá đực, gai sinh dục lồi ra ngắn (#3mm), chia 2 thùy nhọn và hơi cong về phía sau.
Cho cá bắt cặp
Giai đoạn bắt cặp xảy ra trong vòng 7-10 ngày. Cặp cá sẽ tự tách ra một góc bể, dùng miệng làm sạch nơi sẽ sinh đẻ. Đôi cá này thường kề sát miệng, quẫy mạnh đuôi, đuổi bắt nhau, xua đuổi những con khác lại gần chúng. Tiếp đó chúng bơi sóng đôi, quấn quýt bên nhau. Trước khi đẻ một vài ngày, cá có hiện tượng rùng mình, rung toàn thân, xếp vây lại, đôi lúc đứng yên tại chỗ, ít bắt mồi. Khi sinh, cá chúc đầu xuống 45 độ. Lúc này gai sinh dục lộ rõ, màu sắc rực rỡ hẳn lên. Cá cái đẻ trứng theo chiều dọc giá thể, từ dưới lên. Cá đực cũng theo lộ trình đó tiết tinh để thụ tinh cho trứng. Số trứng thường 70-80 đến 150, có khi hơn.
Cách nuôi và chọn cá bố mẹ
Thường trong bầy cá, chúng ta tuyển chọn mỗi hồ có 5 đến 10 con cùng màu sắc, chủng loại. Mỗi loại cá Dĩa chọn từ 20 đến 30 con (có lớn, có nhỏ lẩn lộn) nuôi trong hồ lớn. Nếu nuôi trong hồ nhỏ thì mật độ cá nuôi phải ít hơn. Chăm sóc và cho ăn đầy đủ bằng: trùn chỉ, lăng quăng, tim, thịt bò xay hoặc cắt hạt lựu.
Cá nuôi được 12 tháng (cỡ 10 đến 12 cm) chọn lại độ khoảng 15 đến 20 con. Cá sẽ có hiện tượng tự chọn cặp, biểu hiện như sau: mắt đỏ màu sắc đẹp. Từng cặp sẽ tách ra riêng góc, hay canh giữ giá thể, cặp cá sẽ tự mổ ổ, làm sạch mặt kiếng, giá thể gạch, bề mặt lá thủy sinh.
Dùng vợt vớt từng cặp ra riêng, cho vào hồ cá đẻ.
Cho giá thể vào hồ để cá làm tổ. Oxy trong nước phải đựơc cung cấp đầy đủ, thay nước hàng ngày, cho ăn thức ăn tinh, trùn chỉ.
Quá trình sinh sản
Trứng được tưới tinh có màu trong suốt, trứng không thụ tinh có màu trắng đục, tấy gòn. Sau 36-48 giờ, trứng thụ tinh chuyển sang màu đen. Số không được thụ tinh sẽ chuyển sang màu trắng trong 24h. Ở 30 độ C trứng nở trong vòng 60-72 giờ. Trong lúc này cá bố và cá mẹ thay phiên nhau quạt nước cho trứng để có đủ độ thoáng khí. Tỉ lệ trứng nở từ 60% đến 80% với nhiệt độ 28độ C, và 20-50% với nhiệt độ trên 30 độ C. Nếu cá đẻ lứa đầu tiên thì 90% số trứng đó sẽ không nở và bị cá cha mẹ ăn hết vì cá đực hoặc cái chưa thuần thục kỹ năng sinh sản, nên chờ lứa tiếp theo.
Cách chăm sóc cá đẻ
Chuẩn bị cho cá đẻ, nước phải có độ ph từ 5,5 – 6,2, độ cứng 4 – 6 dh (nước mềm), nhiệt độ khoảng 26 – 280C.
Cá tiếp tục rùng mình, cặp ổ và khi điều kiện chín mùi sẽ đẻ trứng. Cá cái lướt trên mặt phẳng giá thể đẻ và trứng sẽ được dính vào mặt phẳng giá thể thẳng hàng. Cá đực đi theo phủ tinh lên trứng, tiếp tục đến khi cá cái không còn đẻ. trứng tốt sẽ tập trung thành cụm 2 x 4 cm.
Cá đực và cá cái dùng vây ngực quạt trứng và dùng miệng loại trứng trắng. Trứng thụ tinh sẽ đen dần và nở sau 2 ngày rưỡi.
Sau 60 giờ, khoảng 2,5 đến 3 ngày cá sẽ bung ra bơi lội.
Cá mới nở bám mình mẹ và hút chất nhớt, dinh dưỡng từ bố mẹ để sống đến ngày thứ 10. Sau khi nở cho ăn dặm bo bo non, trùng chỉ.
Tách cá con và nuôi riêng sau 12 – 18 ngày (tính từ ngày cá nở).
Cách chăm sóc cá con
Khi cá mới nở sẽ sống nhờ túi noãn và bám trên giá đẻ, tự tiêu dùng năng lượng của túi noãn để sống sót, nếu cá bột rơi xuống, cá cha hoặc mẹ sẽ dùng miệng ngậm lấy và đặt lại chỗ cũ.
Sau 60 giờ, cá bột có thể bơi lội thành đàn quanh cá bố mẹ, sống nhờ ăn chất nhờn tiết ra từ mình cá bố mẹ trong vòng 12-15 ngày. Sau đó, cá bột bắt đầu ăn được các sinh vật nhỏ trong nước.
Khoảng 18 ngày, cá bột có thể tạm gọi là cá con và ăn được thức ăn nhân tạo. Sau 21 ngày chúng có thể tự đi tìm thức ăn.
Trước khi tách cá con ra, chúng ta phải chuẩn bị nước trước 2 –3 ngày.
Cần chú ý:
- Nhiệt độ : bằng nhiệt độ cho cá đẻ hoặc cao hơn 1 – 20C. Tốt nhất là từ 28 – 300C.
- Ph : 6,5 – 7.
- Dh : 8 – 10.
- Muối ăn 1 gram/lít.
- Mực nước 30 cm.
Dùng vợt vớt cá cho vào thau, chuyển qua hồ nuôi cá con đã chuẩn bị như nêu trên.
Cho cá con vào hồ và sục khí vừa phải, trong ngày đầu tiên không cho ăn. Từ ngày thứ 2 cho ăn trùn chỉ, ngày 2 đến 3 lần. Cho cá ăn đến 18 giờ nếu trời ấm hoặc 14 giờ nếu trời lạnh, ngưng cho ăn trùn chỉ.
Vào tối khoảng 19 giờ sẽ dùng tiếp sưởi để điều chỉnh nhiệt độ khoảng 28 – 300C. Cá nuôi được 4 tuần sẽ đạt 1,5-2 cm. Mật độ nuôi từ 150–200 con trong vòng tháng thứ nhất.
Cá nuôi đạt 3 – 4 cm, chúng ta sẽ mang qua hồ khác, mật độ thả thưa hơn (thường sang qua hai hồ cùng kích cỡ). Tương tự, khi cá lên 6 – 8 cm, một hồ chỉ nuôi khoảng chừng 50 – 70 con.
Chế độ thay nước ngày 1 – 2 lần (sáng từ 8 – 9 giờ, chiều khoảng 16 – 17 giờ). Có thể thay từ 25% – 90% tùy chất lượng nguồn nước.
Bài viết này đã nói khái quát kỹ thuật nuôi cá Dĩa, cách nuôi cá Dĩa sống khỏe và sinh sản tốt. Hy vọng nó sẽ giúp bạn nếu có ý định nuôi loài cá cảnh tuyệt đẹp này.