Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì chất lượng đời sống ngày một tăng lên, kéo theo đó là yêu cầu cao hơn về thực phẩm. Thịt lợn rừng là một trong những loại thực phẩm được nhiều người lựa chọn, vì vậy đầu ra sản phẩm luôn được ổn định. Chăn nuôi lợn rừng được coi là hướng phát triển kinh tế và làm giàu cho nhiều hộ chăn nuôi. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng hiệu quả từ xây dựng chuồng trại tới thức ăn cho lợn và phòng trị các bệnh ở lợn rừng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
1. Kỹ thuật xây dựng chuồng trại
1.1 Nguyên vật liệu xây chuồng lợn rừng
Có thể làm chuồng bằng gạch, tre, nứa, gỗ hoặc quây thép lưới B40.
1.2 Vị trí và hướng xây chuồng lợn rừng
– Xây chuồng hướng Nam hoặc Đông Nam là tốt nhất, tránh gió Đông Bắc thổi trực tiếp vào chuồng. Chuồng nuôi phải đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
– Chọn địa điểm cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh.
1.3 Kiểu chuổng lợn rừng
1.3.1 Chuồng lợn hậu bị sinh sản
– Kiểu chuồng bán tự nhiên nên có càng nhiều cây xanh phủ mát càng tốt, kín đáo, tối nhưng không ẩm ướt. Chuồng phải được thiết kế đảm bảo vệ sinh, dễ cho ăn, chăm sóc, thoáng mát, trao đổi không khí thuận lợi, tránh sự tác động của môi trường xung quanh chuồng nuôi.
– Dùng lưới B40 vây thành các ô nuôi khoảng 20m2, có trụ đỡ cho bờ rào lưới là các cọc sắt và cọc bê tông, cọc bê tông được dựng vừa có tác dụng làm khung, vừa có khả năng chống đỡ, các cọc sắt cách nhau 1,5m. Chân bờ rào đào móng kiên cố và chôn sâu lưới B40 cũng như cọc sắt là 30cm để hạn hạn chế khả năng đào hang của lợn rừng, chiều cao của lưới đảm bảo 1,5 – 1,8m.
– Trong ô nuôi lợn rừng đó xây 1 nhà dài có mái che, đủ ánh sáng và tránh nắng, mưa tạt, gió lùa khi lợn rừng vào trú, nền chuồng nên lát gạch đỏ để dễ dàng trong công tác vệ sinh. Nền nhà được tôn cao hơn xung quanh 20-30cm để tránh bị đọng nước. Cần lót rơm, cỏ khô vào nền chuồng để tránh trơn trượt. Diện tích cần đảm bảo 15-20m2, căn nhà này là nơi lợn rừng trú mưa, trú nắng hoặc nghỉ ngơi ngoài lúc kiếm ăn và chạy đùa.
Hình ảnh chuồng lợn rừng
1.3.2 Chuồng lợn đẻ
– Về kỹ thuật chuồng lợn đẻ cũng được quây lưới B40 giống như chuồng hậu bị sinh sản. Tuy nhiên do mật độ 1con/1 ô nên diện tích chuồng khoảng 8 – 10m2. Một điểm đáng lưu ý nữa là do mắt lưới B40 tương đối to so với kích thước lợn con nên xung quanh lưới B40 từ dưới đất lên 20cm đảm bảo phải được rào kỹ hoặc được nẹp bằng các thanh tre, gỗ tránh cho lợn con mắc kẹt tại đó; hoặc có thể xây hàng gạch cao khoảng 30cm sau đó mới quây lưới.
– Bên trong ô nuôi lợn đẻ có 1 nhà nhỏ 4-6m2 để làm ổ đẻ cho lợn, vứt rơm khô, cành cây hoặc lá khô vào lợn sẽ tự làm ổ đẻ trong đó. Ổ đẻ cần đảm bảo cao ráo và tránh ẩm, phía bên ngoài ổ đẻ có cửa để nhốt lợn bên trong khi trời mưa gió. Toàn bộ diện tích còn lại bên ngoài sẽ được làm sân chơi và tập thích nghi dần cho lợn con trong điều kiện sống bán thiên nhiên.
1.4 Diện tích chuồng nuôi lợn rừng
– Lợn đực giống: 5-7m2/1con. Có thể nuôi chung 3-4 con trong 1 khu đất rộng. Những tốt nhất tách nhốt từng đực giống riêng.
– Lợn hậu bị sinh sản: 3-4m2/1con.
– Lợn nái đẻ, nuôi con: 8-10m2/1 con.
1.5 Máng ăn, máng uống cho lợn rừng
– Máng ăn, máng uống được thiết kế cố định tại phía đầu chuồng và là nơi thấp nhất, điều này giúp cho việc dọn dẹp và luôn đảm bảo vệ sinh được sạch sẽ.
– Máng cần có độ cao thích hợp (12-20cm), tuỳ theo khối lượng của lợn. Chiều dài của máng được thiết kế dài 1,8-2m, đáy máng rộng 20-30cm. Loại máng xây cố định thì đáy máng phải cao hơn so với mặt nền 5-7cm để dễ thoát nước khi cọ rửa.
– Vệ sinh: bên ngoài chuồng nuôi phải có hố chứa nước thải, có nắp đậy nếu cần thiết, đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường.
2. Thức ăn cho lợn rừng
Thức ăn được xem như là yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi lợn rừng vì nếu không cẩn thận thì thịt lợn rừng sẽ nhanh chóng giống thịt lợn nhà và như vậy sẽ mất đi khả năng cạnh tranh ưu thế trên thị trường. Hơn nữa, thức ăn không tốt, không đúng và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát dục và các khả năng sản xuất khác làm chăn nuôi thua lỗ, kém hiệu quả.
– Lượng thức ăn và nước uống mỗi ngày của một lợn rừng trưởng thành là: 0,5kg thức ăn tinh/ngày, 2kg thức ăn thô xanh/ngày, uống 4 lít nước/ngày. Thức ăn thô xanh chủ yếu là củ, quả, cỏ và các loại thức ăn thô xanh khác dễ kiếm và rẻ tiền.
2.1 Nhóm thức ăn thô xanh
Không giống như nuôi lợn công nghiệp, trong nuôi dưỡng lợn rừng, thức ăn xanh tỏ ra rất quan trọng bởi chúng phù hợp với khẩu vị, mức tiêu hóa và tập tính ăn uống của chúng. Nếu chỉ cho lợn rừng ăn thức ăn tinh, lợn kém ăn do không quen, không thấy ngon miệng và chất lượng thịt sẽ giảm sút. Đồng thời việc chăn nuôi lợn rừng không hấp dẫn nữa bởi giá thành cao và sức tiêu thụ giảm.
Hầu hết các loại thức ăn thô xanh trong chăn nuôi nói chúng đều có thể cho lợn rừng ăn như các loại bèo, cây ngô non, các loại cỏ chăn nuôi, bí đao, bí đỏ, sắn, khoai….và một số phụ phẩm công, nông nghiệp thông thường khác như dây lang sau thu củ, ngọn lá sắn, quả giả điều, vỏ và thịt quả cà phê, vỏ các loại trái cây là phụ phẩm trong công nghiệp sấy khô hoa quả, các loại bã trong công nghiệp chế biến nống ản như bã đậu, bã bia…
Hình ảnh đàn lợn rừng ăn thức ăn thô xanh
2.2 Thức ăn tinh và thức ăn bổ sung
Là nhóm thức ăn được chế biến đơn giản từ bột các loại ngũ cốc, các loại khô dầu, các loại phụ phẩm của công nghệ giết mổ gia súc, gia cầm như bột xương, bột máu, bột thịt xương, bột đầu cá, đầu tôm…và cả các loại thức ăn giàu đạm có thể sản xuất ngay tại trang trại lợn rừng như bột giun, bột côn trùng.
Việc cho lợn rừng ăn rất đơn giản:
– Đặt thức ăn vào máng hoặc trải cỏ trực tiếp dưới đất.
– Cám pha với nước thành dạng bột đặc cho vào các chậu để sẵn ở trong chuồng.
Chế độ cho ăn ngày 2 bữa sáng, chiều (nên cho ăn đúng giờ để tạo phản xạ có điều kiện cho lợn rừng nuôi thả trong trang trại).
3. Phòng trị bệnh cho lợn rừng
3.1 Phòng bệnh
3.1.1 Công tác vệ sinh
* Vệ sinh chuồng trại
– Ngăn cách khu vực chăn nuôi heo với các súc vật khác như: Chó, mèo…
– Rửa và phun thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ ít nhất 3-7 ngày trước khi thả heo vào chuồng.
– Hàng ngày phải quét phân trong chuồng giữ cho chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ
– Xử lý xác chết gia súc nghiêm ngặt: Chôn sâu, đốt…
– Nên có kế hoạch rửa chuồng, phun thuốc sát trùng và diệt ruồi, muỗi mỗi tháng một lần.
* Vệ sinh thức ăn và nước uống
– Thường xuyên kiểm tra thức ăn trước khi cho heo ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, không bị thiu, thối, mốc…
– Nếu sử dụng thức ăn tự trộn thì định kỳ phải trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho heo.
– Nước uống phải đủ, sạch và không bị nhiễm bẩn.
3.1.2 Tiêm phòng cho heo con
* Heo nái
– Trước khi phối giống chích ngừa đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn.
– Định kỳ chích ngừa cho heo nái các bệnh giả dại, parvovirus, viêm phổi theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất.
* Heo con
– Chích ngừa đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả, sau 2-3 tuần chích lập lại lần 2.
– Bắt buộc chích ngừa bệnh Lở mồm long móng và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh lở mồm long móng theo sự hướng dẫn của trạm thú y địa phương.
3.2 Một số bệnh thường gặp và cách điều trị
3.2.1 Bệnh viêm tử cung
Thường xảy ra sau khi sinh 1-5 ngày.
* Nguyên nhân
– Bị nhiễm trùng khi phối giống do: Dụng cụ thụ tinh, tinh nhiễm khuẩn, thao tác thụ tinh không đúng kỹ thuật, không vệ sinh vùng âm hộ của heo nái khi phối, heo đực bị viêm niệu quản (khi phối trực tiếp).
– Bị nhiễm trùng khi sinh do: Chuồng trại thiếu vệ sinh, dụng cụ, tay không sát trùng, đỡ đẻ không đúng kỹ thuật, heo con quá lớn khi đẻ gây xây xát, kế phát của bệnh sót nhau.
* Triệu chứng: Heo sốt 40-41 0C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chất nhầy và mủ chảy ra ở âm hộ trắng đục hôi thối.
* Điều trị:
– Dùng một trong những loại kháng sinh sau: Ampicillin: 2 g/ngày; Penicillin: 3-4 triệu UI/2 lần/ngày; Tylan: 7-8 mg/kg trọng lượng/ngày; Septotrim 24% 1 cc/15 kg trọng lượng/ngày.
– Để tăng sức đề kháng và mau lành ta dùng thêm: Anagin: 2 ống 5cc; Vitamin C: 2 g/ngày; Dexamethasol: 5-10 mg/ngày.
– Thụt rửa tử cung bằng thuốc tím 0,1% ngày 1 lần từ 2-4 lít, sau khi thụt rửa 30 phút dùng Penicillin 2-3 triệu UI bơm vào tử cung.
3.2.2 Bệnh viêm vú
* Nguyên nhân: Vú bị xây xát dẫn đến nhiễm trùng (do răng heo con cắt không sát, chuồng trại thiếu vệ sinh), kế phát bệnh viêm âm đạo, tử cung, sót nhau dẫn đến viêm vú, sữa mẹ quá nhiều, heo con bú không hết dẫn đến viêm vú.
* Triệu chứng: Heo sốt cao 40-410C, bỏ ăn, phân táo, vú sưng, nóng, đỏ, đau, vú viêm không cho sữa, vắt sữa thấy lợn cợn màu trắng xanh vàng. Heo con bú sữa viêm bị tiêu chảy.
* Điều trị:
– Nếu kế phát bệnh viêm âm đạo tử cung, sót nhau ta phải điều trị.
– Dùng thuốc kháng sinh và tăng sức đề kháng tương tự bệnh viêm tử cung.
– Chườm lạnh vú viêm để giảm hiện tượng viêm đồng thời vắt bỏ sữa bị viêm.
– Khi đã hồi phục để tăng khả năng cho sữa: Chườm nóng bầu vú, chích Oxitocin: 10 UI/ngày, 3-4 ngày, dùng chế phẩm có chứa Thyroxine, khoáng, vitamin bổ sung cho nái.
Chú ý: Ta nên chích kháng sinh vào quanh gốc vú hoặc tĩnh mạch để bệnh mau lành.
3.2.3 Bệnh mất sữa
Thường xảy ra từ 1-3 ngày sau sinh.
* Nguyên nhân: Kế phát bệnh viêm vú, bệnh viêm tử cung, sót nhau, suy dinh dưỡng lúc mang thai, đặc biệt thiếu can xi, năng lượng, Vitamin C, suy nhược một số cơ quan nội tiết.
* Triệu chứng: Vú căng nhưng không có sữa, sau đó teo dần, không sốt hoặc sốt cao (kế phát bệnh viêm vú, viêm tử cung, sót nhau), dịch nhầy chảy ra ở âm môn, đi đứng loạng choạng, có khi bị bại liệt, lượng sữa giảm dần rồi mất hẳn.
* Điều trị: Nếu là kế phát bệnh viêm vú, viêm tử cung, sót nhau thì ta phải điều trị các bệnh này. Ngoài ra ta còn sử dụng: Thyroxine: 2 mg/ngày chích bắp hoặc tĩnh mạch 4-5 ngày (hoặc dùng các chế phẩm kích thích tiết sữa: Lactoxil, Thyroxine… cho nái ăn); chích Oxitoxine: 10 UI/lần/ngày dùng 4-5 ngày; Glucoza 5%: 250 cc/ngày 3-4 ngày chích tĩnh mạch, phúc mạc hay dưới da; Gluconatcanxi 10%: 10 cc/ngày chích tĩnh mạch 3-4 ngày (nếu nái bị bại liệt ta dùng Gluconatcanxi: 50 cc/ngày 3-4 ngày) đồng thời ta dùng thêm Vitamin C, Vitamin B12, Bcomlex… và khoáng chất.
Chú ý: Khi dùng Thyroxin đòi hỏi thân nhiệt phải bình thường: 38 – 390C.
Bệnh thường xảy ra ở heo con theo mẹ dưới 30 ngày tuổi.
* Nguyên nhân:
– Chuồng trại thiếu vệ sinh, lạnh, ẩm ướt.
– Đối với heo mẹ: Do thiếu dinh dưỡng lúc mang thai, đặc biệt thiếu vitamin A, thay đổi đột ngột khẩu phần heo mẹ lúc nuôi con, heo mẹ có thể bị một số bệnh: Phó thương hàn, viêm vú, viêm tử cung, sót nhau …
– Đối với heo con: Thiếu sữa đầu, thiếu nguyên tố vi lượng, đặc biệt là thiếu sắt, heo con bị viêm rốn, thức ăn cho heo con bị chất lượng kém, chua mốc, heo con bị nhiễm một số virus: Rotavirus, Coromavirus; Vi trùng Ecoli, Clostridium, Samonilla, cầu trùng.
* Triệu chứng: Heo con thường không sốt hoặc sốt nhẹ, thời kỳ đầu bụng hơi chướng, về sau bụng tóp, lông xù, đít dính phân nhoe nhoét, ói mửa (ít xảy ra). Đặc trưng là phân lỏng trắng như vôi, vàng đôi khi có bọt, cá biệt có thể có máu, phân có mùi tanh đặc biệt.
* Điều trị: Trước khi điều trị ta phải xác định rõ nguyên nhân, vừa điều trị nguyên nhân, vừa điều trị triệu chứng tiêu chảy trên heo con thì mới có kết quả. – Điều trị tiêu chảy: Thuốc cầm tiêu chảy (se niêm mạc ruột) cho uống các chất chát: Lá ổi, cỏ sữa, măng cụt… Bổ sung vi khuẩn đường ruột: Dùng Biolactyl: 1 g/con/ngày.
– Dùng kháng sinh uống hoặc chích một trong những loại sau (từ 2-3 ngày liên tục):
+ Uống: Baytrill 0,5%: 1 cc/5 kg trọng lượng/ngày; Flumcolistin: 1 cc/3-5 kg trọng lượng/ngày; Spectinomycine: 1 cc/4-5 kg trọng lượng/ngày; Baycox 2,5 %: 0,8 cc/kg trọng lượng/ngày (nghi bị cầu trùng).
+ Chích: Baytrill 2,5%: 1 cc/ 10 kg trọng lượng/ngày; Septotrim 24 %: 1 cc/10 kg trọng lượng/ngày; Bencomycine S: 1 cc/ 15-20 kg trọng lượng/ngày; TyloPC: 1 cc/5 kg trọng lượng/ngày.
– Để phòng mất nước, chất điện giải ta bổ sung thêm Orezol, Lactatringer
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kinh nghiệm để chăn nuôi lợn rừng hiệu quả, chúc các bạn thành công.