Cứ như vậy, khi yêu thương một ai đó, dường như chúng ta không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt. Nhiều khi chúng ta hành động bản năng, thương yêu bản năng, nhớ nhung bản năng,… vì vậy sẽ có những nỗi buồn không dưng mà đến.
Vậy phải làm gì khi buồn? Điều gì nên và không nên làm?
1. Tìm ra nguyên nhân
Bất kì vấn đề nào cũng có nguyên nhân của nó. Thay vì ca bài ca “tui buồn không biết vì sao tui buồn”, bạn hãy cầm viết lên, viết hết mọi lí do làm tâm trạng u ám ra giấy. Sở dĩ người viết đề nghị bạn viết nguyên nhân ra giấy vì khi đó bạn sẽ chân thật bộc bạch hết nỗi lòng của mình. Chỉ khi dám nhìn thẳng vào vấn đề thì bạn mới hiểu rõ nguyên nhân và dễ dàng tìm ra biện pháp để giải quyết tình trạng của mình.
2. Không nghe nhạc buồn
Chúng mình thường có một thói quen là cứ khi nào tâm trạng không vui lại nghe cho bằng được những bài hát đúng tâm trạng.Tiên (17 tuổi, Tân Bình) chia sẻ: “3 tháng trước mình chia tay bạn trai. Tâm trạng thật kinh khủng. Mọi người thường khuyên khi buồn nên nghe nhạc. Nhưng tớ hết nghe những bài hát kỉ niệm của hai đứa rồi lại kiếm mấy bài não nề liên quan đến hai chữ “chia tay”. Mục đích ban đầu là nghe nhạc để giải sầu trở thành nghe nhạc để…sầu thêm!”Vậy nên, nếu như tâm trạng của bạn đang không tốt thì nhanh chóng tránh xa hoặc thậm chí xóa ngay những bài hát có giai điệu và ca từ ảo não đi nhé. Thử tìm đến những bài hát tươi vui với tiết tấu nhanh hay những bản giao hưởng réo rắc sẽ thấy dễ chịu hơn đấy.
3. Không kể lể
Lúc nào bạn cũng tâm niệm rằng “hãy quên nó đi”, “đừng nghĩ đến nó nữa”. Nhưng cứ khi nào có ai đó khơi mào là bạn lại trút hết mọi uất ức ra với hi vọng được người khác hiểu và thông cảm cho mình. Làm sao ta có thế quên được nỗi buồn phiền khi cứ nhắc đến nó thương xuyên như thế. Hơn nữa, càng nói bạn sẽ càng nghĩ về nó nhiều và đầu óc lại càng rối bời không thể nào tìm ra được giải pháp cho vấn đề.
Thử nghĩ nếu như bạn gặp phải một người bạn cũng đang trong tình trạng tương tự thì sao? Hai cái đầu rối rắm, hai tâm trạng thê thảm gặp nhau kể lể thì tình hình sẽ còn tệ hại hơn ấy chứ.
4. Suy nghĩ tích cực
Càng suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến bạn càng buồn thêm. Hãy suy nghĩ về những điều tích cực, hãy nghĩ cũng may làm sao mình gặp lần này để lần sau mà tránh, mà sửa. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
5. Lấy nỗi buồn làm động lực
Nghe có vẻ lạ lắm đúng không nào? Nhưng nếu biết tận dụng khéo léo thì nỗi buồn sẽ trở thành động lực giúp ta tiến lên.
Trước hết hãy nhìn lại những hậu quả của những ngày buồn bả triền miên. Ví dụ như bạn có mối hiểu lầm vẫn chưa được giải quyết và mối quan hệ giữa bạn và ai kia càng ngày tiến đến bờ vực thẳm. Nguy hiểm hơn là nhan sắc bị tàn phá kinh khủng, sau mấy ngày suy nghĩ căng thẳng và lo âu lũ mụn kéo đến “dàn binh” khắp mặt. Và còn nhiều nhiều hậu quả khác nữa.
Vì chẳng có li do gì bạn phải tự làm khổ mình bằng chính nỗi buồn của bản thân nên bạn cần phải quyết tâm loại bỏ nó. Càng có mong muốn đánh bại nỗi buồn thì sức lì và sự cố gắng sẽ tăng lên gấp bội. Nỗi buồn bây giờ hóa ra lại giúp bạn vươn lên hơn ngày hôm qua rồi đấy.
6. Hãy tưởng tượng mọi người là con heo biết nói
Tôi không hề đùa đâu, đây là bí kíp được nhiều người từ xưa đến nay áp dụng. Khi tâm trạng không vui bạn hãy nghĩ những người xung quanh là những con heo mập, lười, mê ngủ và ham ăn. Bạn nhìn họ và tưởng tượng, nghe họ nói và tưởng tượng, quan sát cách họ đi và tưởng tượng về chú heo mập mạp và hài hước. Chắc chắn tâm trạng bạn sẽ được cải thiện đi rất nhiều đấy. Tôi đã thử và thành công vượt mong đợi. Tuy nhiên, sau khi bạn đã vui trở lại thì hãy suy nghĩ bình thường lại tránh trường hợp cứ gọi mọi người là heo và sẽ nhận cái kết bất ngờ.
7. Làm những điều mình thích
Khi bạn buồn hãy làm những điều mà bản thân mình thích và không cần ngần ngại người khác nói như thế nào. Tuy nhiên, cần làm những điều phù hợp tránh những hậu quả đáng tiếc
8. Hét thật lớn
Việc hét lớn khiến não bộ hoạt động hết công xuất và cảm xúc ức chứa được thoát ra ngoài. Bạn có thể vào nhà vệ sinh hoặc những nơi vắng và thoáng mát để thỏa sức hét. Đứng trên đỉnh cầu hét cũng là điều thú vị.
9. Đi ngủ cũng là ý kiến hay
Ngủ luôn là đam mê bất tận của bất cứ ai. Cho nên khi cảm giác buồn thì việc leo lên giường và đánh một giấc dài cũng là điều tuyệt vời. Khi ngủ bật một bài nhạc nhẹ sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
10. Hít thở thật đều
Khi bị buồn bực cảm giác khó thở và hơi ứ chất chứa ở cổ họng rất nhiều vì vậy bạn nên thở ra và hít vào thường xuyên. Nên ra vườn cây xanh hoặc bờ hồ và hít thở đều đặn, cảm giác thoải mái sẽ trở lại và bạn sẽ giảm buồn đi rất nhiều.
11. Ăn nhiều món ngon
Không biết mọi người thế nào nhưng khi bản thân cảm thấy buồn tôi thường ăn những món mình yêu thích thật nhiều và đột nhiên lại vui trở lại. Cách này thật ra không phù hợp với số đông, nó chỉ phù hợp với một số trường hợp nhất định mà thôi.
12. Xem phim hài hước nhất
Phim hài, hài kịch…là những cách tuyệt vời để chống buồn. Nếu bạn xem mà vẫn không cười được thì nên rủ một người bạn xem cùng sẽ tạo cảm xúc nhiều hơn.
Bạn chỉ cảm thấy lạc quan khi thôi không suy nghĩ bi quan nữa. Chính chúng ta mới đeo bám nỗi buồn khi cứ mãi nghĩ về nó. Vậy thì chúng mình hãy cùng nhau ca bài “Buồn ơi tạm biệt mi” để sống lạc quan tươi trẻ và thành công bạn nhé.