X

NHỮNG CÂY THUỐC, VỊ THUỐC HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

ĐAN SÂM 丹參

Tên khoa học: Salvia multitiorrhiza Bunge. Họ Hoa môi (Lamiaceae).

Tên gọi khác: Huyết sâm 血參, Xích đan sâm 赤丹參. Hồng đan sâm 丹參, Tử đan sâm 紫丹參.

Mô tả: Loại cỏ sống lâu năm, mọc thẳng. Rễ nhỏ dài hình trụ màu đỏ nâu hoặc màu lá cọ, cắt ra thịt bên trong có màu trắng từ từ chuyển sang màu hồng. Thân hình vuông, trên có gân dọc. Lá kép mọc đối, có từ 3-5 lá chét dài từ 2- 7,5cm, rộng 0,8-5 cm, mép lá có răng cưa, mặt trên lá màu xanh có lông mềm màu trắng, mặt dưới màu xanh tro, cũng có lông nhưng dài hơn, gân nổi ở mặt dưới. Hoa tự mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá chùm hoa dài từ 10- 0 cm, hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa, hoa có tràng màu xanh tím nhạt, hai môi, môi trên trông nghiêng hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ 3 thùy, thùy giữa có răng cưa tròn. 2 nhị nằm ở môi dưới, bầu có vòi dài lòi ra ở môi trên. Quả nhỏ dài 3mm, rộng 1,5mm. Mùa hoa từ tháng 5-8, mùa quả từ tháng 7-10.

Phân bố: Được trồng ở khắp nơi, mọc ở sườn núi nơi trảng nắng, bụi cỏ, bờ kinh, ven lộ nơi ẩm thấp. Việt Nam cũng đang di thực về trồng.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa thu, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Hoặc nhân lúc còn tươi thái phiến rồi phơi khô.

Tính năng: Vị đắng, tính hơi hàn, có tác dụng hoạt huyết thông kinh, khử ứ chỉ thống, kháng u, bướu, hạ áp, hạ đường huyết.

Liều lượng: 10 – 15g.

Cấm kỵ: Không dùng chung với Lê lô.

Nghiệm phương:

1- Chữa Ung thư gan:

Đan sâm, Uất kim, Hoàng kỳ, Hương phụ đều 10g, Chích miết giáp 15g, Nhân sâm 3g (gói riêng, hãm riêng), sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

2- Chữa Ung thư cổ tử cung:

Đan sâm, Đảng sâm, Sơn dược, Bạch truật đều 10g, Bán chi liên đều 30g, Trinh nữ hoàng cung 20g, Cam thảo 3g, sắc uống.

3- Chữa Ung thư tử cung:

Đan sâm, Ích mẫu thảo, Kim ngân hoa, Nhũ hương, Một dược, Trạch lan, Xuyên khung, Ngũ linh chi, Cam thảo đều 6g, Đương quy 15g, Bồ hoàng thán 10g, Trinh nữ hoàng cung 20g, sắc uống.

4- Chữa Ung thư dạ dày, Ung thư thực quản:

Bài 1: Đan sâm, Chế hà thủ ô, Câu kỷ tử, Thục địa hoàng đều 15g, Đảng sâm, Hoàng kỳ, Phục linh đều 12g, Đương quy, Bạch truật, Bạch thược, Lộc giác phiến (gói riêng, sắc trước), Sơn dược đều 10g, Cam thảo 3g, sắc uống.

Bài 2: Đan sâm, Sa sâm, Qua lâu đều 15g, Tử sâm 30g, Đại giả thạch 20g (gói riêng, sắc trước), Uất kim, Pháp bán hạ đều 10g, Toàn phúc hoa (cho vào túi vải sắc trước) Sao Chỉ xác đều 6g, Phật thủ phiến 5g, sắc uống.

Nếu nôn ói ra nhiều nhớt dãi thì gia: La bặc tử 10g, Sinh khương trấp 10 giọt, Đường mật 1 muỗng hòa tan uống;

Nếu khí nghịch không thông sướng thì gia: Quýt bì 6g, Trầm hương 3g (gói riêng, cho vào sau).

Nếu tâm phiền, miệng khô đắng, rêu lưỡi vàng thì gia: Hoàng liên 3g, Lô căn 30g, Chi tử 6g, cùng sắc với bài thuốc trên.

Nghiên cứu dược lý chứng minh được:

Đan sâm có tác dụng kháng u, bướu, ức chế các biến chứng do bụi phổi, hạ áp, hạ đường huyết, làm giãn mạch vành, còn có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, kháng viêm, trấn tĩnh, bảo vệ gan.

TAM THẤT 三七

Tên khoa học: Panax Pseudo-ginseng (Burk). F. H. Chen. Họ Ngũ gia bì (Araliaceae).

Tên gọi khác: Điền thất 田七, Sâm Tam thất 参三七, Nhân Sâm Tam thất 人参三 七.

Mô tả: Cỏ sống nhiều năm. Thân mọc thẳng đứng, Rễ cái phình to thành củ, hình chùy hoặc hình trụ tròn dài từ 2 – 6cm đường kính 1 – 4cm, ngoài da có màu vàng lá cọ, có nhiều rễ, ngoài đầu có thân rễ ngắn. Thân hình trụ không có lông. Lá mọc vòng xoè ra như bàn tay xòe, thường có từ 3 – 6 nhánh mọc vòng ở đầu cành, mỗi nhánh lá có từ 3 – 7 phiến lá nhỏ. Các phiến lá nhỏ có hình bầu dục hoặc hình trứng lớn, mép lá có răng cưa, giữa hai răng có lông cứng, hai mặt lá có gân lá và lông cứng. Hoa có màu vàng trắng, hoa đơn tính, hình tán mọc ở đầu cành, mỗi hoa có từ 80 – 100 đóa hoa, cánh hoa có lông mềm, đài hoa có 5 cánh; 5 nhị đực. Quả hình thận dài 9mm, lúc chín có màu đỏ. Hạt hình cầu, vỏ hạt màu trắng. Mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 8 – 10.

Phân bố: Cây được trồng ở những nơi ẩm thấp, những năm gần đây đã được trồng tại Việt Nam.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa thu trước khi hoa nở, rửa sạch phơi khô, hoặc sau khi rửa ủ mềm thái phiến, phơi khô. Tán thành bột.

Tính năng: Rễ và lá: Vị ngọt, hơi đắng, tính ấm. Có tác dụng tán ứ, chỉ huyết, tiêu thũng, định thống, kháng u, bướu.

Liều dùng: 3 – 10g. Tán thành bột uống mỗi lần từ 1 – 3g

Cấm kỵ: Có thai thận trọng khi dùng.

Nghiệm phương:

1- Chữa Ung thư vú:

Tam thất 15g (gói riêng tán bột chia làm 3 lần hòa với thuốc uống), Bạch hoa xà thiệt thảo, Hổ trượng đều 120g, Bạch mao căn 60g, Đường phèn 30g (gói riêng chia làm 3 lần uống), sắc lấy nước chia làm 3 lần hòa với bột Tam thất và Đường phèn uống.

2- Chữa Ung thư thực quản:

Bột Tam thất 3g (gói riêng, hòa vào thuốc), Bạch hoa xà thiệt thảo 100g, Ý dĩ nhân 30g, Ô mai 6g, Ô dước 3g. sắc uống.

3- Chữa Ung thư ruột:

Bột Tam thất, mỗi lần uống từ 3 – 6g, uống với Rượu trắng hoặc với nước cơm.

4- Chữa Ung thư phổi:

Bột Tam thất 3g, (gói riêng hòa vô thuốc), Uất kim, Đương quy tu (râu rễ Đương quy), Xích thược, Đào nhân đều 10g, Hà ngõa lăng tử (con sò nung)15g, Toàn phúc hoa 6g (cho vào túi vải sắc trước), Hồng hoa 5g, Chích Nhũ hương, Chích Một dược đều 3g, sắc uống. Nếu đang ho ra máu thì không dùng Đào nhân, Hồng hoa.

5- Chữa Ung thư tử cung:

Tam thất 9g (tán bột gói riêng chia làm 3 lần uống), Thục địa 15g, Đương quy, Bạch thược, Hồng hoa đều 10g, Xuyên khung 6g, sắc uống. Sau khi uống 3 thang, mỗi ngày dùng Ngô công 1 con nướng vàng tán mịn uống, sau khi uống liên tiếp 3 con, ngưng không dùng thuốc. Lấy riêng Địa cốt bì 15g, Hoàng liên 10g, Chi tử, Hòe hoa đều 60g, Sắc lấy nước đặc xông rửa tử cung, làm liên tiếp 3 ngày.

6- Chữa Ung thư gan:

Tam thất, Xạ hương, Ngưu hoàng, Xà đởm đều bằng nhau. Tất cả tán thành bột mịn, mỗi lần uống 0,6g, ngày uống 3 lần, uống với nước ấm.

7- Chữa Ung thư tử cung, Ung thư phổi, Ung thư gan:

Vân nam bạch dược (chủ yếu từ Tam thất, Sơn dược,Thảo ô, Băng phiến hợp thành), mỗi lần uống 0,2 – 0,3g, ngày uống 3 lần. Trong khi uống thuốc không ăn các thức ăn chua, lạnh, Củ cải. Phụ nữ có thai không dùng.

Nghiên cứu dược lý chứng minh được: Rễ Tam thất có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển, thúc đẩy sự chuyển hóa tế bào ung thư, còn có tác dụng trấn tĩnh, trấn thống, giải nhiệt, hạ mỡ, hạ áp, làm chậm sự lão hóa, cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn huyết quản, chống ngưng tập tiểu cầu, ức chế trung khu thần kinh, kháng viêm, kháng ung thư, bảo vệ gan, tăng cường tính miễn dịch, tăng trí nhớ, giảm mệt mỏi.


THỔ PHỤC LINH 土茯苓

Tên khoa học: Smilax glabra Roxb. Họ Khúc khắc (Smilacaceae)

Tên gọi khác: Khúc khắc, Củ cun.

Mô tả: Dây leo mọc thành bụi, toàn thân không có lông. Thân có màu nâu sậm, không có gai, mặt cắt có màu trắng đỏ nhạt. Lá đơn mọc so le. Phiến lá hình mũi mác, hoặc hình bầu dục hẹp, dài 6-12cm, rộng 1-4cm, mép nguyên, hai mặt không có lông hoặc lông mềm ngắn, cuống lá dài 1-3mm. Hoa màu trắng hoặc màu hồng phấn, dài 5mm. Hoa tự ngắn hơn lá rất nhiều. Tán hoa có 3 cánh, phần dưới mọc tụ lại. Quả sóc hình cầu dẹt, phần đỉnh bên trong lõm, có cánh hẹp, mép có lông. Mùa hoa từ tháng 7-11, mùa quả từ tháng 11- tháng 4 năm sau.

Phân bố: Mọc ở sườn núi có cỏ, ven rừng, dưới rừng thưa, giữa các cây bụi.

Thu hái và chế biến: Thu hái mùa hè thu, bỏ bùn cát, nhân lúc còn tươi cắt lát, phơi khô. Khi dùng rửa sạch, cắt vụn.

Tính năng: Ngọt, nhạt, bình. Có tác dụng trừ thấp, giải độc, tán kết tiêu thũng.

Liều dùng: 15 – 30g.

Nghiệm phương:

1- Chữa Ung thư âm hành (Ngọc hành, dương vật):

Thổ phục linh, Bán chi liên, Ngân hoa đằng, Thất diệp nhất chi hoa đều 15g, Trinh nữ hoàng cung 20g, sắc uống.

2- Chữa Ung thư bàng quang:

Bài 1: Thổ phục linh, Râu ngô, Mảnh cộng đều 30g, Hải kim sa 15g, sắc uống. Bài này thích hợp với chứng đi tiểu đau buốt.

Bài 2: Thổ phục linh, Ý dĩ căn, Ô rô, Trinh nữ hoàng cung đều 30g, sắc uống. Bài này thích hợp với chứng tiểu có cặn lắng.

Nghiên cứu dược lý chứng minh được: Thổ phục linh có tác dụng kháng nham, kháng viêm, lợi niệu, trấn thống, có thể giải độc thủy ngân.

MÃ XỈ HIỆN 马齿苋

Tên khoa học: Portulaca oleracea L. Họ Rau Sam (Portulacaceae).

Tên gọi khác: Qua tử thái 瓜菜子, Rau Sam.

Mô tả: Cỏ sống hàng năm, có nhiều cành mẫm, nhẵn. Thân có màu đỏ nhạt dài 10 – 30cm. Lá hình bầu dục dài, phía đáy lá hơi thót lại, không cuống, phiến lá dày, mặt bóng, dài 2cm, rộng 8-14mm. những phiến lá phía trên họp thành 1 tổng bao quanh các hoa. Hoa mọc ở đầu cành, màu vàng không có cuống. Quả nang hình cầu, mở bằng 1 nắp, trong có chứa nhiều hạt màu đen bóng. Mùa hoa quả từ tháng 6 – 9.

Phân bố: Mọc ở đất bằng, ruộng hoang, ven lộ, mép vườn, đất hoang, chịu khô hạn.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa hạ thu, rửa sạch, dùng tươi, hoặc trụng qua nước sôi, giã nhỏ vắt lấy nước cốt.

Tính năng: Vị chua, hơi ngọt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu thũng.

Liều dùng: 30g – 60g.

Nghiệm phương:

Chữa Ung thư trực tràng:

Bài 1: Mã xỉ hiện 120g, Kê quan hoa (hoa Mào gà đỏ) 15g, sắc uống.

Bài 2: Mã xỉ hiện 120g, Bạch hoa xà thiệt thảo 60g, Bạch mao căn 30g, sắc uống.

Nghiên cứu dược lý chứng minh được: Mã xỉ hiện có tác dụng phòng xơ vữa động mạch và cao huyết áp, kéo dài quá trình lão suy, kích thích tử cung, tăng cường nhu động ruột.

MỘC MIÊN CĂN 木棉根

Tên khoa học: Gossampinus malabarica (DC.) Merr. Họ Gạo (Bombacaceae)

Tên gọi khác: Mộc miên thụ căn 木棉树根, Cây Gạo.

Mô tả: Cây Gạo có thể cao tới 15m hay hơn, cành mọc ngang với những gai hình nón Thân cũng có gai, cành non dày không gai lá sớm rụng, kép chân vịt từ 5-8 lá chét hình mác hay hình trứng, dài 9-15cm, rộng 4-5cm. Hoa đỏ, nhiều, mọc trên những cành nhỏ trước khi có lá non. Quả nang hình thoi dài 8-15cm với 5 van cứng, mặt trong có nhiều sợi bông. Hạt hình trứng, xung quanh có lông dài trắng mịn.

Phân bố: Mọc ở khe núi, bình nguyên, bên hồ, ven làng hoặc được trồng ở Ninh Thuận.

Thu hái và chế biến: Rễ, vỏ rễ, vỏ cây: Hái quanh năm, loại bỏ tạp chất, sấy khô. Hạt: Hái vào lúc quả chín, loại bỏ tạp chất, phơi hay sấy khô.

Tính năng:

Rễ, vỏ rễ: Vị nhạt, chát, tính mát có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết, kháng ung thư.

Vỏ thân: Hơi cay, chát, tính bình có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, họat huyết, tiêu thũng, chỉ thống.

Hạt: Vị cay tính nóng hơi độc có tác dụng kháng ung thư.

Liều dùng: 15 – 30g.

Nghiệm phương:

1- Chữa Ung thư phổi:

Bài 1: Mộc miên căn (vỏ rễ) 30g, hoặc Mộc miên thụ bì (vỏ thân) 60g, sắc uống.

Bài 2: Mộc miên căn, Ngư tinh thảo, cây lá Dừa cạn đều 15g, sắc uống.

2- Chữa ung thư ruột:

Bài 1: Mộc miên căn (hoặc Mộc miên thụ bì) 30g, sắc uống.

Bài 2: Mộc miên căn (hoặc Mộc miên thụ bì) 100g, Thịt nạc Heo 60g, sắc uống.

Bài 3: Mộc miên căn, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch mao căn đều 30g, Ngân hoa đằng, Bán chi liên đều 15g, sắc uống.

3- Chữa U, Bướu:

Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch mao căn, Hạ khô thảo đều 15g, sắc uống.

Nghiên cứu dược lý chứng minh được: Mộc miên căn có tác dụng kháng u, bướu, bảo vệ gan.


VƯƠNG BẤT LƯU HÀNH – 王不留行

Tên khoa học: Ficus pumila L. Họ Dâu tằm (Moraceae)

Tên gọi khác: Trâu cổ, Sộp, Vẩy ốc, Bị lệ, Sung thằn lằn.

Mô tả: Cây nhỏ mọc leo trên các cây to hay bám vào đá, tường. Thân xù xì có từng đốt. Rễ mọc ra ở các đốt, và bám vào cây vách đá hay tường. Cành cây to nhỏ, không đều, có cành lá nhỏ như vẩy ốc, có cành lá to thì ra hoa có quả, phiến lá hình tim dày và nhám, thân và lá non khi bẻ ra thấy có nhựa mủ trắng như sữa. Hoa đơn tính, đế lõm, mọc ở kẽ lá rồi thành quả. Quả dáng như cái chuông dài độ 4 cm, đường kính độ 3cm, trong quả có nhiều hột có màu lục, khi chín có màu vàng nhạt, có nhiều nhựa màu trắng. Mùa hoa quả từ tháng 5-10.

Phân bố: Được trồng để làm cảnh ở khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Quả: Hái vào mùa thu khi quả chín có màu vàng nhạt, hái về cho vào nước sôi trụng độ 1 phút, lấy ra bổ dọc thành 4 phần, cạo bỏ bên trong phơi khô.

Tính năng: Có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, thông nhũ, tiêu thũng.

Liều dùng: 10 – 30g.

Nghiệm phương:

1- Chữa Ung thư vú:

Vương bất lưu hành, Lộc giác sương, đều bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần 10g, thêm chút đường tán và rượu uống.

2- Chữa Ung thư dạ dày:

Vương bất lưu hành, Hạ khô thảo, Xuyên sơn giáp (sao phồng) đều 15g, Sinh Mẫu lệ 30g (gói riêng cho vào sắc trước), Đơn sâm, Uất kim, Thạch hộc, Khương bán hạ, Xích thược, Thái tử sâm đều 10g. Ngũ linh chỉ, Bồ hoàng (sao thơm), Quảng mộc hương đều 6g, Trần bì 5g. Sắc uống.

3- Chữa Ung thư trực tràng:

Vương bất lưu hành, Bạch hoa xà thiệt thảo, Qua lâu nhân, Sinh Mẫu lệ, Đơn sâm, Kê huyết đằng đều 30g, Bào Xuyên sơn giáp 15g, Đảng sâm, Chỉ thực, Địa du thán đều 12g, sắc uống.

4- Chữa Ung thư tuyến vú:

Vương bất lưu hành, Thất diệp nhất chi hoa, Bồ công anh đều 30g, sắc uống.

Nếu có đau thì gia: Khổ luyện tử, Huyền hồ sách đều 15g;

Nếu có lở loét thì gia: Ngân hoa đằng, Hồ đào giáp (còn được gọi là Phân tâm mộc, tức là lớp màng bên trong hạch quả Hồ đào) đều 30g, sắc uống.

5- Chữa Ung thư:

Vương bất lưu hành (hoặc toàn cây Trâu cổ.), Hạ khô thảo đều 100g, Rau má, Trinh nữ hoàng cung, cây lá Mảnh cộng đều 20g, sắc uống. Lấy riêng nước thuốc thoa bên ngoài.

Lương y NGUYỄN CÔNG ĐỨC
Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM
Chuyên mục: Cây Thuốc
Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.