X

Những chiêu chống say xỉn ngày Tết của quý ông

Chuẩn bị sang nhà bạn ăn tiệc, anh Tùng xuống bếp lấy chai dầu olive rót một muỗng đầy rồi nhăn mặt nuốt vội. “Phải dùng kế này không thì không chống được”, anh phân trần.

Theo anh Tùng (Quan Nhân, Hà Nội), trong vòng chục ngày qua anh đã ở trạng thái xỉn mất 4 ngày vì các cuộc liên hoan, gặp mặt liên miên, từ bạn bè thân thiết tới đồng nghiệp công ty, khách hàng, anh em họ… “Tửu lượng mình không khá lắm, bị ép hoặc có lúc cao hứng quá chén là dễ say lắm. Sợ cảm giác say, vừa mệt vừa khó chịu lại còn bị vợ ghét, hại sức khỏe, nhưng đúng là có lúc không làm chủ được mình”, anh Tùng nói. 

Hỏi vài chiến hữu và tìm kiếm thông tin trên mạng, anh áp dụng một số cách chống say như uống dầu, uống vitamin C… trước khi đi tiệc. “Cũng chưa biết tác dụng tới đâu nhưng cứ phải phòng trước cho an tâm”, anh Tùng bày tỏ. 

Ảnh minh họa: Menshealth.co.uk.

Không muốn mang tiếng là kém nhiệt tình trong các buổi liên hoan với đồng nghiệp, anh Tú (Long Biên, Hà Nội) thường phải viện tới chiêu móc họng trong mỗi chầu nhậu. “Cứ uống đến khi thấy có cảm giác hơi đầy trong dạ dày thì vào toilet móc họng cho nôn ra hết rồi lại vào uống tiếp. Chỉ có cách này thì mới uống lâu và nhiều được mà không bị gục trước anh em”, người đàn ông 40 tuổi này chia sẻ. 

Anh Tú cho hay, anh không thích uống rượu nhiều, ở nhà hầu như không uống bao giờ nhưng đôi khi vì mối quan hệ, giao tiếp hay tình cảm nên không thể từ chối hay hạn chế uống ít. Biết là việc móc họng nhiều hại cho dạ dày, anh vẫn không thể không dùng tới thủ thuật này. “Nếu không làm vậy, mình chóng say lắm, mà khi say rồi thì nhẹ là nói lảm nhảm, nặng thì nôn, không thể lết về tới nhà…”, anh Tú nói.

Công việc hay phải tiếp rượu đối tác, anh Quang trưởng phòng marketting một công ty bất động sản tại Hà Nội cho hay anh có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chống say. “Trước khi vào bữa nhậu phải lót dạ bằng cái gì đó, tốt nhất là món béo như dầu ăn, phó mát… Trong lúc uống rượu thì cố gắng uống thêm canh, nước lọc để hòa loãng lượng cồn trong người mình, như thế vừa lâu say vừa đỡ mệt”, anh Quang chia sẻ. 

Là bác sĩ, anh Cung (Hoài Đức, Hà Nội) biết rượu rất hại cho sức khỏe nên thường cố gắng hạn chế sử dụng. Khi đi ăn tiệc, để tránh bị ép hay phải uống nhiều, anh sử dụng chiêu hễ khi nào thấy sắp đến chầu “zô, cạn” là đứng lên khéo giả vờ phải nghe điện thoại. “Ngoài ra, nếu nhậu ở chỗ đông người, phải đứng dậy, chạy chỗ nọ tí, chỗ kia chút, càng ngồi ì một chỗ càng bị mời rượu. Nhưng dù làm gì cũng phải thật khéo, lộ ra là mình tìm cớ tránh rượu thì thể nào cũng bị ép ‘hội đồng'”, anh Cung nói. 

Từng được nhiều người gọi là “cây rượu” của cơ quan nhưng dịp Tết này anh Hào (Hà Đông, Hà Nội) không còn “hết mình” trong các cuộc nhậu. “Ngày trước những dịp như thế này cũng phải nghĩ đủ kế để không bị ép cho say mèm. Giờ chẳng cần cớ gì, chỉ việc nói ra lý do chính xác của việc mình đang phải kiêng rượu thì chẳng ai mời: Đang uống thuốc nam trị xơ gan”, anh Hào nói. 

Bản thân từng uống nhiều và cũng biết nhiều bài để chống say, anh Hào cho rằng thực tế những chiêu đó có thể tác dụng phần nào nhưng tác hại có khi lớn hơn. Bởi vì khi đã áp dụng cách nào đó, người uống thường có tâm lý yên tâm hơn, cho rằng mình có thể thoải mái uống hơn mà không bị say nên sẽ uống nhiều hơn. “Đến lúc có bệnh rồi mới biết sợ. Vợ mình còn bảo ‘có khi anh bị bệnh lại hóa may vì bệnh biết sớm còn chữa được, chứ cứ kiểu rượu uống tì tì như trước có khi ngộ độc lúc nào hoặc đâm xe, đánh người, mang họa lớn hơn”, anh Hào kể. 

Tiến sĩ Phạm Duệ, nguyên giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, say rượu với biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, nôn… chính là biểu hiện của ngộ độc rượu. Chống say rượu bằng cách móc họng cho nôn thực chất vô cùng tai hại. Khi nôn nhiều lần, các cơ trong hệ tiêu hóa co bóp mạnh, có thể xước, chảy máu niêm mạc thực quản, dạ dày. Không những thế, khi nôn lượng cồn đã hấp thụ vào cơ thể sẽ vẫn lưu lại trong khi lượng thức ăn ra ngoài hết nên nếu tiếp tục uống, người ta sẽ mệt mỏi và càng dễ gây tổn thương cho dạ dày. 

Theo bác sĩ Duệ, để chống say rượu, chỉ có cách tốt nhất là hạn chế uống, uống vừa phải và trước khi uống cần ăn nhẹ, không để bụng đói. “Rượu khi uống vừa phải, đúng loại đảm bảo chất lượng sẽ thơm ngon, tạo hưng phấn, giúp mọi người cởi mở, dễ gần nhau hơn. nhưng nếu lạm dụng, rượu sẽ trở thành thuốc độc, chất gây mê, thậm chí gây ra các biến chứng chết người”, ông Duệ nói.

Bác sĩ cho biết gần đây cứ mỗi ngày, trung tâm chống độc lại tiếp nhận 5-7 bệnh nhân ngộ độc rượu với biểu hiện mệt mỏi, rối loạn tinh thần, thậm chí suy hô hấp, trụy huyết áp, hôn mê…

Lương y Phó Hữu Đức, chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng, uống rượu quá đà dẫn tới say gây ra nhiều tác hại: Ảnh hưởng tới chức năng gan, hại sức khỏe, khó kiềm chế bản thân dẫn tới những lời nói, hành vi không đúng mực, không tỉnh táo nên dễ gây hay gặp tai nạn nếu điều khiển xe, gây bạo lực, tạo mâu thuẫn trong gia đình… Việc áp dụng các thủ thuật chống say thực tế cũng chỉ là giải pháp tạm thời và cũng không nên lạm dụng. Các cách như ăn no bụng, uống sữa hay nước lọc… trước khi uống cũng chỉ giúp giảm bớt một phần nhỏ ảnh hưởng của rượu. Vì vậy, theo ông điều cơ bản là mỗi người phải tự kiểm soát bản thân để chỉ uống có giới hạn, kiên quyết từ chối khi bị ép rượu và tốt nhất nên hạn chế uống ở mức càng ít càng tốt.

Vương Linh

Bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies.