X

Những dấu hiệu của bệnh tim cần chú ý

Hiểu biết cơ bản về bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể tự cảm nhận được những triệu chứng bệnh tim xảy ra trong cơ thể mình. Dưới đây là một số dấu hiệu nghi ngờ có liên quan đến bệnh tim mạch:

Các triệu chứng: Khó thở, đau ngực, hồi hộp, choáng và ngất, phù. Các dấu hiệu: Tím, xanh tái, khó thở nhanh, ran hai đáy phổi, mạch đập vùng trước tim. Không có dấu hiệu nào là đặc hiệu cho bệnh tim, việc đánh gia tùy thuộc vào toàn bộ bệnh cảnh lâm sàng và một số trường hợp tùy thuộc vào xét nghiệm chẩn đoán

Hầu hết các bệnh liên quan đến tim mạch đều có tiến triển thầm lặng, rất khó nhận biết. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây các chứng đột quỵ, đột tử vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận biết sớm những triệu chứng bệnh tim mạch để phòng ngừa, chữa trị kịp thời.
Khó thở
Khó thở được khởi phát hoặc nặng lên bởi gắng sức và gây ra tăng áp lực nhĩ trái và tĩnh mạch phổi hoặc giảm ôxy máu.
Tăng áp lực nhĩ trái và tĩnh mạch phổi thường gặp nhất là rối loạn chức năng tâm trương thất trái (do phì đại, xơ hóa hoặc bệnh màng ngoài tim) hoặc bít tắc van gây ra. Đợt khởi phát hoặc nặng lên của tăng áp lực nhĩ trái có thể dẫn đến phù phổi. Giảm ooxxy máu có thể do phù phổi hoặc luồng thông trong tim.
Khó thở phải được xác định bằng mức độ hoạt động gây ra nó. Khó thở cũng là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh phổi và khó có thể phân biệt được bệnh sinh, khó thở cũng có thể gặp ở người ít đi lại hoặc người béo, người trong tình trạng lo lắng, thiếu máu và nhiều bệnh khác.
Khó thở khi nằm là do sự tăng thể tích máu trung ương. Khó thở khi nằm cũng có thể do các bệnh phổi và béo bệu gây ra.
Khó thở kịch phát ban đêm sẽ giảm nhẹ bằng cách ngồi hoặc đứng lên, triệu chứng này thường đặc hiệu hơn trong các bệnh tim.
Cảm giác khó thở khi gắng sức
Khó thở khi gắng sức khiến nhiều người nghĩ rằng đó là dấu hiệu của bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, thực tế không phải là như vậy. Nhồi máu cơ tim cũng có thể khiến người bệnh có cảm giác hết hơi, ngột ngạt, thở nhanh và nông. Đôi khi phải ngồi vùng dậy để thở. Tim suy dễ gây ứ máu tiểu tuần hoàn tim phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các phế nang. Khi vận động gắng sức, chất dịch ứ thoát ra đột ngột từ các mạch máu của tiểu tuần hoàn tràn ra các phế nang gây khó thở.
Nhiều trường hợp bệnh tim còn gây khó thở kéo dài, ban đấu chỉ là cảm giác khó thở khi gắng sức như lên dốc, mang vác nặng, đi ngược gió lớn. Sau này, các cơn khó thở này thường xuyên hơn. Tùy theo tình trạng suy tim mà bệnh nhân bị khó thở ít hay nhiều, không có cơn kịch phát, hoặc khó thở thường xuyên, làm gì cũng khó thở. phổi nhiều ran ướt, khi chụp X-quang thấy tim to.

Bị đau vùng trái hay giữa ngực
Đau ngực có thể xẩy ra do một bệnh phổi hoặc một bệnh xương, bệnh thực quản hoặc các bệnh đường tiêu hóa, kích thich rễ dây thàn kinh cổ ngực , hoặc do tình trạng lo lắng cũng như nhiều bệnh tim mạch gây nên.

Đau vùng trái hay đau giữa ngực là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh tim mà người bệnh có thể cảm nhận được. Các triệu chứng đau này xuất hiện thường do thiểu năng động mạch vành khiến chúng không vận chuyre đủ máu nuôi các cơ tim gây kích thích các đầu dây thần kinh gây cảm giác đau vùng trước ngực.

Trên thực tế, nhiều khi ranh giới vùng bị đau và cả triệu chứng đau đôi khi không rõ ràng nên người bệnh cũng có thể bỏ qua. Đôi lúc, cảm giác lại chỉ như hơi nặng nặng phần ngực, hoặc hơi ran ran phía vai trái chứ không thật sự đau đớn. Các triệu chứng này cũng có thể biến mất nếu nghỉ ngơi một lúc. Bệnh mạch vành có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cấp với những cơn đau dữ dội, vã mồ hôi, mệt nhiều, và khó thở.
Nguyên nhân thường gặp nhất của đau ngực do tim là thiếu máu cơ tim cục bộ. Đau thường được mô tả là âm ỉ, nhức nhối hoặc như cảm giác ép vào, siết chặt, thắt chặt hoặc ngột ngạt hơn là đau như dao đâm hoặc co thắt lại, và nó thường được nhận thức như một cảm giác bứt rứt hơn là đau. Đau do thiếu máu cục bộ thường giảm đi trong vòng 30 phút, nhưng nó có thể kéo dài hơn.
Những cơn đau kéo dài thường tương ứng với nhồi máu cơ tim, đau thường kèm theo cảm giác bứt rứt hoặc lo lắng. Vị trí đau thường ở sau xương ức hoặc vùng trước tim bên trái. Mặc dù đau có thể lan tới hoặc khu trú ở vùng hầu họng, hàm dưới, bả vai, mặt trong cánh tay, vùng bụng trên hoặc lưng, nhưng nó hầu như cũng bao hàm cả vùng xương ức. Đau do thiếu máu cục bộ thường do gắng sức, nhiệt độ lạnh, sau bữa ăn, stress hoặc kết hợp các yếu tố này thúc đẩy và thường giảm đi khi nghỉ ngơi. Đau không liên quan đến tư thế hoặc hô hấp và thường không xuất hiện khi sờ nắn ngực. Trong nhồi máu cơ tim, một yếu tố thúc đẩy thường không roc rệt.
Phì đại thất trái hoặc bệnh van động mạch chủ cũng có thể phát sinh đau do thiếu máu hoặc đau ít điển hình hơn. Viêm cơ tim, bệnh cơ tim và sa van hai lá thường kết hợp với đau ngực không diển hình. Viêm màng ngoài tim có thể gây ra đau nhưng nó thay đổi theo tư thế và hô hấp. Phình tách động mạch chủ gây đau như xé lồng ngực một cách đột ngột và thường lan ra sau lưng.
Thường cảm thấy hồi hộp, hay bị ngất xỉu đột ngột
Nhịp tim có vấn đề. Trong suy tim, trái tim người bệnh thường đập với tốc độ nhanh hơn, hay cảm giác như đang chạy hoặc đập dồn dập. Nguyên nhân khiến tim đập nhanh là để bù đắp cho khả năng suy giảm chức năng bơm máu.

Bình thường, khi có cảm xúc lo lắng, hay gặp phải tình huống gay go, cảm giác hồi hộp thường xuất hiện. Tuy nhiên, cảm giác này xuất hiện ngay cả khi  bạn tham gia các hoạt động cần phải gắng sức thì bạn nên lưu ý hơn với tiếng nói của “trái tim mình”. Ngoài ra, khi đang trong trạng thái bình thường, người bệnh đột nhiên ngất xỉu cũng rất đáng lo ngại. Đó có thể là do lượng máu lên não khoảng 50% so với bình thường. Tình trạng thiếu ô-xy đột ngột này là do tim không đảm bảo nhiệm vụ cung cấp máu dồi dào ô-xy lên não. Bệnh dễ bị lầm tưởng là do một vấn đề của hệ thần kinh. Bệnh nhân thường tỉnh lại nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi lạnh, mạch thường rối loạn hoặc nhanh hoặc chậm, mạch nhỏ, yếu. Bất cứ ở độ tuổi nào, khi đã bị ngất một lần, nên đi khám chuyên khoa tim mạch.

Nó cũng có thể do các bệnh tim mạch làm tăng thể tích nhát bóp (hở van tim, nhịp chậm) hoặc có thể là dấu hiệu của rối loạn nhịp tim. Ngoại tâm thu thất có thể được cảm thất như nhát đập ngoại lai hoặc nhát nhảy cóc. Tim nhanh kịch phát trên thất hoặc thất bệnh nhân có thể cảm thấy đập hoặc rung rất nhanh, đều hoặc không đều. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không thấy biểu hiện gì cả.

Nếu như nhịp tim bất thường kết hợp giảm đáng kể huyết áp và cung lượng tim, thì nó có thể, đặc biệt là tư thế đứng thẳng, làm ảnh hưởng tới dòng máu lên não, gây choáng váng, mờ mắt, mất ý thức (ngất) hoặc các triệu chứng khác.
Ngất do tim thường gặp nhất là do ngừng nút xoang hoặc bloc đường ra nút xoang, bloc nhĩ thất, hoặc tim nhanh thất hoặc rung thất. Ngất có thể có một vài dấu hiệu tiền triệu và có thể gây ra chấn thương. Việc không có triệu chứng báo trước giúp phân biệt ngất do tim (Cơn Adams – Stockes) với ngất do mạch thần kinh phế vị, hạ huyết áp tư thế hoặc cơn động kinh. Mặc dù thương hồi phục ngay, một số bệnh nhân có thể có những động tác giống như trong cơn động kinh. Bệnh van động mạch chủ và bệnh tim phì đại tắc nghẽn cũng có thể gây ngất và thường xẩy ra khi gắng sức hoặc sau gắng sức. Một hình thức ngất khác là chủ đề thu hút sự chú ý đáng kể trong những năm gần đây được gọi là ngất do thần kinh tim. Trong hội chứng này có sự tăng không thích hợp hoạt động phế vị ly tâm, thường do tăng kích thích thần kinh giao cảm của tim trước đó. Song nó có thể xẩy ra đột ngột giống hệt như ngất do rối loạn nhịp tim.
Đi tiểu nhiều vào ban đêm 
Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm là một dấu hiệu quan trọng của suy tim. Điều này xảy ra do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể vào buổi tối hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng.

Bị đau vai, tay trái
Xuất hiện các triệu chứng đau vai tay trái dễ làm bạn liên tường tới các bệnh về xương khớp, nhưng các bệnh lý mạch vành cũng có thể gây nhứng triệu chứng đau như thế. Cảm giác đau, ran ran lan từ ngực xuống cánh tay, ngón tay, vùng cổ,cả hai bên bả vai. Chính vì lý do này, nhiều bệnh nhân không hề mảy may nghi ngờ gì về các bệnh tim mạch, để sau một thời gian, triệu chứng ngày càng diễn tiến với tần suất và cường độ tăng dần, đi khám thì bệnh đã kéo dài một thời gian, việc điều trị sẽ khó khăn hơn
 Ho khan hay ho ra máu
Cũng không ngoại lệ với các trường hợp trên, khi bị ho khan hay ho ra máu người ta thường tới khám tại các chuyên khoa tai mũi họng, thậm chí một số người lầm tưởng là lao phổi. Tuy nhiên, lao phổi khi ho sẽ không liên quan tới các hoạt động gắng sức, người ta sẽ tìm thấy các tổn thương phổi khi chụp X-quang, và kết quả là dương tính với các xét nghiệm tìm khuẩn lao.
Khi máu ở phổi không kịp về tim, tắc lại ở phổi làm giảm chức năng trao đổi khí của cơ tể. Máu ứ gây hiện tượng tăng tiết dịch trong phế quản, phế nang làm cho các nhung mao đường hô hấp chuyển động mạnh, tạo thành phản xạ ho. Máu  bị ứ ở tĩnh mạch khí quản và các tế bào ở mạch máu phế nang bị tổn thương còn có thể gây ra hiện tượng ho ra máu hoặc bọt có màu hồng. Vậy nên, khi xuất hiện các cơn ho khan, ho ra máu kéo dài cũng không nên bỏ qua nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Người bị suy tim sung huyết là khi chức năng bơm máu của tim không đủ cung cấp cho cơ thể, máu bị ứ lại, gọi là ứ dịch. Nó ứ dịch ở nhiều cơ quan như phổi sẽ gây ho mạn tính, thở khò khè, nếu ứ dịch ở gan, ruột gây chán ăn, buồn nôn. .. Đối với trường hợp ho dai dẳng nhiều khi người bệnh dễ nhầm với bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Tình trạng ho có thể xấu đi khi nằm hoặc mới dậy khỏi giường. Ho do bệnh tim thường ho khan hoặc có thể có đờm trắng hoặc chất nhầy đặc.
Người hay cảm thấy mệt mỏi
Sau khi chơi thể thao, chạy bộ hay đi lên dốc, nếu bạn cảm thấy chóng mặt, nhức đầu mệt mỏi có thể do tim không cung cấp đủ máu giàu ô-xy đến các cơ quan trong cơ thể.Do đó cũng không nên bỏ qua nguy cơ bệnh tim khi thấy các dấu hiệu lạ như thế này.
Phù
Sự tích lũy dịch dưới da xuất hiện đầu tiên ở chi dưới ở những bệnh nhân đi lại được hoặc ở vùng xương cùng của những người nằm liệt giường. Trong bệnh tim, phù do tăng áp lực nhĩ phải gây ra. Suy tim phải thường nhất là do suy tim trái mặc dù các dấu hiệu của suy tim phải có thẻ rõ rệt hơn. Các nguyên nhân do suy tim khác của phù gồm bệnh màng ngoài tim, bệnh van tim bên phải và chứng tim phổi mạn. Phù cũng có thể do suy tĩnh mạch, hội chứng thận hư, xơ gan hoặc ứ dịch trước kỳ kinh nguyệt hoặc nó có thể tự phát. Suy tim phải nặng có thể gây ra cổ trướng, và hầu như bao giờ cũng đi kèm với phù.
Đau vùng thượng vị
Đau vùng thượng vị trước hoặc sau bữa ăn có thể là dấu hiệu của đau dạ dày hoặc thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, đó cũng có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim vùng sát cơ hoành.

Nếu như có những dấu hiệu trên bạn nên đến bác sỹ để khám và chẩn đoán để có phương pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.

Sau đây là một số cách để phòng bệnh tim bạn nên biết:
Có những điều tưởng chừng rất đơn giản trong cuộc sống nhưng lại có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch rất hiệu quả.
  •  Ăn nhiều rau xanh, hoa quả và cá
  • Cắt giảm các chất béo có hại
  • Biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình
  • Chăm tập luyện thể dục
  • Không hút thuốc
Chuyên mục: Bệnh Tim

Trang web này sử dụng cookies.