Thất nghiệp tạo cho mỗi người bởi cảm giác tự ti cộng với tài chính eo hẹp rất dễ đẩy chúng ta vào tình trạng chán nản và ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Nhưng thất nghiệp có thật sự đáng sợ như vậy không? Làm thế nào để thất nghiệp không phải là nỗi ám ảnh của bạn? Xin mách bạn một số việc cần làm khi thất nghiệp và những việc này sẽ giúp bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
1. Lấy lại tinh thần
Đã bao lâu rồi bạn không thức dậy thật trễ, thay vì những buổi sớm chuông đồng hồ kêu đều đặn, lên dây cót cho bản thân như một chiếc máy và đi tới chỗ làm trong trạng thái mơ màng uể oải. Hoặc đã bao lâu bạn không thử bước ra ngoài hiên nhà, xem những chậu cây đã lớn tới đâu trong buổi bình minh ấy, tự nấu cho mình một bữa sáng thịnh soạn ấm áp thay vì gặm vội chiếc bánh mì cho kịp dấu vân tay check-in? Và đã bao giờ bạn từng thử hỏi bản thân rằng những con người đang chen chúc, tấp nập giờ cao điểm ngoài kia liệu có thảnh thơi và an nhàn như bạn lúc này. Họ mướt mát, trễ nải và căng thẳng đi theo một guồng quay nhất định và nếu để ý kỹ gương mặt họ bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì hầu hết là những biểu cảm vô cùng nhăn nhó và mệt mỏi.
2. Kiểm tra lại ngân sách
Thất nghiệp đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có thu nhập, vậy hãy tính toán lại sổ tiết kiệm, sổ chi tiêu, thẻ tín dụng… rồi đề ra phương án chi tiêu số tiền còn lại hợp lý bằng cách cắt giảm vài khoản chi không cần thiết để không bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính trong thời gian này.
3. Làm các công việc bán thời gian
Đây là cách vô cùng hiệu quả giúp bạn sớm tìm được công việc mới. Theo một số liệu khảo sát, tới 75% các chuyên gia trên lĩnh vực tuyển dụng khuyên người lao động làm các công việc tạm thời hay các hợp đồng ngắn hạn. Dù đó chỉ là công việc tạm thời, nhưng nếu bạn làm tốt, thể hiện được năng lực của mình và đem lại lợi ích cho công ty thì không một ông chủ nào từ chối dành cho bạn một vị trí lâu dài.
Ngoài việc có một khoản tiền trang trải giúp bạn xoay xở khi chưa tìm được việc làm, nếu bạn làm tốt công việc của mình, dù chỉ là tạm thời, người thuê bạn có thể ấn tượng và đề nghị hoặc giới thiệu cho bạn một công việc toàn thời gian.
4. Rèn luyện khả năng ngoại ngữ, tin học hoặc tự học thêm về chuyên ngành
Việc tiếp tục học hỏi sẽ giúp bạn nâng cao tay nghề, năng lực và giữ cho các kỹ năng nghề nghiệp không bị mai một. Tham gia một khoá học trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi cũng là một bằng chứng cho sự nghiêm túc với nghề và được các ông chủ đánh giá cao. Một thuận lợi nữa của việc đến các lớp học đó là bạn sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi với nhiều người khác.
Hãy tận dụng thời gian ở nhà của mình để đi đến các trung tâm Ngoại Ngữ để ôn lại các kiến thức ngoại ngữ hay tự học tin học ở nhà hoặc học thêm một ngôn ngữ mới. Điều này sẽ giúp bạn tăng giá trị của hồ sơ xin việc của mình và cơ hội vượt qua các cuộc phỏng vấn từ các công ty nước ngoài sẽ cao hơn rất nhiều.
5. Lập kế hoạch tìm công việc mới
Nên “học” lại cách xin việc từ đầu. Lần giở lại hồ sơ cũ, những mối quan hệ, xem lại cách viết CV và học theo những phương thức xin việc hiện đại. Trau dồi kỹ năng phỏng vấn. Có thể thời bây giờ, khi là người đã có kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng sẽ không hỏi những câu như lần đầu tiên bạn đi xin việc.
Hãy gửi CV khắp nơi nếu bạn vẫn còn nuôi hy vọng và quyết tâm làm lại mọi thứ từ đầu. Vì một lý do nào đó khiến cho bạn nghỉ việc ở đây nhưng không có nghĩa là bạn không còn cơ hội làm việc ở nơi khác. Hãy thử tìm kiếm thêm cho mình một môi trường làm việc thích hợp trong lĩnh vực mà bạn đang làm. Tuy nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” bạn cũng cần xem lại bản thân một cách thấu đáo rằng: “Liệu có đảm bảo sang một môi trường mới bạn không lặp lại các tác phong làm việc như vậy không, bạn có nhanh nản chí và nhanh chóng rời bỏ công việc ấy như bạn đã từng làm ở nhiều nơi trước đó?”.
Suy nghĩ thật kỹ trước khi làm lại bộ hồ sơ và ngồi vào bàn phỏng vấn với những vị nhân sự dạn dày con mắt nhìn người ở ngoài kia. Nếu bạn không có khuyết điểm họ sẽ chẳng thể nào bắt lỗi được bạn. Trở lại với một tâm thế mới, một con người mới và khắc phục những nhược điểm trước đó sẽ là thứ năng lực mạnh mẽ nhất giúp bạn hoàn thành công việc.
6. Chuẩn bị hồ sơ tìm việc (CV) kỹ lưỡng
Chuẩn bị và gửi CV là việc làm hằng ngày của người thất nghiệp. Đây là chìa khóa then chốt để giúp bạn sớm tìm được việc. Bạn có thể vào đây để tham khảo cách viết CV ấn tượng và chuyên nghiệp.
7. Tham gia các hoạt động xã hội.
Các công việc này sẽ giúp bạn làm tăng giá trị của mình trên thị trường lao động. Nó chứng tỏ bạn là một người lạc quan, bạn nhiệt tình, quan tâm giúp đỡ người khác, Các công ty tìm kiếm những người không chỉ biết hoàn thành công việc mà còn phải có tính cách đặc trưng và có lối sống đẹp. Nhiều khi nhờ những hoạt đông này cơ hội việc làm sẽ bất ngờ đến với bạn nhờ vào những mối quan hệ …
8. Kinh doanh một thứ nho nhỏ
Nếu bạn bác bỏ những ý kiến trên rằng mình không có đam mê gì cụ thể và cũng chẳng có khả năng gì nổi trội để bán thì chắc chắn bạn sẽ không thể phủ nhận một điều: “Bạn cần tiền?”
Đúng vậy, tiền tuy không phải là tất cả nhưng thiếu nó bạn sẽ có cảm giác tất cả chỉ là tiền. Vậy nên, sao bạn không áp dụng quy tắc đơn giản của kinh tế là : T (tiền) + H (hàng) = T’ (tiền)nhỉ? Dùng khoản tiền lương bạn có làm số vốn nhỏ xinh ban đầu và nhân dần nó lên bằng cách buôn bán một mặt hàng gì đó nhỏ thôi. Chẳng cần phải có một cơ ngơi đồ sộ hay cửa hàng mặt tiền thuê cả nửa năm kiên cố, bạn vẫn có thể trở thành những ông chủ bà chủ với những thương hiệu, shop online trên mạng mà vẫn tạo ra doanh thu hiệu quả. Nói vậy nhưng bạn đừng vội chủ quan mà nên nghiên cứu thật kỹ trước khi bắt tay vào làm kinh doanh vì đây rất có thể là một cuộc chơi may rủi. Hãy thử gặp gỡ và hỏi han những người đã đi trước và đạt được một vài thành tựu nhất định trong việc buôn bán, học tập theo họ là một ý tưởng không tồi nếu bạn muốn khởi nghiệp.
Việc này không phải ai cũng làm được, bởi để có thể tự kinh doanh không chỉ có đam mê, ý chí mà còn phải có kinh phí. Tuy nhiên, bạn hãy thử nếu thật sự muốn, dù thành công hay thất bại thì những cố gắng của bạn sẽ được các doanh nghiệp ghi nhận. Hơn nữa nếu thuận lợi việc này không chỉ cứu cánh cho bạn mà có thể tạo cơ hội việc làm cho người khác.
9. Giữ liên lạc với công ty cũ
Khi thất nghiệp, dù là do bản thân hay do những nguyên nhân khách quan khác nhưng phần lớn những đối tượng này hay cảm thấy tự ti và tự cách ly mình khỏi thế giới xung quanh, tệ hại hơn nữa bạn không muốn giữ liên lạc với công ty cũ vì cảm thấy xấu hổ. Đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Nếu không may thất nghiệp, bạn hãy vẫn giữ liên lạc với những đồng nghiệp thân thiết ở công ty cũ, hỏi thăm về tình hình công ty, công việc và nói cho họ biết bạn rất nhớ và muốn được gặp họ. Nếu công ty có tổ chức lễ hội, đi du lịch thì hãy thong báo để bạn được tham gia. Biết đâu trong những lần như vậy một vài cơ hội việc làm lại đến thì sao.
10. Đầu tư thời gian cho những ý tưởng mới
Đây là thời gian lý tưởng để bạn đầu tư thời gian cho những ý tưởng mới hay những ý tưởng đang bị bõ ngõ vì bạn chưa có thời gian thực hiện nó. Những ý tưởng mới đó sẽ là động lực rất lớn để bạn vực lại tinh thần và tìm kiếm một công việc mới. Nếu ý tưởng hay bạn có thể đề xuất với nhà tuyển dụng khi được mời phỏng vấn. Biết đâu đó lại là điều mà nhà tuyển dụng đang cần và hiển nhiên bạn sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá và vị trí trống đó sẽ thuộc về bạn.
11. Tiếp cận nhà tuyển dụng
Sau cuộc phỏng vấn bạn đừng chỉ ngồi chờ đợi, hãy tự tạo ra cho mình những cơ hội. Hãy gửi email cho người đã phỏng vấn để cám ơn và thể hiện cho họ thấy sự yêu thích công việc cũng như khát khao được làm công việc mà họ đang tuyển dụng. Việc làm này không hề thừa nếu bạn thật sự muốn thoát khỏi tình trạng thất nghiệp bởi không nhà tuyển dụng nào có thể thờ ở với những ứng viên có tâm huyết và đam mê với công việc.
Như vậy, thất nghiệp không thật sự đáng sợ như bạn nghĩ đúng không. Ngược lại đó có thể là cơ hội tốt để bạn có thời gian để thực hiện những dự định đang còn giang dở nhưng bạn chưa có thời gian để làm. Thời gian là vàng, vì vậy dù thất nghiệp cũng đừng để tời gian trôi qua một cách lãng phí nếu bạn muốn sớm tìm được công việc mới nhé.
12. Làm freelancer
Có rất nhiều người trên thế giới này đang chẳng thuộc bất cứ một cơ quan hành chính nào, cũng chẳng phải chịu sự áp đặt hay đố kỵ của cấp trên và đồng nghiệp mà vẫn cứ đút tiền vào túi đều đặn hàng tháng. Để có thể duy trì cuộc sống và nuôi dưỡng những sở thích trong tương lai thì bạn cũng cần nhìn nhận lại một cách chính xác xem mình có khả năng gì để bán và nếu bán thì nó đáng giá bao nhiêu. Bạn hãy thử truy cập vào các trang web của cộng đồng freelancer như: freelancer.com, freelanceviet.vn ….và tìm cho mình một công việc phù hợp.
Có rất nhiều những công việc tự do bạn có thể tham khảo nếu chịu khó dành thời gian và tìm hiểu như: Viết báo, quản trị facebook cho các doanh nghiệp, thiết kế, tổ chức sự kiện, shipper hoặc chụp ảnh, quay phim, vẽ trang trí nội thất…nếu bạn có một chút năng khiếu đặc biệt. Chỉ cần bạn có một cơ thể khỏe mạnh và một bộ óc hoạt động bình thường là bạn đã có thể bán đi rất nhiều năng lượng để tồn tại với cuộc sống này, quan trọng là bạn có sẵn sàng hay không thôi.
13. Ghé thăm các website tin tuyển dụng mỗi ngày
Và cuối cùng là đừng quên ghé qua cá website đăng tin tuyển dụng mỗi ngày nhé để bạn có thể cập nhật tin mới. Bạn nên tham khảo các trang tuyển dụng uy tín và chất lượng để đảm bảo vị trí đăng tuyển là có thật. Bạn có thể vào đây để tham khảo và nộp hồ sơ ứng tuyển, khi có công việc phù hợp với yêu cầu của bạn chúng tôi sẽ gửi mộ email thông báo đến bạn.
Và còn rất nhiều việc bạn có thể làm trong thời gian thất nghiệp của mình. Mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng của nó. Đừng để sự buồn bã vì thất nghiệp làm mất đi sự yêu đời và tin tưởng vào cuộc sống bạn nhé.
Thất nghiệp thực sự là một giai đoạn khó khăn đối với mỗi con người, tuy nhiên hãy xem thất nghiệp như là một cơ hội để nhìn nhận lại và phát triển bản thân
Chúc bạn nhanh chóng lấy lại được tinh thần và sớm tìm được công việc phù hợp!