Mùi thơm của vỏ chanh, vị mằn mặn, chua chua hòa lẫn cái mát lạnh của đá “tê tê” nơi đầu lưỡi, lan tỏa khắp giác quan khiến cái nóng của ngày hè như xua tan đi lúc nào không hay biết!
Mỗi khi đi ngang qua cổng trường học, thấy xe bán nước đá giải khát, tôi lại miên man nhớ về tuổi thơ nơi quê nhà yêu dấu. Thường cứ vào mùa hè này, tôi và đám bạn thường quây quần bên xe để mua những vắt nước đá bào xi – rô và không quên xin người bán hàng cho thêm một muỗng nước chanh muối cho đủ hương vị. Chính cái vị mặn mặn, thơm thơm của chanh muối như có một sức quyến rũ kỳ lạ đối với tuổi thơ chúng tôi và cho đến nay vẫn còn nhớ mãi!…
Hiện nay, ở miền Tây quê tôi cũng đang vào mùa thu hoạch chanh. Khắp nơi các sạp hàng rau quả trong chợ, đâu đâu cũng thấy những xề chất đầy chanh bán với giá rẻ đến bất ngờ (chanh tươi giá khoảng 12.000đ/kg; chanh chín giá khoảng: 9.000đ/kg.). Thấy rẻ nên mỗi lần đi chợ, má tôi đều mua vài ký chanh chín về muối dự trữ trong nhà cho các con thưởng thức.
Trong những ngày hè nóng bức được thưởng thức 1 ly nước đá chanh muối, thật tuyệt vời! (Ảnh: BCT)
Theo má, làm chanh muối rất dễ dàng, chi phí ít chỉ tốn công mà thôi. Má cho biết làm món gì cũng vậy cũng phải có những “bí quyết nhỏ” của nó. Muốn muối chanh ngon, đạt chất lượng (vỏ chanh mềm, thơm ngon, ruột chanh có tươm mật) phải biết cách chọn lựa chanh dùng để muối, cũng như phải tuân thủ các qui trình chế biến như sau:
– Chanh phải chọn chanh da mỏng, có màu vàng nhạt (tránh những trái da nhăn nheo, chín héo, muối ăn không ngon!).
– Trước hết, chanh mua về cho vào thau (hoặc chảo nhôm) chà với muối hột cho dập hết phần the (tinh dầu), rửa sạch với nước lạnh nhiều lần, để ráo.
– Tiếp đến, cho chanh vào nồi trụng nước sôi, vớt chanh ra cho vào thau ngâm với nước lạnh (có pha phèn chua) một đêm. Sáng hôm sau đem chanh ra xả với nước lạnh (nhiều lần) cho thật sạch.
– Đổ chanh ra rổ phơi nắng (nắng tốt khoảng 2 nắng). Khi thấy vỏ từng trái chanh teo tóp lại, ngả màu nâu nhạt thì đem chanh vào để nguội, xếp vào keo.
– Cuối cùng, nấu nước muối thật mặn (thử độ mặn bằng cách cho hạt cơm nguội vào muối, hạt cơm nguội nổi lên), chờ nước muối nguội đổ vào keo ngập lên chanh.
– Dùng que tre gài chanh chìm xuống phía dưới nước muối (tránh bị mốc). Chanh ngâm muối khoảng 1 tháng sau là dùng được.
Trong những ngày hè khi đi làm về mệt nhọc, mồ hôi ra nhễ nhại, tôi vội chạy vào nhà lấy keo chanh muối má đã làm xong để trê kệ với những trái chanh màu vàng nhạt nở tròn đều đặn trông phát thèm!. Dùng tay giở nắp keo lên, lấy một trái cho vào ly cùng vài muỗng đường cát giầm nát vỏ chanh, và thêm một ít nước lạnh để hòa tan, sau đó cho vài viên đá quậy đều lên nữa (muốn đậm đà hương vị thì vắt thêm vào một miếng chanh tươi). Cho một muỗng nước đá chanh muối (lẫn vỏ chanh) vào miệng nhai chậm rãi. Mùi thơm của vỏ chanh, vị mằn mặn, chua chua hòa lẫn cái mát lạnh của đá “tê tê” nơi đầu lưỡi, lan tỏa khắp giác quan khiến cái nóng của ngày hè như xua tan đi lúc nào không hay biết!
Theo Ba Cần Thơ (Danviet.vn)