Người đã trúng tuyển vào Đại học Ngoại thương, nhưng ngay năm đó đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung, sau khi xuất ngũ được xem xét nhận vào học theo ngành đã trúng tuyển trước đây.
Ngày 12/5, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương đã ban hành quy định về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và ưu tiên tuyển thẳng vào trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Theo đó, có 7 đối tượng được tuyển thẳng với số lượng không hạn chế.
Cụ thể, đối tượng tuyển thẳng là: Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học phổ thông.
Người đã trúng tuyển vào Đại học Ngoại thương, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự, hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ điều kiện và tiêu chuẩn về sức khoẻ, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học theo ngành đã trúng tuyển trước đây.
Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào ngành đăng ký.
Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nhật, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ngành đúng với môn học sinh đạt giải.
Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ngành phù hợp với nội dung của đề tài dự thi của thí sinh do hội đồng tuyển sinh quyết định.
Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền, có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 7 trở lên. Căn cứ vào kết quả học tập của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo, Hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định cho vào học.
Thí sinh là người nước ngoài, đã tốt nghiệp trung học, đạt yêu cầu về kiểm tra kiến thức và ngôn ngữ của từng chương trình đào tạo bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh của nhà trường. Căn cứ vào hồ sơ xin học và yêu cầu của ngành đào tạo, Hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định cho vào học.
Các đối tượng được ưu tiên xét tuyển vào Đại học Ngoại thương gồm: Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Nhật; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; đã tốt nghiệp trung học sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, được ưu tiên xét tuyển vào ngành theo nguyện vọng đăng ký.
Đối tượng xét tuyển thẳng vào đại học là thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo, tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển; thí sinh là người dân tộc rất ít người, phải đạt điều kiện về học lực: xếp loại học lực các năm lớp 10,11,12 đạt loại giỏi và đã tốt nghiệp trung học.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng của đối tượng này không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2015. Căn cứ theo điểm bình quân của điểm tổng kết 3 năm lớp 10,11,12, nhà trường xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu của ngành theo nguyện vọng đăng ký. Sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức một năm tại một trường dự bị đại học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng quy định.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net