Đau đầu, mệt mỏi, sút cân, tăng cân, đau nhức là những vấn đề thường gặp khi bạn bị căng thẳng, lão hóa, song cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vú.
Ảnh minh họa: Health .
Theo bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway (Singapore), nhiều người không biết mình bị ung thư, mãi đến khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng thì đã ở giai đoạn nặng rất khó chữa khỏi. Không chỉ những người lớn tuổi hay có thu nhập thấp mà ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ, giới trí thức, mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.
“Đôi lúc bạn không hiểu vì sao mình lại cảm thấy không khỏe. Các triệu chứng có thể quá mờ nhạt không thể hiện rõ bệnh gì. Chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi, sút cân, tăng cân, đau nhức thường là những dấu hiệu của căng thẳng, lão hóa, song cũng có thể là ung thư”, bác sĩ lưu ý.
Bác sĩ kể về trường hợp một bệnh nhân tên Chua (50 tuổi) đến gặp ông và tâm sự rằng bà bị đau nhức xương mấy tháng trời, song chỉ nghĩ đó là bệnh người già. Bệnh nhân từng đi khám và được bác sĩ ngoại khoa kê toa thuốc uống kháng viêm giảm đau và cảm giác khó chịu. Bà cũng đã gặp cả bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập giúp thư giãn gân cốt đều đặn giữ cơ thể cân đối.
Một thời gian sau, bà Chua bắt đầu có dấu hiệu đầy bụng và chán ăn. Sau khi đọc một bài báo nói về các triệu chứng đó có thể liên quan tới các vấn đề ở buồng trứng, dạ dày hoặc đại tràng, bà tìm đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra. Bác sĩ thăm khám phát hiện bệnh nhân có một khối u ở ngực trái, kết quả chụp PET cho thấy ung thư đã di căn đến xương, hạch bạch huyết và gần như chiếm toàn bộ gan. Vùng bụng của bà Chua còn bị chướng bởi dịch và khối u gan lớn.
Theo bác sĩ Ang, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, nghĩa là trước khi có dấu hiệu ung thư di căn tới các bộ phận khác, thì phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú hay một phần vú tại vị trí của khối u là cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Chua, khối u ở vú khá nhỏ nhưng có dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn tới nhiều phần khác của cơ thể nên việc phẫu thuật sẽ không giúp gì được cho bệnh nhân.
Thực tế một số bệnh nhân ung thư có khối u lớn nhưng chỉ mới khu trú bên trong bộ phận bị ảnh hưởng. Ngược lại, vài bệnh nhân khối u khá nhỏ nhưng lại có các tế bào ung thư tấn công ra các vùng khác ngoài cơ quan ban đầu. Nguyên nhân một phần là do tính chất sinh học của ung thư (một số tế bào ung thư có xu thế tấn công mạnh hơn và có nguy cơ di căn cao hơn).
Trong trường hợp của bệnh nhân Chua, cấp độ ung thư vú được đánh giá 3/3, nghĩa là rất mạnh. Cấp độ của ung thư khác với giai đoạn của ung thư. Nói đơn giản, cấp độ ung thư xét tới hình thái của tế bào ung thư. Tế bào ung thư càng giống tế bào bình thường tại chỗ bị tấn công cấp độ sẽ càng thấp. Ngược lại, nếu tế bào ấy càng méo mó và lạ thì cấp độ càng cao. Theo quy luật, tế bào ung thư càng có cấp độ cao, mức độ tiến triển càng nhanh. Điều này phần nào lý giải vì sao bệnh ung thư bà Chua được chẩn đoán phát hiện ở giai đoạn muộn như vậy.
Không những thế, tế bào ung thư vú của bà Chua còn có chứa gene ung thư gọi là HER-2 (hay c-erbB2). Tế bào có gene này luôn tiến triển mạnh hơn. Cuối cùng các bác sĩ đã phải dùng đến một loại kháng thể có tên Herceptin (trastuzumab) để điều trị ung thư vú có HER-2, đồng thời kết hợp với hỗn hợp thuốc hóa chất để tiêu diệt dần các tế bào ung thư ở từng vùng của cơ thể bà Chua.
Theo bác sĩ Ang, việc phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm bao giờ cũng mang lại kết quả điều trị hiệu quả hơn khi đã di căn. Do đó, bác sĩ khuyên phụ nữ nên thường xuyên tầm soát định kỳ, đặc biệt là khi xuất hiệu các dấu hiệu lạ trong cơ thể như trên. Tuy nhiên ông không khuyến khích mọi người sống trong lo sợ, mà hãy lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn và cảnh giác với những cảm giác bất ổn thông thường, đừng chủ quan đến khi bệnh trở nặng.
Thi Ngoan
Theo suckhoe.vnexpress.net