Theo chị Hà cho biết, học Tiếng Anh trong ngữ cảnh tự nhiên, học qua các hoạt động TPR (phản hồi tổng thể) với nhiều hoạt động và trò chơi, học với nhiều hình thức học (nghe, nhìn, sờ mó và suy nghĩ logic…) là những cách dạy và học Tiếng Anh hiệu quả cho trẻ em.
Yếu tố Fun (Vui nhộn) được các thầy cô giáo dạy ngoại ngữ đến từ các nước Australia, Canada, Nam Phi, Anh, Mỹ… đặt lên hàng đầu và áp dụng rất hiệu quả tại Trung tâm ngoại ngữ Just Kids.
Bé 3 tuổi đã có thể học Tiếng Anh qua những nội dung đơn giản, chủ đề gần gũi với các con như các con vật, các loài hoa, đồ vật trong nhà. Mục tiêu chính của việc học sẽ giúp bé làm quen, khởi động với tiếng Anh. Tự bé sẽ quyết định xem có muốn và thích học Tiếng Anh hay không.
Bé học tiếng Anh không đơn giản chỉ là học tiếng Anh. Bố mẹ nên lồng ghép việc học tiếng Anh của bé với các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, khi bé chơi đồ chơi, cắt dán hoặc làm bất cứ một việc gì đó, bé có thể học được những động từ, danh từ,… miêu tả sự việc đó.
Thạc sỹ Phạm Thị Cúc Hà cũng có các con nhỏ, nói tiếng Anh khá trôi chảy một cách rất tự nhiên. Chị chia sẻ, có nhiều cách để con chị học Tiếng Anh. Các con chị cũng đi học tại trung tâm tiếng Anh với các thầy cô nước ngoài ở trường lớp để nâng cao kỹ năng nghe nói đọc viết, đặc biệt kỹ năng giao tiếp, xem TV Tiếng Anh, chơi các trò chơi máy tính bằng Tiếng Anh.
Học tiếng Anh với cô giáo người nước ngoài và thông qua nhiều trò chơi! (Ảnh: TH)
Nhưng đến một độ tuổi nhất định, đọc sách bằng tiếng Anh chính là chìa khóa cho các con chị thích học và yêu Tiếng Anh. Các con đọc không chán vì có nội dung của các sách truyện hấp dẫn. Đọc sách tiếng Anh giúp các bé mở rộng vốn từ trong ngữ cảnh, mẫu câu trong ngữ cảnh.
Các mẫu câu trong sách đơn giản, làm trẻ con dễ nhớ và bắt chước. Qua đó, cũng làm bé nhớ cách viết của từ, của câu, đọc cũng làm ngữ pháp của trẻ tốt hơn qua các cấu trúc câu trong nhiều ngữ cảnh thực tế… Đọc sẽ là chìa khóa đưa trẻ vào kho tàng kiến thức và ngôn ngữ vô tận. Đọc cũng làm cho kỹ năng viết của trẻ tốt hơn, và khi hai điều đó hoàn thiện, ngôn ngữ sẽ được sử dụng một cách toàn diện.
Không bao giờ là quá sớm để bồi dưỡng niềm yêu thích đọc của trẻ. Mẹ đọc cho con khi con còn bé, tập cho con đọc từ những ngày đầu con chập chững biết đọc và sau đó cho con đọc thường xuyên sẽ làm cho niềm đam mê đọc không bao giờ có thể ngăn lại được. Và trẻ sẽ tự quyết định mình thích đọc cái gì để thỏa mãn nhu cầu đọc và bồi dưỡng kiến thức của mình.
Bố mẹ hãy khuyến khích con đọc sách bằng tiếng Anh (Ảnh: TH)
Nói chuyện bằng Tiếng Anh với con cũng là một cách khuyến khích trẻ ở nhà. Nếu đã định nói bằng Tiếng Anh, nhất thiết phải diễn đạt và đi đến cùng việc diễn đạt ấy bằng Tiếng Anh với con, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ cơ thể. Nếu bí quá có thể diễn đạt câu bằng Tiếng Anh nhưng chêm vào đó 1-2 từ khó bằng tiếng Việt mà trẻ có thể không biết. Ví dụ: Can you give me that…”điều khiển TV”? nếu sau khi dùng Remote control, hay chỉ trỏ, hay ra hiệu không có tác dụng. Làm như thế khiến bé tạo cho bé các điều kiện phản xạ, diễn đạt lại bằng tiếng Anh, suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Việc ôn lại những bài con học ở trường ở lớp cũng phải được diễn ra một cách tự nhiên, không bao giờ bằng cách kiểm tra, bắt buộc. Hãy chỉ cùng con “đi” lại, nghe lại đĩa với các cấu trúc ngôn ngữ đã học ở lớp, nhắc lại những gì đã học một cách tự nhiên như là nói chuyện với con một cách tự nhiên như hội thoại, chơi với con các trò chơi ngôn ngữ liên quan đến nội dung đã học. Chỉ cần 10-15 phút ngồi với con tạo nên một sự khác biệt trong quá trình học Tiếng Anh của con.
Bố mẹ hãy làm cho việc học tiếng Anh ở trường cũng như ở nhà thật Fun (Vui nhộn), đưa cho trẻ một “động cơ” thực sự để nói Tiếng Anh và cho trẻ tự quyết định chúng có thích Tiếng Anh không. Đó mới là điều quan trọng nhất!