Như một lời hẹn ước từ trong tâm khảm, tháng Bảy sang người ta nhớ đến quê mình nhiều hơn. Ai nấy về Quảng Trị với ý niệm “về nguồn”, là những cuộc hành hương thăm đồng đội và tri ân những người đã khuất.
Những mất mát đau thương nếu kể ra rõ ràng bằng con số luôn làm đau lòng người ở lại. Biết rằng còn rất nhiều người con ở mọi miền Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống đất này mà chưa được gọi tên, chưa được ủ ấm từ nén nhang của người thân thuộc.
Dạo trước, bạn ở xa về thăm, tôi dự định dẫn bạn đi lòng vòng thị xã. Vừa tới nơi thì trời đổ mưa tầm tã, cả bọn đứng núp mưa dưới một hàng quán nhỏ. Dì chủ quán nghe giọng bạn ở nơi khác liền tặc lưỡi “tội nghiệp ra thăm Quảng Trị mà trời mưa như ri”. Tôi bảo mưa thế này chẳng biết đưa bạn đi đâu, thôi thì vô Thành Cổ chơi vậy. Dì sửa ngay “không, đưa bạn vô Thành Cổ thắp hương chứ không phải chơi”. Sự thành kính của một người con thị xã làm tôi chùng lòng cảm động và khâm phục.
Mỗi người đều ý thức sự linh thiêng và nét văn hóa tâm linh của mảnh đất mình đang đứng. Bạn tôi, sau khi tận mắt chứng kiến những kỷ vật của người lính và nghe bao câu chuyện qua giọng trầm ấm của chị hướng dẫn viên mà rưng rưng xúc động, bảo chẳng thể nào tưởng tượng được mảnh đất này đau thương đến vậy.
Bạn đưa thông tin về mộ chí của ông rồi dặn nếu tình cờ gặp ở đâu đó thì nhớ bái thay bạn một nén hương. Nghe vậy thôi mà muốn trào nước mắt bởi không phải người lính nào ra đi đều may mắn được trở về dẫu bằng nắm tro. Bạn sinh ra chưa bao giờ thấy mặt ông, ông sống qua những lời kể của bà, của cha mẹ vậy mà niềm tự hào và yêu thương vẫn luôn chảy tràn trong huyết mạch.
Những bờ tường chi chít vết đạn bom trong trường Bồ Đề hay nấm mồ chung trong Thành Cổ, cả dòng Thạch Hãn xanh trong êm đềm ấy có khi còn hơn cả nghĩa trang. Với những người còn lại, mùa hè đỏ lửa của bốn mươi ba năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Có lần, nghe chú cựu chiến binh trầm tư bảo, thật đáng lo khi một mai thế hệ chú không còn, chẳng ai kể chuyện ngày xưa và nhắc về quá khứ để lớp lớp con cháu lắng nghe mà trân trọng. Ví như chỉ cần mỗi người con của đất này, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi luôn ghi nhớ rằng thật may mắn khi sinh ra đã được chạm tay vào hòa bình.
Vốn dĩ thị xã luôn im lìm trầm mặc, tháng Bảy về vẻ trầm mặc ấy càng hiển hiện ưu tư lặng lẽ hơn. Người ta ý thức đến cả bước chân mình, bước đi cũng nhẹ nhàng, nói chuyện khẽ khàng, những ngôi nhà ven đường được treo đèn lồng khiến con phố lung linh hoài niệm. Thị xã lặng lẽ từ năm này sang năm khác chẳng có chi đổi thay, chẳng nhộn nhịp và sầm uất như những chốn phố thị khác.
Bạn về quê nghỉ hè nên hẹn nhau ra bờ sông nhâm nhi cà phê trò chuyện. Sớm ngồi ngắm dòng Hãn trôi lặng lờ lại thấy chẳng đâu bằng quê mình, cứ luôn bình yên và chân chất. Quê nhà vẫn bao dung và hiền hòa như thế nhưng bởi mưu sinh mà đọa đành xa xứ, thương vô cùng.
Mấy năm gần đây, đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn được tổ chức định kỳ mỗi đêm rằm hàng tháng. Các cơ quan đoàn thể trong thị xã thay phiên nhau đăng cai lần lượt tổ chức thả đèn hoa đều đặn như một nghĩa cử tốt đẹp tri ân những anh hùng đã khuất. Hôm ấy, khói hương ngút ngàn, tiếng chuông vọng khúc cầu nguyện vang vọng cả phố. Những người lính tóc nay đã đổi màu vẫn đóng quân phục đứng trang nghiêm, dõi mắt nhìn ra dòng sông bằng niềm xúc động. Mệ già run rẩy chống gậy, rớm nước mắt thương nhớ và xót xa cho khúc ruột của mình còn nằm đâu đó dưới dòng sông lạnh.
Những linh thiêng của đất trời hội tụ trong đêm tháng Bảy, trong mỗi ngọn nến và nén nhang, trong mỗi nhánh hoa trôi bồng bềnh. Cả dòng sông linh thiêng màu nhiệm, con đò xuôi nhẹ sợ đánh thức giấc ngủ ngàn năm. Những tuổi xuân ý nghĩa đã hóa thân vào cây cỏ, vào sông nước quê tôi để cỏ dưới chân Cổ Thành xanh ngút ngàn và nước nguồn Thạch Hãn sạch trong, chảy miết trùng khơi.
Như một câu hát bật môi trong tâm tưởng người xa xứ “Sông Thạch Hãn muôn đời vẫn chảy như nghĩa tình tôi với quê hương…”, bao giờ cũng vậy, mỗi tháng Bảy về lại nghe ân tình thiết tha khi ai đó nhắc đến quê mình bằng niềm vọng tưởng khôn nguôi.
Diệu Ái
Theo dantri.com.vn
Từ khóa tìm kiếm: que minh, tri an nhung, vo thanh, thang bay, song thach han,