Chiếc tàu buồm vẫn đang lướt nhanh trên không trung, thiên nhiên tươi đẹp đang trải dài dưới tầm mắt, con tàu đang lướt qua một ngọn núi phủ tuyết trắng xóa, đỉnh Cook cao nhất New Zealand, chợt có tiếng reo: “Ồ, tuổi trẻ của tôi vẫn ở đây”. (Nguyễn Duy Phúc, Hà Nội)
Abel Tasman.
Vào một trưa hè, tôi đã ăn một quả kiwi to lớn và có màu vàng rực nổi bật trong khay kiwi vừa mua. Hơi lạ vì các quả kiwi vốn rất đều nhau về hình dạng và màu sắc…Vị ngon của nó cũng rất đặc biệt, tôi nhắm mắt lại để thưởng thức miếng kiwi ngọt lịm mát tan dần trong miệng…
…Tôi đang trên boong một con tàu buồm cổ, một người đàn ông châu Âu trang phục quý tộc từ thế kỷ 17 với mái tóc dài lượn sóng cùng bộ ria vểnh nhìn tôi cười thân thiện: “Tôi là Abel Tasman, chỉ huy đoàn thám hiểm thuộc Hoàng Gia Hà Lan, chào mừng quý khách đã đoạt vé đặc biệt tham gia chuyến du hành lịch sử đến New Zeland”. Tôi kinh ngạc, ngài Abel JanszoonTasman, nhà thám hiểm lừng danh đầu tiên khám phá ra New Zealand đấy sao? Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông ta mỉm cười: “Cảm ơn quý khách đã nhận ra tôi, chúng ta sẽ có một hành trình thú vị và tất nhiên đỡ vất vả hơn nhiều so với lần đầu của tôi cách đây 300 năm”.
Đúng lúc đó thì có vẻ tàu đã đang tiến vào vịnh bởi các vách đá và doi đất xanh ngắt đang dần hiện ra từ hai phía. “Quý khách đang tiến vào nơi lần đầu tiên tôi chạm vào xứ sở thần tiên này”, tiếng Ngài Tasman thì thầm bên tai tôi. Vịnh Golden, giờ đã là địa điểm du lịch nổi danh trên thế giới.
Một quý ông đứng tuổi cùng trang phục quý tộc, mái tóc bạch kim xoăn dài và gương mặt nghiêm nghị tiến đến bắt tay tôi. “Rất hân hạnh, James Cook, thuyền trưởng Hải quân hoàng gia Anh quốc”, ông nói, sau đó đưa tôi một cuộn giấy màu ngà: “Trân trọng tặng quý khách ấn bản của Bản đồ bờ biển New Zealand đầu tiên trong lịch sử”. Tôi bối rối mới thốt lên nổi lời cảm ơn vì biết rằng mình đang đối diện với một con người nổi tiếng của lịch sử hàng hải thế giới, người đầu tiên đi vòng quanh và vẽ nên bản đồ hình dạng của New Zealand.
James Cook, thuyền trưởng Hải quân hoàng gia Anh quốc.
“Quý khách sẽ còn gặp nhiều nhân vật lịch sử của đất nước này”, Ngài Tasman nheo mắt cười khi thấy nỗi kinh ngạc vẫn đọng trong mắt tôi.
Lúc này con tàu buồm dường như đang được nâng dần lên không trung và lướt đi như một chiếc thủy phi cơ êm ái, tôi nhìn xuống và thấy các ngọn núi và những đồng cỏ xanh ngút mắt đang hiện ra phía dưới con tàu.
“Mọi khả năng đều có thể trong chuyến du hành này, thưa quý khách”, vẫn giọng thầm thì của Nhà thám hiểm Hà Lan.
Chợt một người đàn ông da nâu chân trần nhưng khoác chiếc áo choàng dệt bằng những búi sợi lanh màu nâu vàng, tách khỏi đám đông đang trò chuyện trên boong tiến về phía tôi. Ông ta ghé sát gương mặt nâu bóng vẽ đầy những hình hoa văn khiến trán rồi chóp mũi của ông ấy chạm vào trán và mũi tôi một cách dứt khoát, sau đó đến cái bắt tay thật chặt cùng câu chào nồng nhiệt “chào mừng quý khách Việt Nam đến đất nước của đám mây trắng dài, ta là Hone Heke, lãnh tụ Maori miền bắc, người ký hiệp định Waitangi”, rồi ông kéo tay tôi “hãy sang nhập hội với bọn ta nào”.
Chốc lát tôi đã thấy mình lọt vào giữa đám đông đang trò chuyện ở giữa boong, và quả là kỳ diệu khi các nhân vật lịch sử mà tôi chỉ biết qua sách vở đang hiện lên sống động trước mắt.
Kia là hai phụ nữ đang trò chuyện, Manga Kahia, nhà vận động nữ quyền người Maori và Kate Sheppard, nhà đấu tranh quyền bình đẳng cho phụ nữ mà chân dung bà tôi đã thấy trên tờ 10 đô la NZ, những người đã góp phần đưa New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phụ nữ tham gia chính trị.
Kate Sheppard, nhà đấu tranh quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Ở góc giữa là nhà chính trị người Maori, Sir Apirana Ngata, người nổi tiếng trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa Maori cũng đang sôi nổi thảo luận với Nhà bác học vật lý hạt nhân Ernest Rutherford, người đoạt giải Nobel hóa học năm 1908. Tôi dễ dàng nhận ra hai vị bởi chân dung họ đều nằm trên các đồng tiền 50$ và 100$ của New Zealand.
Chiếc tàu buồm vẫn đang lướt nhanh trên không trung, thiên nhiên tươi đẹp đang trải dài dưới tầm mắt, con tàu đang lướt qua một ngọn núi phủ tuyết trắng xóa, đỉnh Cook cao nhất New Zealand, chợt có tiếng reo: “Ồ, tuổi trẻ của tôi vẫn ở đây”, không khó để nhận ra đó là giọng của Sir Edmund Percival Hillary khi ông nhìn thấy bức tượng bằng đồng nhà leo núi trẻ Edmund Hillary đang chinh phục đỉnh Cook và cũng là người đầu tiên trên thế giới chinh phục đỉnh Everest.
” Nhà tôi giờ cũng ở đó” có tiếng thì thầm ở phía dưới chân khiến tôi nhìn xuống, ồ hóa ra là anh chàng tý hon Bilbo của xứ Hobbit, đúng rồi, đây cũng là ngọn núi Lonely đẹp bi hùng của phim Chúa tể những chiếc nhẫn…
Đúng lúc ấy con tàu chợt chao nghiêng vì lượn sát ngọn núi khiến tôi trượt ngã…
Nguyễn Duy Phúc
Theo vnexpress.net