Trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản Hồng Đức, Sọ Dừa – nhân vật cổ tích quen thuộc – được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc sọ người.
Nhân dịp sinh nhật con gái nhỏ, chị Hồng Anh, nhà ở quận 1, TP HCM đến một nhà sách lớn để tìm mua các tập truyện cổ tích tặng con. Sau khi về, tình cờ mở truyện Sọ Dừa ra xem, ngay từ trang đầu tiên, chị giật mình với dòng dẫn: “Xưa có hai vợ chồng kia đi ở cho phú ông, ngoài năm mươi vẫn chưa có mụn con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, nên đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây”. Truyện còn dùng ngôn từ khá “mạnh” với trẻ nhỏ như: “quái thai”, “đem chôn sống nó đi…”.
Hình ảnh minh họa truyện “Sọ Dừa”, ấn bản của NXB Hồng Đức.
Không chỉ có lời kể khác biệt so với nhiều bản truyện cổ tích về Sọ Dừa trước đây, hình ảnh minh họa trong sách còn khá rùng rợn với cảnh người đàn bà cầm trên tay chiếc đầu lâu.
Tập Sọ Dừa nằm trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam , do NXB Hồng Đức ấn hành. Bộ sách được in khổ nhỏ 13x19cm, theo dạng truyện giản lược kèm hình minh họa bắt mắt cho nhiều sự tích phổ biến trong kho tàng truyện cổ Việt Nam như: Sự tích con muỗi, Sự tích Chú Cuội, Sự tích Trầu cau… Mỗi tập truyện, trong đó có tập Sọ Dừa, được in khoảng 1.000 cuốn, nộp lưu chiểu từ cuối năm 2013, nhưng đến nay vẫn còn trên kệ sách.
Bìa tập “Sọ Dừa”.
Chị Hồng Anh còn cho biết, một người bạn của chị từng chia sẻ bức xúc về việc chi tiết “sọ dừa” trong truyện cổ bị biến thành “sọ người” đầy phản cảm trong một cuốn sách khác.
Một trang trong tập “Sọ Dừa” của trong ấn bản của một nhà xuất bản khác.
Chi tiết “sọ người” dị bản trong truyện cổ tích tiếp tục nối dài những biến tấu gây tranh cãi trong các tập truyện dành cho thiếu nhi. Mới đây ấn phẩm Truyện cổ tích Việt Nam quyển I của Nhà xuất bản Kim Đồng (tái bản vào tháng 10/2014) bị phát hiện mang dị bản lạ đồng thời có những chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Trong đó, truyện Thạch Sanh khiến độc giả ngỡ ngàng với chi tiết mẹ nhường quần cho con. Bộ truyện “Thần thoại Hy Lạp” cũng của NXB này gây sốc với những hình vẽ lõa thể.
Những sai sót và chi tiết gây tranh cãi trong các truyện cổ nói trên là những sai phạm mới nhất được phát hiện của ngành sách những năm qua. Năm 2014, Cục Xuất bản đã xử phạt gần 400 vụ vi phạm lớn nhỏ. Trong đó có những ấn phẩm sai phạm nghiêm trọng như sách in hình minh họa không phù hợp, sách xúc phạm uy tín cá nhân và tổ chức; hoặc tác phẩm sai nhiều về nội dung như Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất…
Thất Sơn
Theo giaitri.vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: tap truyen danh, nha xuat ban, chi hong anh, tap truyen, truyen so dua, an ban, hinh anh minh hoa, truyen co tich viet nam, nxb hong duc, in kho, hinh minh hoa, do, tap so dua, chi tiet so, truyen, gay tranh cai trong, khong phu hop,