Sau đây là 20 chuyện cười bò lăn bò lê (số 81-100) của bộ truyện cười ngắn An Nam, mời các bạn đọc tiếp và thư giãn cùng Sudo Truyện nhé. =)
Truyện cười hay và hài hước nhất |
81. quan lớn bồ nhìn
82. Cờ ngoài, bài trong
83. Chẳng qua vì tiền
84. Cha nào, con nấy
85. Một đồng cũng không đáng nữa
86. Cứt chó khô
87. Lấy ngọn cấy thóc, lấy gốc trồng khoai
88. Làm biếng hai kiếp
89. Một cái lông không muốn mất
90. Vẽ mặt mà vay
91. Cưỡi ngỗng mà về
92. Thuốc nhuộm râu
93. Rắm thơm
94. Để nó ăn mặn cho nó chết
95. Anh ong chị ếch
96. Giả nợ miệng
97. Điếc đặc
98. Tranh hương hỏa
99. Xin đừng thả ra, mà hại chúng tôi
100. Mặt dày
81. quan lớn bồ nhìn
Có một anh nhà quê ra Hà Nội xem hội rằm tháng bảy. Lệ vẫn có làm ông thiên Lôi, bà La Sát, bằng giấy.
Anh nhà quê ta chợt trông thấy ông thiên Lôi ăn mặc cân đai mũ áo, tưởng là Quan Lớn, mới chắp tay khúm núm vái mãi.
Một lát giời mưa, mũ áo ông thiên Lôi phải ướt, trôi nát mất cả, trơ bộ xương hom bằng nứa ra.
Anh kia mới lẩm bẩm rằng:
– À, nó là thằng bồ nhìn! thế mà mình lại ngỡ là Quan Lớn!..
82. Cờ ngoài, bài trong
Hai anh ngồi đánh cờ chiếu tướng, ăn tiền. Có một anh đứng ngoài, cứ mách bảo hão; nói làm sao, cũng không chịu nghe.
Một anh phải nước cờ bí, sắp sửa thua. Anh đứng ngoài cứ chỉ trỏ, mách nước nọ, xui nước kia. Anh bí cờ tức mình, đứng dậy, tát anh mách đánh “đốp” một cái.
Anh mách, một tay xoa má, còn một tay cứ chỉ vào bàn cờ mà nói rằng:
– Kià, sao không gểnh sĩ, để người ta chiếu tướng, thua bây giờ?..
83. Chẳng qua vì tiền
Nhà chùa lập lệ rằng: Hễ ai muốn làm chay, thì phải đưa năm chục qua tiền, để nhà sư tụng kinh cho vong nhân được siêu sinh sang Tây Phương.
Có chị đàn bà hoá, làm chay cho chồng, cò kè chỉ đưa một nửa tiền.
Nhà sư cũng nhận, nhưng mà tụng kinh thì chỉ cầu cho sang Đông Phương. Chị ta hỏi. Nhà sư bảo rằng tại ít tiền.
Bất đắc dĩ chị ta phải đưa đủ lệ. Nhà sư mới lại niệm cho sang Tây Phương. Chị ta thấy thế, tủi thân, khóc hu hu lên rằng:
– Ới anh ơi! Chỉ vị cái đồng tiền, làm cho anh phải chạy Đông, chạy Tây! Khổ lắm, anh ơi, là anh ơi!..
84 . Cha nào, con nấy
Có một thằng con bất hiếu. Giời sai thiên Lôi xuống đánh.
Thiên Lôi vừa giơ búa thì thằng ấy vội vàng nắm tay ông thiên Lôi mà nói rằng:
– Thong thả, tôi hãy hỏi: chứ ông là thiên Lôi mới, hay là thiên Lôi cũ?
– Cũ mới, mầy hỏi làm gì?
– Ông là thiên Lôi mới, đánh tôi đã đành. Nếu ông mà là thiên Lôi cũ, thế thì ngày xưa cha tôi bất hiếu với ông tôi, lúc bấy giờ ông đi đâu?..
85. Một đồng cũng không đáng nữa
Một ông nhà giàu, không có con trai, chỉ có ba người con gái, kén chọn mãi, được ba rể, cùng nuôi ở trong nhà.
Ông ta mới cất một cái nhà ngói lịch sự quá, hoàn công thợ vừa xong, dọn dẹp đến ở.
Ngay đêm hôm ấy, rể lớn đi đánh chén say ở đâu về, gọi cửa mãi không được, phát khùng, hai tay đấm cửa mà gào rằng:
– Nhà quái gì, cửa như là cửa ngục thế này! Đẩy làm sao cũng không được! Bố vợ nghe thấy, giận lắm; hôm sau bảo với con rể thứ rằng:
– Mầy xem nó thế có tệ không! Tao làm cái nhà này tốn kém hàng trăm hàng nghìn, mà nó lại mở mồm nói độc như vậy!
Rể thứ thưa rằng:
– Cha nói thế, chứ nhà này đem lạy mà bán cho người ta lấy ba trăm, cũng chẳng ai thèm mua! Ông ta tức quá, nói chuyện lại cho con rể út nghe. Rể út đáp rằng:
– Anh ấy nói phải đấy, cha ạ! thà rằng cha gọi ai mà bán rẻ lấy vài trăm, còn hơn để đến sau cháy, thì một đồng cũng không đáng nữa.
86. Cứt chó khô
Một anh nhà khá, tính keo bẩn nhất trần đời.
Một khi, phải đau nặng, anh ta nhất định không chịu uống thuốc. Vợ lo quá, mới đi mời ông thầy lại xem mạch.
Ông thầy bảo rằng:
– Khí huyết hư nhược quá, phải dùng nhân sâm mới được. Anh ta lắc đầu, rên rỉ mà nói rằng:
– Thôi, chết thì chết, chứ lấy tiền đâu mà mua nhân sâm! Vợ bấm thầy. Thầy biết ý, mới nói dối rằng:
– Nếu thế thì có một vị này dùng cũng được. Anh kia hỏi:
– Vị gì? Độ bao nhiêu tiền?
– Vị cứt chó khô!…
87. Lấy ngọn cấy thóc, lấy gốc trồng khoai
Hai anh em làm chung một miếng ruộng. Đến ngày gặt, anh đè gặt lấy hết cả thóc, để còn trơ những gốc lại cho em.
Em tức lắm, kỳ kèo trách anh tham lam quá. Anh mới tán khéo rằng:
– Thôi, năm nay tôi lấy ngọn, chú lấy gốc. Sang năm tôi lấy gốc, chú lấy ngọn vậy.
Đến năm sau, anh có ý giùng giằng không cấy. Em giục mãi, anh ngần ngừ, rồi nói rằng:
– Năm nay tôi muốn trồng khoai sọ!..
88. Làm biếng hai kiếp
Xưa có một thằng làm biếng, thiên hạ không ai bằng. Suốt ngày nó chỉ nằm dài, không làm một việc gì cả.
Cùng bất đắc dĩ lắm; phải đi đâu, thì nó cứ đi giật lùi, để lúc về, khỏi phải quay đầu trở lại. Ngủ, thì phải người khiêng lên giừơng. Ăn, thì phải người và; mà mỗi bữa, chỉ ăn độ vài miếng thôi, sợ ăn nhiều lại phải nhai nhiều.
Đến khi nó chết, xuống dưới Âm phủ, vua Diêm vương bắt đầu thai làm kiếp mèo. Nó tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ hạ, xin cho tôi làm mèo đen, mà có đốm trắng ở mồm. Vua Diêm vương hỏi làm sao. Nó tâu rằng:
– Như thế thì tối đến, chuột không trông thấy tôi; chỉ thấy đốm trắng, tưởng là cơm, lại ăn, tôi chỉ phải há mồm cắn mà thôi, khỏi phải đi rình bắt nữa!.
89. Một cái lông không muốn mất
Một con khỉ chết xuống Âm ti, vào quỳ lạy xin vua Diêm vương siêu sinh cho lên làm kiếp người.
Vua Diêm vương phán rằng:
– Ừ, cho. Nhưng mà phải nhổ hết lông lá đi thì mới lên làm người được. Phán rồi, sai quỷ sứ đi vặt lông.
Mới nhổ một cái, con khỉ nhăn nhó rít rầm lên. Thằng quỷ tức mình, mới chửa rằng:
– Đ.. mẹ mầy! Một cái lông còn tiếc, thế cũng đòi làm người!
90. Vẽ mặt mà vay
Một anh đi vay, đem giấy chực viết văn tự. Chủ nợ bảo rằng:
– Thôi đừng bày đặt văn tự văn khế làm quái gì! Anh cứ vẽ cái mặt anh rõ hệt cho tôi thôi. Anh kia hỏi:
– Vẽ làm gì?
– Sợ lúc tôi đòi, cái mặt anh nó khác bây giờ chăng!..
91. Cưỡi ngỗng mà về
Một anh tính khí keo kiệt. Có khách ở xa đến chơi, gà vịt đầy sân, mà lại phàn nàn rằng:
– Chẳng mấy khi ông lại chơi, nhà tôi không có cái gì ăn uống tử tế để thết đãi ông, thì tôi lấy làm buồn lắm.
Người khách đáp rằng:
– Tôi có con ngựa đấy, ông đem mà làm thịt, để anh em ta cùng đánh chén cho vui.
– Thế thì đường xa, ông về bộ làm sao?
– Khó gì đấy! Ông chọn xem trong đàn ngỗng của ông, có con nào lớn, cho tôi mượn một con, cưỡi về cũng được..
92. Thuốc nhuộm râu
Con nụ còn trẻ. Chủ nhà đã già, cứ mua thuốc nhuộm râu cho đen, làm bộ còn trẻ để mà gạ. Nó biết nõm, nhất định không nghe. Chủ nhà tức quá, phát khùng, dọa nó rằng:
– Rồi ông có phép xử cho mầy!
Nó hỏi:
– Phép gì?
– Phép hãm để cho mầy bạc lông, mới gả chồng? Con nụ bĩu môi, nói rằng:
– Không cần! Đã có thuốc nhuộm râu!..
93. Rắm thơm
Có một anh tính hay nịnh quan sang.
Một hôm đương ngồi hầu chuyện, chợt ông Quan đánh “bủm” một cái, thối hoắc. Anh ta mới tán ngay rằng:
– Hứ! Mùi nước hoa ở đâu thơm thế nhỉ? Ông quan sầm mặt, buồn mà nói rằng:
– Tôi tưởng người ta ăn đồ ngũ cốc, cái hơi dưới phì ra, có thối thì mới phải. Thế mà lại thơm thì chẳng hoá ra cái điềm không lành ư?
Anh kia mới vội vàng giơ tay vợt một cái, để vào mũi, hít ngửi mà nói rằng:
– À! Bây giờ hơi thum thủm rồi!..
94 . Để nó ăn mặn cho nó chết
Một anh rất hà tiện, có hai đứa con trai hãy còn nhỏ. Một hôm bố bảo con rằng:
– Tao có nghe nói: “Ngày xưa Tào tháo đi đánh giặc, gặp phải hôm trời nắng quá; quân khát nước, khe suối không có. Trong quân xôn xao; lấy làm khó nghĩ. Tào tháo mới dụng kế, lấy tay trỏ đám xanh xanh ở trước mặt mà bảo rằng: “Đường kia có rừng mơ đấy!” Quân sĩ nghe nói đến mơ, thèm nhỏ giãi ra, đỡ khát.” Nay, nhà ta nghèo cũng nên bắt chước: cứ đến bữa ăn, đem treo một con cá mắm ở vách; hễ và một miếng cơm, thì nhìn con cá mắm một cái, thế cũng như là ăn mắm. Như vậy thì khỏi phải mất tiền mua đồ ăn.
Hai đứa con xin vâng. Ngày ngày, đến bữa cơm, cứ theo như lời cha bảo.
Một hôm, thằng bé lớn thèm con cá mắm quá, không biết làm thế nào được; nhân lúc bố nó xuống bếp, nó nhìn hai ba lần, rồi mới và một miếng cơm. Thằng em thấy thế, gọi bố mà mách rằng:
– Thưa bố, anh lớn anh ấy và một miếng cơm mà lại nhìn mắm những hai ba bận, đấy ạ! Bố bảo rằng:
– Mặc kệ nó! Để nó ăn mặn cho nó chết!
95. Anh ong chị ếch
Có một chị đa ngôn đa quá, khoang khoét ra điều ta đảm đang đây, khinh chồng chẳng làm được đỉnh chung gì.
Chồng tức lắm, mới đặt một câu chuyện nói rằng:
– Xưa, con ong làm tổ ở trên cây; dưới bụi có con ếch kêu “ồm ộp” cả đêm cả ngày. Con ong điếc tai, xin thế nào con ếch cũng không nghe, cứ “ồm ộp” hoài. Một hôm, có một người đi bắt ếch, lò rò đến, sắp xỉa con ếch. Ếch đương “ồm ộp” không trông thấy. Ong ta ở trên cây, nghĩ tình kẻ trên người dưới, mới bay vù xuống, đốt người xỉa ếch đánh nhói một cái. Người ấy đau, kêu “ái” một tiếng to. Ếch giật mình, vội vàng nhảy thoát. Ong ta mới cười ha hả, nói rằng: thế mới biết cái mồm chị không bằng cái lỗ đít tôi nhé!..
96. Giả nợ miệng
Có hai chị em gái; chị thì nghèo mà em thì giàu.
Đến khi mẹ chết, người em đứng lên một tay lo liệu làm ma, mời dân làng, hàng xóm ăn uống linh đình. Đương lúc hai chị em ngồi đáp lễ, chẳng may em vô ý để hở sự đời ra. Chị trông thấy, khóc nhiếc rằng:
– Mẹ ơi! Mẹ đi đâu, để nó bày ra, cho bêu xấu, bêu hổ, mẹ ơi, là mẹ ơi!..
Người em vô tình, tưởng rằng chị khóc mỉa mình: ra điều mình làm ma to, bày vẽ ra để bêu nhuốt chị. Cho nên mới khóc đáp rằng:
– Mẹ ơi! Con bày ra, trước là để cúng mẹ, sau là để giả nợ miệng làng xóm đấy thôi, mẹ ơi, là mẹ ơi!..
97. Điếc đặc
Một anh điếc đến chơi nhà anh em bạn. Chó nhà ấy thấy người lạ đến, sủa mãi; nhưng mà anh ta điếc đặc, không nghe thấy gì cả, chỉ thấy mõm chó hả, mới hỏi chủ nhà rằng:
– Con chó nhà bác buồn ngủ hẳn thôi!
– Sao bác biết?
– Sao nó cứ ngáp hoài mãi thế kia?..
98. Tranh hương hỏa
Một ông nhà giàu, dinh cơ vườn trại cực nhiều; duy chỉ có cái vườn trồng chuối ở đầu làng là rộng nhất và đáng tiền hơn cả.
Ông ta không có con trai, chỉ có một người con gái mà thôi; cho nên vẫn định bụng để dành phần cái vườn ấy cho đứa cháu ăn thừa tự.
Đến khi ông ta mất,ma chay to lắm; lập trạm trung-đồ ở trong vườn chuối ấy.
Lúc rước linh cữu đến, dân làng họ hàng ra tế lễ. Cô con gái ta thế nào ngồi úp nơm ngay vào cái mầm chuối, lấy làm khoái chí quá!
Tế xong, rước linh cữu ra huyệt, ai ai cũng giục cô ta đứng dậy đi theo đám. Nhưng mà cô ả cố ý ngồi đó, không chịu đứng lên, mà lại nỉ non khóc rằng: “ Cha ơi! chết con cũng không bỏ chỗ đất này!” Anh cháu ăn thừa tự nghe thấy thế, tưởng chị kia tranh cái vườn chuối âý, mới hăm hở chạy đến, đạp chị ta một cái ngã ngửa… lòi cả mầm chuối ra..
99. Xin đừng thả ra, mà hại chúng tôi
Một ông già cũng tầm thường, có một đứa con gái, người mảnh khảnh, yếu ớt, đem gả cho một anh hàng cơm sức lực khỏe mạnh. Nhà anh này thì chỉ chứa trọ những phường buôn gà buôn vịt.
Lấy nhau được ít lâu, thì người vợ xanh xao gầy mòn. Bố thấy con như vậy, biết chừng. Thương con yếu đuối phải tay đứa phũ phàng.
Một hôm, gọi chàng rể lại nhà, cho ăn cơm uống rượu, rồi sẽ bảo nhỏ rằng:
– Này con ạ! Vợ con nó yếu đuối lắm, con nên bơn bớt đi. Anh rể lỗ mãng, không hiểu là gì, hỏi lại rằng:
– Thưa cha, bớt gì?
– Đáng mười làm năm chứ !
– Mười gì ạ? Năm gì ạ?
– Đáng cả làm nửa chứ!
– À! à!…
Anh ta bấy giờ mới hiểu; xin vâng, rồi về. Đêm đến vào với vợ, theo lời ông nhạc, chỉ cho vào có một nửa mà thôi.
Vợ lấy làm khó chịu, mới hỏi:
– Làm sao hôm nay lại nửa đời, nửa đoạn thế? Chồng nói:
– Ấy ông bảo chỉ làm nửa thôi. Chị kia tức quá:
– Khéo, việc gì đến ông? Cứ làm cả đi, thây kệ ông!
Anh nọ khăng khăng: “Ông bảo thế, không nghe thế nào được” Chỉ làm một nửa, còn một nửa kia giữ lại. Chị ta bấy giờ mới điên ruột, rít lên rằng:
– Ông giữ để làm gì? Ông giữ để ông ăn à?
Vốn ông bố, tối hôm ấy đến chơi, thấy tối đèn, chắc là con và rể đã đi ngủ rồi; toan giở ra về, nhưng lại thấy trong buồng có tiếng thì thào, cho nên mới đứng lại nghe. Chợt thấy con mình nói câu đó, tức quá, quát to lên rằng:
– Thì mầy cứ thả cả ra cho nó chết có được không?
Bọn buôn gà vịt đương ngủ, mơ màng nghe thấy ông cụ nói thế, tưởng cụ đòi thả cả gà vịt của mình ra, vội vàng trở dậy, tay giữ lấy miệng lồng, mồm van lạy rằng:
– Lạy cụ, cụ có sơi con nào thì cụ sơi, xin cụ đừng thả cả ra, mà hại chúng tôi…
100. Mặt dày
Hai anh, một anh có râu và một anh không có râu. Anh không có râu, muốn xỏ anh kia, mới đố rằng:
– Tôi đố anh vật gì cứng nhất? Anh có râu nói:
– Đá với sắt cứng nhất, chứ gì!
– Không phải.
– Đá với sắt mà không cứng, thì còn gì cứng hơn nữa?
– Đá đập phải vỡ, sắt nung phải mềm!
– Vậy thì anh bảo cái gì cứng?
– Râu, chứ gì!
– Có khi nào râu lại cứng hơn sắt được! Anh nói thế, tôi không chịu.
– Anh thử nghĩ kỹ mà xem: như da mặt anh dày thế kia, mà nó còn dùi thủng ra được, thì râu không cứng là gì!
Anh có râu hiểu là anh nọ nói xỏ mình, mới đáp rằng:
– Da mặt tôi dày thật, nhưng mà cũng không dày bằng da mặt anh.
– Sao vậy?
– Bởi vì râu cứng thế, mà cũng không dùi thủng được!…
Còn tiếp..mời bạn đón đọc những câu chuyện cười ra nước mắt vào các bài đăng sau.
Đọc truyện cười từ số 61 đến 80 của bộ truyện này.