“Khi trẻ bị bệnh, có nhiều trường hợp nổi hạch. Có khi chỉ có một hạch, có khi hạch xuất hiện rải rác khắp cơ thể, hoặc ngoài nổi hạch còn có những triệu chứng khác. Vậy làm sao để biết trường hợp nổi hạch nào là nghiêm trọng, trường hợp nào không đáng lo ngại?”.
Trả lời:
Hiện tượng nổi hạch là một phản ứng thông thường của cơ thể, có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tại chỗ hoặc toàn thân.
Các nguyên nhân gây viêm sưng hạch khá phức tạp, có thể do nhiễm khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm hoặc do ung thư. Phải có hiểu biết về một số loại bệnh liên quan tới hạch mới phân biệt được. Đây là điều thực sự khó khăn đối với những người không có chuyên môn. Điều duy nhất mà bạn có thể làm là xác định được thời điểm, hoàn cảnh xuất hiện hạch và đưa trẻ đi khám.
Bác sĩ sẽ xem xét tình huống xuất hiện của hạch, số lượng, kích thước, độ chắc, độ nhạy cảm, di động dưới da, có biểu hiện viêm cấp tính (sưng, nóng, đỏ) hay không, tình trạng hạch ở các vị trí khác và dấu hiệu đi kèm. Những yếu tố này cùng với các xét nghiệm sẽ giúp xác định bệnh.
Trên thực tế, nguyên nhân gây hạch thường nằm ở vùng lân cận. Đó là hiện tượng viêm hạch phản ứng do các tổn thương không đặc hiệu (các vết thương nhiễm trùng, mụn nhọt, bệnh ngoài da, viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm răng lợi, viêm tai). Ở các trường hợp này, sau khi được điều trị khỏi bệnh, hạch sẽ tự biến mất trong vòng 1-2 tháng.
Nếu không thấy một nguyên nhân tại chỗ nào, hạch lại to, tồn tại kéo dài hoặc xuất hiện hạch ở nhiều vị trí khác trong cơ thể thì đó là hạch bệnh lý, cần được xác định nguyên nhân và điều trị ngay.
Một vài loại sưng hạch ở trẻ em cần lưu ý:
– Lao hạch: Ngoài các đặc tính như hạch sưng to, kích thước tăng dần, sờ mềm, không biểu hiện viêm tấy, đỏ đau…, bệnh còn có những biểu hiện toàn thân như sốt dai dẳng, gầy sút, mệt mỏi…
– Bệnh bạch huyết: Hạch xuất hiện nhiều nơi, da xanh, tăng nhiều bạch cầu ở máu ngoại biên, đa số là bạch cầu non chưa trưởng thành.
BS Lê Quang Hồng
Sudo Nổi Hạch