Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc ăn mặn ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch nhưng bên cạnh đó, một chế độ ăn quá nhạt cũng không hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Thói quen này là một sai lầm trong ăn uống nhiều người mắc phải.
Một ngày nên ăn muối bao nhiêu là đủ?
Muối hay natriclorua (NaCl) có lẽ là chất mà loài người không thể thiếu trong thức ăn hàng ngày, thậm chí đối với nhiều người, có thể thiếu thịt chứ không thể thiếu… muối trong bữa ăn. Ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có hại đối với tim mạch và huyết áp nhưng ăn nhạt quá dẫn đến thiếu muối thì cũng nguy hiểm không kém.
Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng quốc gia, người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn chỉ nên ăn từ 6 – 8g muối một ngày (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh…).
Ăn quá nhạt cũng gây hại sức khỏe
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc ăn mặn ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch nhưng bên cạnh đó, một chế độ ăn quá nhạt cũng không hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Thói quen này là một sai lầm trong ăn uống nhiều người mắc phải.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103, Học viện Quân y cho biết: Nếu ăn ít muối quá, cơ thể có thể bị mệt mỏi, chán ăn, dẫn tới suy giảm các chức năng của cơ quan trong cơ thể và suy giảm sức khỏe nếu để tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài.
Trong cơ thể, muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan. Điều hòa natri trong cơ thể do hoóc-môn vỏ thượng thận aldosteron (tái hấp thu Na+ và thải K+, H+ qua ống thận) và hoóc-môn vasopressin (hay ADH, hoóc-môn chống bài niệu) của tuyến hậu yên. Natri máu bình thường là 135-145 mEq/l. Muối trong máu giảm khi lượng natri máu dưới 135 mEq/l.
Một chế độ ăn ít muối là khi lượng thức ăn, nước uống trong 24 giờ đưa vào cơ thể có tổng lượng NaCl dưới 2.400mg (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê).
Nếu người bình thường chỉ sử dụng 1 – 2g muối/ngày và kéo dài thì được coi là ăn quá ít muối và có thể bị hạ natri máu.
Đối với những người ăn kiêng muối quá mức, lượng natri máu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp.
Natri máu giảm cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, chân hoặc nặng hơn: phù toàn thân.
Hạ natri máu khiến hệ cơ bị suy giảm chức năng. Các biểu hiện bao gồm mỏi cơ, liệt cơ, kiến bò, chuột rút.
Ăn quá ít muối khiến lượng natri máu giảm gây hiện tượng phù chân do nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ.
Những người nên ăn nhạt
Người bị cao huyết áp chỉ dùng 2-3 gmuối/ngày và ăn hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Nên bỏ thói quen dùng thêm bát nước mắm trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc.
Người bị suy thận, suy tim phải thực hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh; ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn, tức là không được sử dụng muối và mì chính trong chế biến cũng như tại bàn ăn, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.
Người từ 45 tuổi trở lên cũng nên ăn hạn chế muối. Chỉ cung cấp cho cơ thể lượng muối theo khuyến cáo.
Người béo cần kiểm soát lượng muối hấp thu hàng ngày vì nếu không sẽ dễ bị tăng huyết áp.
Trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho mát vào bột, cháo, vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối kém, natri bị tích tụ nhiều trong cơ thể gây không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Theo Tùng Anh
Báo Gia đình & Xã hội