Bệnh truyền nhiễm mùa hè biến đổi phức tạp

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh (đặc biệt vào mùa hè) tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Phu chia sẻ, bên cạnh những dịch bệnh được thanh toán loại trừ như đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh… thì có những dịch bệnh mới xuất hiện phức tạp. Nguyên nhân chính do sự biến đổi của các loại virus, vi khuẩn, các vấn đề cộng đồng xã hội (như điều kiện đi lại, sự giao lưu quốc tế…), vệ sinh an toàn thực phẩm

“Phòng chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà của cả cộng đồng, để các cấp ngành và đặc biệt mỗi người dân hiểu nhằm chung tay phòng chống dịch bệnh”, ông Phu nhấn mạnh. Đây là một trong những nội dung chính tại hội thảo “Tăng cường phòng chống dịch bệnh trước sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn” do Cục Y tế Dự phòng phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy tổ chức.

IMG4198JPG14191431658797jpg

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng. Ảnh: Hà Mai

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong giai đoạn năm 2010-2014, trung bình từ tháng 5 đến tháng 8, cả nước ghi nhận hơn 400.000 trường hợp bị cúm – cao nhất trong 10 loại bệnh thường gặp vào mùa hè (cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ly trực trùng, sốt rét, Adenovirut, lỵ amip, viêm não virus, thương hàn). Bệnh tiêu chảy xếp thứ hai với 252.240 ca bệnh.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè cao là do điều kiện khí hậu, nhiệt độ thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus; nóng ẩm mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch tăng cao đột biến hơn. Học sinh, sinh viên từ các thành phố lớn về quê nghỉ hè cũng có thể mang theo mầm bệnh, ví dụ như trước đây, học sinh trường Ngô Thời Nhiệm (TP HCM) mang theo những ổ cúm A về địa phương.

Theo khuyến cáo của Đại diện Cục Y tế dự phòng, người dân cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết. Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng văcxin đầy đủ, không chờ đợi vắcxin dịch vụ. Tại các điểm tiêm vắcxin dịch vụ có tiêm cả vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Các thành viên trong gia đình cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho con.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Truyền nhiễm và Bệnh nhiệt đới, Trường Vệ sinh và Bệnh nhiệt đới Luân Đôn, Anh, 480 tình nguyện viên sau khi sờ vào nắm tay cửa, lan can hành lang ở nơi công cộng được xếp thành 3 nhóm. Ở nhóm không rửa tay, 44% có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh. Ở nhóm rửa tay với nước, tỷ lệ này là 23%, ở nhóm rửa với nước và xà phòng chỉ chiếm 8%.

IMG4193JPG71401431657841jpg

Bà Claire McDonald – đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia (RSPH). Ảnh: Hà Mai

Tác hại của virus, vi khuẩn biến đổi là nỗi lo mang tính toàn cầu. Chúng rất dễ lây lan qua đường hô hấp, ăn uống, tiếp xúc bằng tay. Bà Claire McDonald – đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia (RSPH) – tổ chức sức khỏe đa lĩnh vực, hoạt động độc lập hơn thế kỷ qua cho biết, nhiều người mắc một số bệnh do virus, vi khuẩn gây nên như nhiễm trùng đường ruột, hô hấp, nhiễm trùng da…

Đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng gia Anh ghi nhận, số bệnh truyền nhiễm tăng mạnh trên toàn thế giới trong 10 năm qua. Điều này gây ra những căn bệnh kéo dài lâu hơn và với nhiều triệu chứng nghiêm trọng, vì thuốc trị những căn bệnh này không còn hiệu quả như trước. Trong đó, bệnh tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong cho 2,2 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, hầu hết dưới 5 tuổi, chiếm 4% tỷ lệ tử vong.

Bà chỉ ra, một nghiên cứu trên 2.000 cá nhân sử dụng thiết bị quay để theo dõi các hành vi, cho thấy 50% các bậc phụ huynh thú nhận trẻ con không bao giờ rửa tay sau khi đi vệ sinh, 30% thú nhận họ chưa bao giờ dành thời gian dạy con rửa tay đúng cách. Nguyên nhân là việc rửa tay chưa được thực hiện hiệu quả.

Bằng những biện pháp nghiên cứu, kết luận, một đứa trẻ chạm 89 lần vào 22 bề mặt vật thể khác nhau sau khi đi vệ sinh và không rửa tay thì đó là những mầm mống gây ra nhiễm khuẩn và bệnh.

IMG4191JPG85201431657993jpg

Buổi hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế.

Ghi nhận tại Việt Nam, ông Trần Đắc Phu cũng cho biết việc kiểm soát bệnh hiện khó khăn. Nếu trước kia, một số bệnh xuất hiện ở TP HCM không lan ra tỉnh khác, thì nay, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã có thể xuất hiện ở một số nơi. Có dịch bệnh trước đây không xuất hiện ở miền núi (tả, thương hàn…), thì hiện cũng có mặt ở khu vục này. Yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu, điều kiện vệ sinh… là những tác nhân gây dịch bệnh. Hiện một số bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, nếu không phòng kịp thời sẽ có thể sẽ lan nhanh (ví dụ như: sốt xuất huyết…).

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh cần có hình thức truyền thông thiết thực, đổi mới để nâng cao hiệu quả, giúp người dân biết, hiểu và thay đổi hành vi. Chẳng hạn để giáo dục hành vi rửa tay cho học sinh ở nhà trường, thay vì tuyên truyền suông thì có thể biến thành các điệu nhảy sinh động, gây chú ý và tạo hứng thú để các em học theo.

IMG4239JPG27901431660834jpg

Ông Trần Đắc Phu. Ảnh: Hà Mai

Sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh (đặc biệt vào mùa hè) tại nhiều quốc gia . Điều kiện khí hậu, vệ sinh cá nhân, môi trường, thiếu thuốc đặc trị và vắcxin dự phòng khiến bệnh dễ lây lan, khó phát hiện, thời gian mắc bệnh kéo dài và triệu chứng có thể nghiêm trọng.

Các bệnh gây nên do virus, vi khuẩn có thể phòng tránh bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, đầu tư 3,35 USD để rửa tay với xà phòng mang lại lợi ích tương đương với khoản đầu tư 11 USD cải tạo nhà xí và 223 USD để nối nguồn cung cấp nước cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP HCM) bày tỏ những lo ngại trong việc thay đổi thói quen rửa tay bằng xà phòng. Nhiều trẻ rửa tay ở trường nhưng về nhà lại không tuân thủ vì người lớn không làm gương. Vấn đề nhà vệ sinh trong trường học đặt ra nhiều nguy cơ vì đây là môi trường trẻ dễ mang mang mầm bệnh ra cộng đồng. Nhiều trẻ nhịn tiêu, nhịn tiểu, không dám uống nước khi ở trường dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe.

IMG4252JPG97511431662625jpg

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP HCM). Ảnh: Hà Mai

Ông Trần Đắc Phu dẫn chứng thêm, nhiều trường có nhà vệ sinh nhưng khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì lại đóng cửa, có nơi cô giáo cầm chìa khóa. Thậm chí có nhà vệ sinh không được dọn dẹp hàng ngày. “Chọn mô hình nhà tiêu phù hợp với vùng miền cực khó. Tôi và UNICEF đã nghiên cứu để cho mô hình nhà tiêu vượt lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có nhà tiêu thì phải giữ cho nhà tiêu sạch cũng là cả vấn đề”, ông thông tin thêm.

Chia sẻ thông tin của dự án hợp tác “Vì một Việt Nam khỏe mạnh” với hành trình “Nối vòng tay lớn” đến năm 2020 tại hội thảo sáng nay, bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch ngành hàng chăm sóc cá nhân và truyền thông, Unilever Việt Nam cho biết, mục tiêu của chương trình nhằm cam kết đến 2020 bảo vệ 25 triệu trẻ em Việt Nam khỏi nguy cơ do vi khuẩn, virus gây ra.

IMG4250JPGjpg

Bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch ngành hàng chăm sóc cá nhân và truyền thông, Unilever Việt Nam. Ảnh: Hà Mai

Độc giả gởi câu hỏi qua [email protected].

Thu Ngân

Theo doisong.vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: tran dac phu,

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *