Cây chó đẻ là gì và có tác dụng gì đến sức khỏe con người

Tác dụng của cây chó đẻ đến sức khỏe con người như thanh can lương huyết, sát trùng giải độc. Từ xưa, người dân của nhiều nước trên thế giới đã sử dụng  cây chó đẻ trong việc trị nhiều bệnh như viêm gan, vàng da, lậu, lở loét, vàng da…


Cây chó đẻ còn được gọi là chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng, diệp hòe thái, lão nha châu.

Đông y gọi Chó đẻ vì các bậc chân y quan sát thấy sau khi hạ sinh, chó mẹ thường tìm ăn cây này nên gọi là cây chó đẻ! Còn gọi chó đẻ là Diệp hạ châu bởi các cụ quan sát thấy cây có hạt mọc dưới lá. Các sách thuốc ghi nhận nó chữa bá chứng về gan. Tên Hán Việt khác như trân châu thảo, nhật khai dạ bế, diệp hậu châu. (diệp: lá, hạ: dưới, châu: ngọc tròn).

Có hai loại: diệp hạ châu ngọt (phyllanthus urinaria L.) và diệp hạ châu đắng (phyllanthus amarus schum et thonn), cùng họ thầu dầu (euphorbiaceae). Cả 2 loại đều giàu dược tính nên ngay từ xa xưa, 2 loại này đã được dùng làm thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây (được cắt phần trên mặt đất của cây).

Thành phần hóa học của cây chó đẻ Các nhà khoa học đã chứng minh dịch chiết của Phyllantus, có tác dụng ức chế mạnh HBV, thông qua cơ chế ức chế enzym ADNp (ADNpolymerase) của HBV,  làm giảm HbsAg và Anti- HBs.

Hinh anh Cay cho de va loi ich bat ngo so 1

Cây chó đẻ còn gọi là chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng, diệp hòe thái, lão nha châu.

Công dụng của cây chó đẻ

Chó đẻ răng cưa được nhân dân ở nhiều nước dùng để trị mụn nhọt, đinh râu, chữa rắn cắn; có thể dùng đắp ngoài, uống trong; đặc biệt còn dùng trị sốt,  lợi tiểu, đái tháo đường, u xơ tuyến tiền liệt, viêm âm đạo, khó tiêu, viêm đại tràng và chữa bệnh viêm gan vàng da. Trong những năm gần đây, trên thế giới và trong nước có nhiều công trình đã sử dụng  cây thuốc này để trị viêm gan B. Với liều 900mg/ ngày, có tới 50% yếu tố lây truyền của HBV trong máu đã mất đi sau 30 ngày sử dụng vị thuốc này.

Đông y cũng cho rằng, cây chó đẻ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát khuẩn, tốn ứ, thông huyết, điều kinh, thanh cân, hạ nhiệt…, thường được dùng làm thuốc chữa các bệnh đau gan, đau thận, bệnh về đường tiết niệu, đường ruột, bệnh chứng ở ngoài da.

Ngoài ra, cây chó đẻ còn trị được một số loại bệnh như:

Chữa viêm gan B : cây chó đẻ 30g, nhân trần 12g, sài hồ 12g, chi từ 8g, hạ khô thảo 12g, sắc (nấu) uống ngày 1 thang.

Chữa xơ gan cổ trướng thể nặng : cây chó đẻ sao khô 100g sắc nước 3 lần. Trộn chung nước sắc, thêm 150g đường, đun sôi cho tan đường, chia nhiều lần uống trong ngày (thuốc rất đắng), liệu trình 30 – 40 ngày. Khẩu phần hằng ngày phải hạn chế muối, tăng đạm (thịt, cá, trứng, đậu phụ).

Chữa suy gan (do sốt rét, sán lá, lỵ amip, ứ mật, nhiễm độc): cây chó đẻ sao khô 20g, cam thảo đất sao khô 20g. Sắc nước uống hằng ngày.

Chữa viêm gan, vàng da, viêm thận đái đỏ hoặc viêm ruột tiêu chảy, hoặc mắt đau sưng đỏ : dùng cây chó đẻ 40g, mã đề 20g, dành dành 12g để sắc uống.

Chữa nhọt độc sưng đau : dùng một nắm cây chó đẻ với một ít muối giã nhỏ, chế nước chín vào, vắt lấy nước cốt uống, dùng bã đắp chỗ đau.

Trước đó, một nghiên cứu ở  trường Đại học Y Paulists ở sao Paulo, Brazil vào năm 1990 đã cho biết cây chó đẻ chữa khỏi sỏi thận ở người và chuột thí nghiệm sau khi được cho uống trà diệp hạ châu từ 1 đến 3 tháng.

Những nghiên cứu tiếp theo vào năm 1999 cũng xác định những hoạt chất của cây chó đẻ có tác dụng gia tăng lượng nước tiểu, ngăn cản sự tạo thành những tinh thể calcium oxalate cũng như làm giảm kích thước những viên sỏi đã hình thành.

Kết quả này cũng phù hợp với những nghiên cứu sau đó cho biết cây chó đẻ có tác dụng lợi tiểu, tăng tiết mật và giãn cơ, đặc biệt là các cơ ở vùng  sinh dục tiết niệu và ống mật. Những tác dụng nầy  dẫn đến hiệu quả trục xuất sỏi. Ngoài ra, nghiên cứu  cũng cho biết tác dụng làm bể nhưng tinh thể calcium oxalate  và cả tác dụng giảm đau kéo dài của cây chó đẻ cũng hổ trợ tốt cho việc chữa sỏi thận.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng loại cây này. Theo tin tức trên VTC News, Dược sĩ T.P.T cho biết: “Nhiều người tin dược chất của cây thuốc này sẽ giúp mình được nhuận gan mật, nghĩ là có được lá gan, túi mật khỏe mạnh. Họ không hề biết cây diệp hạ châu chỉ dùng tốt cho người bị viêm gan siêu vi B, còn với người bình thường, nó vô cùng nguy hại vì gây tăng tiết mật đột biến. Ai hoạt động trong ngành y đều biết mật có tác dụng tiêu độc, nhưng khi thừa nó sẽ đọng lại ở ruột già, dồn ứ lâu ngày làm tăng nguy cơ ung thư ruột.

Về tính vị của cây chó đẻ, một số lương y, dược sĩ mà người viết tiếp xúc cho biết cây chó đẻ có tính hàn, nên có tác dụng giải nhiệt. Vấn đề ở chỗ nếu người sử dụng dùng thường xuyên và dùng nhiều là người ở thể hàn thì vô cùng nguy hại vì khi ấy, cây thuốc này không giúp họ được quân bình mà càng “hàn” hơn. Một khi cơ thể bị mất cân bằng sẽ sinh ra nhiều bệnh tật, đặc biệt làm giảm khả năng thụ thai cho cả phụ nữ và gây vô sinh cho đàn ông.

“Về chuyện gây vô sinh, đó là suy luận của một số thầy thuốc dựa trên lý luận nền tảng y học cổ truyền, điều đó có khả năng xảy ra, nhưng chưa thấy có công trình nghiên cứu nào đề cập. Riêng chuyện cây chó đẻ tối kị với phụ nữ mang thai là sự thật bởi đặc tính của cây thuốc này gây co mạch máu và tử cung, uống vào sẽ bị trụy thai. Nguy hại hơn, chó đẻ còn có tính phá huyết, dùng vô tội vạ, không bệnh mà dùng sẽ đổ bệnh nghiêm trọng” – dược sĩ T.P.T. khuyến cáo.

Bên cạnh đó, không riêng gì cây chó đẻ, việc uống độc vị (chỉ uống một vị thuốc mà không phối với các vị thuốc khác) vô cùng nguy hại. Nếu như chó đẻ có tính phá huyết (giảm hồng huyết cầu, hạ huyết áp, làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể) thì những trường hợp chỉ uống nghệ chữa đau bao tử sẽ gây hậu chứng bao tử bị bào mỏng, rau má mát nhưng chỉ thích hợp với người cao huyết áp (người huyết áp thấp uống vào sẽ bị hạ áp), cây trinh nữ hoàng cung ngăn ngừa phòng trị ung thư tử cung rất hay, nhưng uống nhiều sẽ gây nôn ói…

Có nên hái cây chó đẻ nấu nước uống thay trà hàng ngày hay không? Uống lâu ngày có tác hại gì không?
Lê Kiều Oanh, Hà Nội

Đáp:

Chó đẻ là loài cây mọc hoang khắp nơi, thường hay thấy nhất ở bờ ruộng, ven đường, vườn đất hoang, các sườn núi, … Cây còn có tên là “chó đẻ răng cưa”, “trân châu thảo”, “diệp hạ châu”, “thập tự trân châu thảo”, “nhật khai dạ bế” (ngày mở đêm đóng), “âm dương thảo”, “lão nha châu”, “rút đất”, “khao ham” (Tày), “prak phle” (Cămpuchia), … tên khoa học là Phyllanthus urinaria L. (Phyllanthus cantoniensis Hornem.), thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Cây chó đẻ là một loại cỏ mọc hàng năm, cao chừng 30cm, thân gần nhẵn, mọc thẳng đứng, phân ra nhiều nhánh. Lá mọc so le, xếp 2 dãy sít nhau giống như một lá kép, phiến lá thuôn hình bầu dục, cuống rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu, hoa đực mọc ở nách gần phía ngọn, hoa cái mọc ở phía dưới cành. Quả nang hình cầu mọc ở dưới lá, khi chín màu hồng, treo lủng lẳng như chuỗi hạt châu, do đó có tên là “diệp hạ châu” (“diệp” = lá, “hạ” = dưới, “châu” = hạt ngọc, nghĩa là hạt ngọc dưới mặt lá). Hạt ba cạnh, hình trứng, màu nâu nhạt, có vân ngang. Người ta thường nhổ toàn cây, hoặc cắt toàn bộ phần trên mặt đất, mang về làm thuốc. Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa Hạ và mùa Thu. Thường dùng tươi, có khi phơi khô.

Theo Đông y: Cây chó đẻ có vị đắng, tính mát; vào 2 kinh Thủ thái âm Phế và Túc quyết âm Can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bình can minh mục (điều hòa chức năng gan, sáng mắt), lợi thủy, thoái hoàng (chống vàng da), giải độc, … Dùng chữa viêm ruột, kiết lỵ, viêm gan truyền nhiễm, viêm thận phù thũng, viêm nhiễm đường tiết niệu, trẻ cam tích, mắt đỏ đau sinh màng mộng, các chứng ung nhọt và thũng độc không rõ nguyên nhân.

Liều dùng hàng ngày: 20-50g cây khô (40-100g tươi); dùng ngoài không có liều lượng.

Trong hệ thống phân loại thuốc Đông y, chó đẻ không thuộc loại nhóm thuốc bổ, mà được xếp trong nhóm thuốc “Lợi thấp thoái hoàng” (chống vàng da do thấp tà). Nói cách khác, chỉ nên sử dụng trong trường hợp có bệnh, chứ không nên nấu nước uống thường xuyên.

Đông y cổ truyền cho rằng: Chó đẻ là loại thuốc đắng mát, người “ Dương hư thể nhược ” (cơ thể suy nhược thể Dương hư) sử dụng cần hết sức thận trọng.

Kết quả nghiên cứu về tác dụng phụ của Đông dược những năm gần đây cho thấy, sử dụng lâu ngày cây chó đẻ có thể dẫn tới trạng thái bệnh lý có tên là “ Hao khí tổn Dương “. Người không chuyên về Đông y có thể nhận biết được trạng thái này qua các biểu hiện như mệt mỏi, da xanh xao, tinh thần uể oải, đầu choáng, mắt hoa; hoạt động một chút là vã mồ hôi (nhiều nhất ở trên đầu), thở gấp, hụt hơi, đôi khi phải há miệng để thở; buồn ngủ, tinh thần thiếu tập trung, khả năng tư duy giảm sút; chán ăn, đau bụng, ỉa chảy, …

Tóm lại: Không nên dùng cây chó đẻ nấu nước uống giải khát thay trà.

Tuy nhiên, chó đẻ là loại cỏ chữa được nhiều chứng bệnh, nhất là những bệnh thường xuất hiện mùa Hè. “Thuốc vườn nhà” xin giới thiệu một vài cách sử dụng để bạn tham khảo:

(1) Chữa mắt sưng đỏ, đau: Dùng cây chó đẻ tươi 40g, mã đề 20g, dành dành 12g; sắc nước uống trong ngày, liên tục 5-7 ngày.

(2) Chữa kiết lỵ, ỉa chảy: Dùng cây chó đẻ tươi 80-100g, thêm 500ml nước, sắc còn 200ml; chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối; trẻ nhỏ giảm bớt liều. Thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại một bệnh viện ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, trong số 36 ca có 12 ca hiệu quả rất rõ, 23 ca khỏi bệnh, 1 ca không có tác dụng, có người uống 2 lần đã khỏi.

(3) Chữa viêm gan mạn tính do vi rus HBV: Dùng toàn cây chó đẻ 20g, gan lợn 200g băm nhỏ; nấu lên, uống nước đặc, uống trong nhiều ngày.

(4) Chữa xơ gan cổ trướng: Lấy lá cây chó đẻ sao vàng, hạ thổ; sắc uống liên tục trong 5-7 ngày.

(5) Chữa nhọt độc sưng đau: Chó đẻ một nắm, thêm vài hạt muối vào giã nát; chế nước đã đun sôi vào vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên chỗ đau (Theo “ Bách gia trân tàng “).

(6) Chữa vết thương ứ máu: Lá và cành chó đẻ, mần tưới – mỗi thứ 1 nắm; tất cả đem giã nhỏ, thêm đồng tiện (nước tiểu bé trai) vào vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ vết thương; nếu có điều kiện thì hòa thêm 8-12g bột đại hoàng vào càng tốt (Theo “ Hoạt nhân toát yếu “).

(7) Chữa vết thương chảy máu: Lấy cành và lá chó đẻ răng cưa trộn với vôi giã nhỏ; đắp vào chỗ vết thương (Theo “ Bách gia trân tàng “).

(8) C hữa lở loét, vết thương không liền miệng: Lá chó đẻ răng cưa, lá cây đuôi tôm (thồm lồm) – 2 thứ bằng nhau; thêm 1-2 nụ đinh hương vào giã nát; đắp vào vết thương (Theo “ Bách gia trân tàng “).

(9) Bị chó dại cắn (tham khảo): Trường hợp chẳng may bị chó dại cắn mà ở xa cơ sở y tế, có thể nhổ 5-6 cây chó đẻ răng cưa tươi sắc với nước uống, đồng thời dùng cành lá chó đẻ giã nát cùng với cơm nguội, đắp vào chỗ vết thương (Theo “ Trung dược đại từ điển “).

Lương y HUYÊN THẢO

Blogsudo Tổng Hợp

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *