Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch của một sinh vật biển có niên đại 480 triệu năm ở đông nam Morocco.
Mô phỏng hình dạng của sinh vật biển khổng lồ. Ảnh:Yale University
Hóa thạch sinh vật biển khổng lồ được gọi là Aegirocassis benmoulae, theo tên người phát hiện Mohamed Ben Moula, một nhà săn tìm hóa thạch người Morocco. Với hình dáng giống một con tôm hùm khổng lồ chiều dài 2m, sinh vật này sở hữu nhiều đặc điểm đầu dài, thân mình chia nhiều đoạn với các khe trên lưng và bộ vây dọc theo hai bên cơ thể.
Theo các nhà khoa học, sinh vật khổng lồ này tồn tại cách đây 480 triệu năm, có thể giữ kỷ lục lớn nhất Trái Đất trong thời kỳ nó sống.
“Với kích thước khổng lồ và hình dáng lạ lùng, tôi cho rằng hầu hết mọi người sẽ hoảng sợ khi bắt gặp nó dưới nước”,Huffington Postdẫn lời tiến sĩ Peter Van Roy, nhà cổ sinh học tại Đại học Ghent, Bỉ, tác giả chính của bài báo về hóa thạch, nhận định.
Aegirocassis benmoulae có họ hàng với “anomalocaridids”, tổ tiên xa xưa của loài giáp xác hiện đại. Tuy nhiên, trái với loài săn mồi “anomalocaridids”, sinh vật này lại khá hiền lành. Nó chỉ lọc nước biển để ăn động vật phù du. Giới khoa học nhận định đây có thể là động vật có bộ lọc lớn nhất từng được phát hiện.
Hóa thạch vừa khai quật được đánh giá là có nhiều ý nghĩa trong tìm hiểu quá trình tiến hóa. Bộ vây dài dọc theo cơ thể của Aegirocassis benmoulae có thể là tiền thân cho hai bên thân của loài giáp xác hiện đại ngày nay.
Thu Hiền
Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: nha khoa hoc, sinh vat bien khong lo, sinh vat, the, aegirocassis benmoulae,