Món chay ngon ở 3 miền của đất nước

Giữa không gian mang đậm phong cách Phật giáo, bạn có thể cùng gia đình thưởng thức vị ngon của các món chay và cảm nhận sự tĩnh tâm trong lòng.

Một số người ăn chay vì tình trạng sức khỏe, tôn giáo, số khác ăn chay vì muốn giảm sát sinh cho lòng thanh tịnh. Dù lý do bạn ăn chay là gì, đó cũng luôn là điều đáng khuyến khích. Nếu tối nay bạn muốn ăn món chay, hãy thử đến những địa điểm dưới đây và chọn cho mình một bữa ăn thuần chay.

Ăn chay với người Sài Gòn:

Vừa cầu nguyện, vừa ăn chay để phát triển lòng từ tâm với muôn loài, bớt sát sinh là lối sống đẹp đang được nhân rộng ở Sài Gòn. Trong ngày rằm, người ta không chỉ ăn chay ở chùa mà còn ăn chay tại gia hoặc tại các quán chay đang mở ra ngày một nhiều. Cùng điểm qua những quán chay ngon tại Sài Gòn nhé!

1. Quán chay Ấn Tâm

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào quán là một màu xanh mát của cây cỏ, tóc tiên thả rơi trong gió và chú chó hiền lành đứng chờ dưới chân. Quán được trang trí tỉ mỉ và kỳ công với những bức họa Phật giáo, tranh thư pháp nghệ thuật và cảnh thiên nhiên yên bình. Bàn ăn thấp kiểu ngồi bệt trên nệm. Dưới ánh sáng vàng, khung cảnh quán ấm áp khiến du khách nhẹ nhõm.

antam46051416898458jpg

 Món ăn được chăm chút từ hương vị đến cách bày trí. Ảnh: Ấn Tâm

Có rất nhiều món tuyệt ngon mà bạn nên thử qua như lẩu bốn mùa, lẩu bát nhã, gỏi nấm bào ngư, hoa cuộn mùa xuân… Giá chỉ từ 30.000 đồng đến 135.000 đồng, được đánh giá là rẻ nhưng chất lượng tinh khiết. Ngoài ra, khi dùng xong, bạn còn có thể ăn qua món tráng miệng như chè long nhãn, chè hạt sen hay uống sữa đậu nành. Những ai từng ăn ở đây, đều chấm điểm cao về không gian an bình lẫn vị ngon của thức ăn. Quán khá đông khách vào những ngày đầu tháng hoặc Rằm.

Địa chỉ: Số 18 đường A4 (khu K300 – Cộng Hòa), phường 12, quận Tân Bình.

2. Quán chay Hoa Đăng

Nằm trên đường Huỳnh Khương Ninh, quán chay Hoa Đăng có vị trí hơi khó tìm nhưng lại là địa điểm khá quen thuộc dành cho những người thường ăn chay. Không gian quán khá rộng rãi, thoáng và thoải mái. Các món ăn đều được làm từ thực phẩm hữu cơ. Bạn có thể gọi một số món ăn nổi trội ở đây như nấm đông cô kho tộ, súp ngũ vị trái dừa, gỏi hoa đăng, nấm rơm chiên giòn. Giá món ăn trong quán từ 55.000 đồng đến 75.000 đồng, phục vụ khá tận tình, chu đáo.

hoadang487271416898459jpg

Vài món ăn trong Hoa Đăng, nấm đông cô kho tộ hoặc cơm sen. Ảnh: Foody

Địa chỉ: 38 Huỳnh Khương Ninh, quận 1

3. Quán chay TIB

Đây là một quán chay đặc biệt theo phong cách Huế, đã mở từ rất lâu và trở thành địa điểm được nhiều người truyền tai nhau. Món ăn ở đây được nêm nếm rất ngon, vừa miệng và một phần ăn khá nhiều. Bạn nên thử qua đậu hủ kho nấm, phù trúc chiên (khá lạ nhưng lại là món ngon tuyệt), cuốn diếp, cơm âm phủ, gỏi mít… Bên cạnh những món ăn ngon, không gian của quán cũng rộng rãi, mộc mạc.

anchay45661416898459jpg

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một bữa ăn chay hấp dẫn tại quán chay TIB phong cách Huế. Ảnh: cunganchay

Nói thêm về món ăn, nhiều thực khách thường nhắc đến cuốn diếp. Món này được cuốn rau tươi xanh bên ngoài, phía trong có bún, đậu hủ và rau củ. Cuốn được cuộn chắc tay, bạn chỉ việc chấm vào tương và cho vào miệng. Tương chấm tại quán rất ngon do tự làm chứ không phải mua sẵn bên ngoài. Những món ăn ở đây có giá trung bình từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng.

Địa chỉ: 89 – 91 Phan Kế Bính, quận 1

Ngày rằm, mùng 1, ngoài việc mua lễ lên chùa thắp hương, mình cũng ăn chay. Quả thật thấy tâm hồn thanh thản hơn! Nếu có thời gian các bạn nên nấu những món chay đơn giản tại nhà còn nếu không có thể ra quán.

Ăn chay với người Hà Nội

Với quan niệm ăn chay tốt cho sức khỏe, ăn chay để nuôi dưỡng tâm thiện, nhiều gia đình đã hình thành thói quen ăn chay thường xuyên

Nếu trước đây nhiều người có quan niệm ăn chay chỉ dành cho phật tử thì ngày nay ăn chay đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo được rất nhiều người hưởng ứng. Người Hà Nội không chỉ lên chùa ăn chay vào những ngày rằm, mồng 1 mà ngay cả ngày thường nhiều người cũng ăn chay như một thói quen có lợi cho sức khỏe.

Đã qua rồi cái thời ăn chay khổ hạnh chỉ có rau muống, lạc rang. Món chay nay cũng có đủ loại từ những món bình dân đến cao lương mỹ vị. Người Hà thành từ chỗ chỉ lên chùa ăn chay thì nay ăn chay đã trở thành một phong tục đẹp với nhiều phương thức khác nhau.

Cơm chay nơi cửa thiền

Là một thành phố cổ kính, Hà Nội có đến hàng trăm ngôi chùa khác nhau. Vào những ngày rằm, mông một hay bất cứ ngày lễ nào trong năm nếu có dịp đến cửa chùa vãn cảnh, thắp hương, khách đều nhận được lời mời ở lại dùng bữa cơm chùa. Chỉ là bữa cơm đạm bạc, rau dưa nhưng trong không gian thanh tịnh của những ngôi chùa trong phố, thực khách ai nấy đều tỏ vẻ hài lòng.

Nhiều phật tử, việc hàng tháng đôi ba lần dùng cơm với nhà chùa đã trở thành thói quen. Thêm vào đó, lên chùa vừa được nghe giảng đạo lý, được tận hưởng không gian yên bình, trút bỏ mọi phiền muộn của cuộc sống nên ngày càng nhiều người tìm đến cửa Phật như một chốn để giãi bày, giải tỏa.

Cơm chay chốn hàng quán 

Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo thực khách, các món chay cũng được đưa vào phục vụ trong hàng quán hay những nhà hàng sang trọng. Khác với những món ăn dân giã nơi cửa chùa, đa phần tiệc chay tại nhà hàng đều phong phú hơn cả về nguyên liệu, cách chế biến, số lượng món ăn. Tại Hà Nội, nhà hàng phục vụ cơm chay ngày càng nhiều từ những quán ăn bình dân cho đến những nhà hàng sang trọng có quy mô lớn. Phong cách phục vụ tại những nhà hàng cũng đa dạng, có những nơi không gian thanh tịnh mô phỏng chốn cửa thiền nhưng cũng có những nơi ồn ào như vẻ vốn có của chốn trần tục

Đa phần người dân ban đầu tìm đến món chay với quan niệm chúng có lợi cho sức khỏe, giúp trẻ lâu mà lại không tăng cân. Nhiều người thi thoảng chán thịt, chán những món mặn muốn “đổi gió” thì tìm đến món chay cho thay đổi khẩu vị. Sau một vài lần thưởng thức thành quen, lâu không ăn lại thấy nhớ.

Một điều dễ nhận thấy trong một vài năm gần đây đó là số lượng người trẻ tìm đến cơm chay ngày càng nhiều. Buổi trưa ghé qua một số nhà hàng chay tại Hà Nội như Việt Chay Thăng Long, Kim Cương, Hoàng Gia…thấy đa phần khách hàng đều là dân văn phòng rủ nhau đến thưởng thức những món chay lạ miệng.
Món chay vào bếp gia đình 

Phật tại tâm, thế nên nhiều người không đợi đến rằm, mồng một hay khi nhà chùa tổ chức lễ mới ăn chay, họ tự tay chế biến món chay ngay trong chính căn bếp nhà mình. Chế biến món chay không mấy phức tạp nhưng đòi hỏi công phu và sự sáng tạo, chính vì thế đa phần các bà nội trợ muốn thành công đều phải qua lớp học hoặc tự đọc sách tại nhà. Nguyên liệu chay là ngũ cốc, rau quả đơn giản và dễ tìm. Đặc biệt, thực phẩm chay bán khá rộng rãi tại những cửa hàng, siêu thị và đều được chế biến sẵn.

Với quan niệm ăn chay tốt cho sức khỏe, ăn chay để nuôi dưỡng tâm thiện, đem lại hạnh phúc yên bình cho mọi người, nhiều gia đình đã hình thành thói quen ăn chay thường xuyên.

Theo quan niệm của Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng can lành và mở rộng tình yêu thương bao la đối với mọi loài. Nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, tránh được nhiều bệnh nan y. Hiểu được những điều đó, cộng thêm nhu cầu ăn uống khác nhau mà ăn chay ngày càng được ưa chuộng, nhất là đối với người Hà Nội nổi tiếng sành ăn và thanh lịch.

Ăn chay với người Huế

Ăn chay đâu chỉ là một phương thức dưỡng sinh. Những năm gần đây, ăn chay đã trở thành một nét văn hoá ẩm thực thú vị cho du khách đến Huế, đặc biệt là vào những ngày lễ.

Huế, thành phố có nhiều chùa chiền. Ở nông thôn, mỗi làng đều có chùa, gọi là “chùa làng”. Từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, hoàng tộc đã ăn chay. Các hoàng thân đều xây chùa riêng làm công đức. Tại đàn Nam Giao có một khu nhà đồ sộ tên là Trai cung để vua lên ở, ăn chay trước khi tế trời. Cố đô Huế có cả những người không đi chùa, nhưng ăn chay bốn ngày trong một tháng. Vì thế “truyền thống” ăn chay trong gia đình, rất phổ biến ở Huế.

Nấu cỗ chay rất tốn công, thời gian mất gấp đôi cỗ mặn.

Đến Huế, dù ở thành phố hay nông thôn, du khách có thể thưởng thức món chay ở khắp nơi. Món chay ngon, thanh đạm mà vẫn tốt cho sức khoẻ, lại rẻ. Muốn dùng thử, vào chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu (chỉ bán món chay ngày mùng 1, ngày rằm), với đủ món chay “giả mặn”. Về các chợ quê cũng có món chay. Đến bánh chưng, bánh tét, bánh canh, bún, phở, bánh bèo, nậm, lọc bán rong trên đường phố; những ngày rằm, mùng 1 cũng nấu kiểu chay.

Đến vùng phụ cận phía tây Huế, được mệnh danh là khu phố “chùa chiền”, dọc theo các phố cổ Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Thuỷ Xuân, cứ vài bước chân du khách sẽ thấy một quán bán món chay. Món chay ở đây bán theo kiểu buffet, có hàng chục món để chọn, giá bình dân. Không hề thua kém ẩm thực cung đình Nguyễn, món chay ở Huế thật sự ngon và hấp dẫn về hình thức. Những đầu bếp nổi tiếng ở Huế cho biết nấu cỗ chay rất tốn công, mất thời gian gấp đôi cỗ mặn. Nào làm chả bằng quả chuối mật nấu chín, bóc vỏ, giã nhỏ với gia vị, bột thính, xong trộn đều với bí đao thái hột lựu, gói lá chuối đem hấp. Miếng chả quế cắn ra mới biết là khuôn đậu, trên mặt phết phẩm màu đem hấp. Sườn rán là khoai lang, vỏ đậu xanh bọc ngoài, chiên vàng. Con cá lóc da khía trông như thật được làm từ quả chuối xanh tẩm gia vị. Dĩa chả ram chỉ là nấm, miến tàu, gói bánh đa nem…

Người nấu chay giỏi đến quả mít non cũng thành thịt gà bóp tiêu muối, rau răm y như thật… Mà đâu chỉ nhà hàng chay sang trọng, vào bất cứ chợ bình thường nào cũng thấy dù chỉ là một sạp hàng nhỏ, vẫn bày bán ít nhất 30 – 50 món chay hương vị đậm đà. Đặc biệt màu sắc các món ăn thật đẹp mắt.

Nếu đến các khu phố đông đảo khách du lịch ở bờ nam sông Hương như Phạm Ngũ Lão, Đội Cung, Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ sẽ gặp các tiệm bán thức ăn chay bài trí rất thanh nhã, tên hiệu Bồ Đề, Tịnh Tâm, An Lạc, Tịnh Bình…

Tuy phải chế biến tỉ mỉ, công phu nhưng món chay rẻ hơn món mặn khoảng 20.000 – 30.000 đồng/món. Những hàng chay sang trọng hơn, chế biến bằng nguyên liệu và gia vị từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore… tất nhiên giá cũng mắc hơn, thường phục vụ đối tượng du khách nước ngoài.

Khi chiều về là lúc phố ăn chay ở Huế nhộn nhịp. Những hàng chay tấp nập du khách đến ăn tối, thưởng thức các món chay kho nấu kiểu Huế.

Blogsudo Tổng Hợp

Từ khóa tìm kiếm: chi, an chay da, du khach, an chay, mon chay, ban mon chay, chay o hue, gap doi co man, hang chay sang trong, nhung hang chay, ban co the, vi ngon, an chay vi, bua an, ban nen thu qua, an quan kha, quan chay hoa dang, hoa dang nam, huynh khuong ninh quan, nhung lai, nam dong co kho to, mon an trong, quan chay tib, phong cach hue, mon an o day, nhung mon an,

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *