Người mẫu béo và cuộc chiến giành vị trí ở làng mốt

Gia nhập làng mốt đã lâu nhưng người mẫu ngoại cỡ vẫn chưa thực sự có tiếng nói trong ngành công nghiệp thời trang.

Sau hàng loạt tuần thời trang, chiến dịch quảng cáo liên quan đến người mẫu ngoại cỡ, thông tin Robyn Lawley được chọn làm gương mặt “plus-size” đầu tiên trên ấn phẩm Sports Illustrated Swimsuit Issue 2015 vẫn trở thành sự kiện chấn động trong làng mốt. Theo một số người trong giới chuyên môn, đây có thể là dấu hiệu chuyển biến tích cực, cho thấy áp lực về vóc dáng hoàn hảo với phụ nữ nói chung và người mẫu nói riêng đã phần nào thuyên giảm.

Tuy vậy, theo Washington Post, sự xuất hiện của Robyn Lawley trên Sports Illustrated Swimsuit Issue không nói lên điều gì tích cực. Sở hữu size quần áo 12 theo chuẩn Mỹ (tương đương ba vòng 99-81-105 cm), cô vẫn bị coi là quá nhỏ so với kích thước của một phụ nữ Mỹ có thân hình ngoại cỡ, thường là size 14 (tương đương ba vòng 104-86,5-110,5 cm). Theo định nghĩa của giới kinh doanh thời trang, từ “ngoại cỡ” ám chỉ những người có kích thước quần áo dao động từ size 14 đến 24.

Các chuyên gia cho biết, việc sử dụng người mẫu có thân hình nhỏ hơn kích thước quần áo không mấy lạ lẫm trong ngành công nghiệp thời trang. Để bán được hàng, không ít nhà mốt sẵn sàng sử dụng tiểu xảo nhằm làm thân hình người mẫu trông lớn hơn nhưng vẫn phải đảm bảo gương mặt thon gọn. Điều này khiến một số khách hàng lầm tưởng họ thực sự có thể trở thành những người mẫu như trong các chiến dịch quảng cáo. Vô hình trung, mỗi một xu hướng thời trang, làm đẹp dành cho phụ nữ ngoại cỡ nổi lên đều ngoài tầm với vì quá thiếu thực tế.

Robyn Lawley vừa được ấn phẩm

Robyn Lawley vừa được Sports Illustrated Swimsuit Issue lựa chọn trở thành người mẫu ngoại cỡ đầu tiên chụp hình cho hãng. Ảnh: Huffingtonpost.

Nhiều công ty quản lý khẳng định họ sở hữu những người mẫu thân hình lớn hơn nhưng vấn đề mấu chốt là không đối tác nào chịu thuê.

Từng thuê người mẫu plus-size vào những năm 1990, thời thịnh hành của mẫu mình dây, một nhà quản lý tâm sự: “Ai ai khi đó cũng đều cười vào ý tưởng dùng người mẫu ngoại cỡ của chúng tôi”. Cả thành phố New York lúc bấy giờ chỉ có ba công ty quản lý đưa ra khoảng 50 gương mặt mẫu béo ra thị trường.

Hiện tại, số lượng người mẫu ngoại cỡ hoạt động trong các công ty quản lý lớn, nhỏ trên thế giới đã được cải thiện đáng kể, về số đo lẫn vóc dáng. Song tình hình không tiến triển hơn nhiều so với khi xưa. Hầu hết các sàn catwalk vẫn đưa ra những quy chuẩn quá khắt khe, ngặt nghèo về thân hình của người mẫu. Năm 2009, nhà thiết kế Ralph Lauren từng thẳng tay sa thải Filippa Hamilton vì “thừa cân”. Lúc ấy, người mẫu này chỉ mặc đồ size 4 (tương đương ba vòng 81-61-89 cm). Không chỉ Filippa Hamilton, các gương mặt đình đám như Coco Rocha hay Gemma Ward cũng từng mất việc vì lý do tương tự. Coco Rocha từng bị đánh giá là “quá to lớn” khi không thể mặc vừa đồ size 4 còn Gemma Ward mất nhiều cơ hội nghề nghiệp khi không thể xỏ vừa đồ size 0 (tương đương ba vòng 76-56-81 cm).

Một số nguồn tin cho biết, ngay cả các nhà khai thác quảng cáo trên báo, tạp chí cũng không chấp nhận người mẫu size 16 (tương đương ba vòng 109-93-115,5 cm) trở lên tham gia vào các chiến dịch.

Sự cứng nhắc trong việc phân định kích thước quần áo khiến không ít người mẫu bị áp lực

Sự cứng nhắc trong việc phân định kích thước quần áo khiến không ít người mẫu gặp áp lực phải giảm cân, ăn kiêng “hành xác” để có cơ thể đạt chuẩn. Ảnh: Blogspot.

Bản thân người trong giới vẫn còn cứng nhắc trong việc phân định kích thước, số đo của người mẫu.

Robyn Lawley kể, hồi mới vào nghề, cô không được ưu ái vì không sở hữu cơ thể giống người mẫu khác. “Tôi cố hết sức để có thân hình như người mẫu size chuẩn nhưng tôi nghĩ, những người khác không nhận ra thế giới thời trang quá cực đoan. Karlie Kloss có cùng chiều cao với tôi nên họ buộc tôi phải có số đo giống hệt cô ấy mới được phép trở thành người mẫu. Tôi không hiểu sao người ta cứng nhắc như vậy”, người mẫu tâm sự.

Hậu quả của sự cực đoan về cái đẹp khiến không ít người mẫu phải ép mình vào những chế độ luyện tập, ăn kiêng “hành xác”. Nghĩ lại về những năm tháng khổ sở để giữ vóc dáng, Robyn Lawley hoàn toàn không hối tiếc khi quyết định trở thành người mẫu ngoại cỡ. Cô hồi tưởng: “Giây phút đầu tiên khi bạn cho phép mình thưởng thức mọi loại đồ ăn thực sự, không phải tránh đồ nhiều sữa, chất béo, đó là lúc bạn thấy hạnh phúc hơn nhiều. Tôi thề không bao giờ ăn kiêng như cái thời phải chịu đựng cách đây 6 năm nữa”.

Robyn Lawley

Robyn Lawley từng bị không ít công ty quản lý từ chối vì cơ thể không đạt chuẩn. Ảnh: Eonline.

Dù nghề mẫu béo chưa được chấp nhận rộng rãi, không ít người trong giới tin tưởng về sự phát triển cũng như sức ảnh hưởng của những thân hình đầy đặn.

Nhiều tuần lễ thời trang dành cho người mẫu ngoại cỡ bắt đầu được tổ chức ngày một rộng rãi hơn trên thế giới. Các công ty quản lý lớn cũng bắt đầu nghĩ đến việc loại bỏ các loại mác phân biệt người mẫu dựa trên kích cỡ để khách hàng có được sự lựa chọn khách quan nhất, đi đầu là IMG Models. Một số hãng như Take Jag Model – một nhánh của Ford Models chuyên về người mẫu ngoại cỡ – bắt đầu giới thiệu các gương mặt size từ 6 đến 20. Một công ty khác là MiLK Model Management mới đây cũng gây chú ý khi trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành công nghiệp thuê người mẫu mặc đồ size 22, cô tên Tess Holliday.

Trong khi đó, những người mẫu như Robyn Lawley lại là nguồn động viên về tinh thần để các cô gái trở nên dũng cảm hơn trong việc lựa chọn để có một cơ thể khỏe đẹp đúng nghĩa. Những câu chuyện liên quan đến bệnh biếng ăn và các chứng rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến tính mạng của giới mẫu cũng là lời cảnh tỉnh đến các nhà thiết kế, hãng mốt cũng như các nhân vật quyền lực trong giới thời trang.

“Bạn không cần giảm cân, bạn chỉ cần là bạn, bạn hoàn hảo theo cách của riêng mình”, Robyn Lawley dùng lời của người quản lý đã giúp cô có được như ngày hôm nay để nhắn nhủ tới mọi người.

Thành Trương

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *