Thành phố luôn rộng lớn và lòng người vẫn thường hạn hẹp nhưng chỉ có gia đình luôn đủ bao dung để mở rộng con đường cho bất cứ đứa con nào ra đi rồi trở lại.
Cô nói với tôi, cô không còn nơi nào để trở về. Bất giác giật mình. Từ bao giờ, phụ nữ đi lấy chồng, họ lại đánh mất ngôi nhà của mình như thế? Từ bao giờ, phụ nữ bị phản bội, bị ruồng bỏ, bị đánh đập lại phải từ bỏ đi nơi đã sinh ra mình? Vì miệng lưỡi thiên hạ hay vì lo sợ cha mẹ không thể chấp nhận đứa con gái – đã – từng – là – của – ai – đó?</p>
Bỗng nhiên, cái cảm giác xót xa dâng trào trong lòng tôi. Có lẽ, cô chọn cách ra đi, lang thang trên đường phố hoặc thuê một phòng trọ nào đó trong thành phố này để tá túc vài đêm, nhưng rồi cô cũng sẽ phải về, bởi vì nhà là nơi ra đi để trở về.
Thành phố luôn rộng lớn và lòng người vẫn thường hạn hẹp nhưng chỉ có gia đình luôn đủ bao dung để mở rộng con đường cho bất cứ đứa con nào ra đi rồi trở lại. Đâu đó trên đường phố xa lạ, bạn hoặc tôi trong lúc cô đơn nhất, đều văng vẳng trong đầu tiếng gọi từ xa xôi: “Về đi con… Bố mẹ đợi”.
Về đi con, về đi con… Nhà đâu phải là thứ để dễ dàng từ bỏ, dễ dàng quay lưng, ngay cả khi đứa con ấy có gây ra trọng tội, có bị người đời xa lánh, coi khinh, ở ngôi – nhà – của – ký – ức – tuổi – thơ – ấy, chúng ta vẫn chỉ là đứa trẻ của lần đầu tập đi vấp ngã, ngoảnh lại sau lưng, vẫn thấy cha mẹ đứng chờ, cổ vũ và sẵn sàng nâng đỡ cho chúng ta đứng dậy sau mọi lỗi lầm.
Khi còn độc thân, khi còn trẻ tuổi, chúng ta chỉ muốn được phá bỏ mọi rào cản, vượt qua mọi sự ngăn cấm, ràng buộc của cha mẹ, chúng ta khao khát tự do, khao khát kiếm tìm cơ hội khẳng định mình. Chúng ta bồng bột, nông nổi và dại khờ biết mấy khi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của mẹ, trách móc và giận hờn trước ánh mắt nghiêm khắc của cha, chúng ta chỉ muốn được độc lập đi riêng một con đường, từng có lúc xem thường và cười nhạo trước những kinh nghiệm “lẩm cẩm” của người già.
Nhưng trong khoảnh khắc đau thương nhất, người mà chúng ta từng tin là tình yêu định mệnh, là hạnh phúc một đời quay lưng, chúng ta chợt nhớ da diết vòng tay ấm áp của mẹ, ánh nhìn bao dung của cha. Hình như đã lâu rồi, sau rất nhiều cuộc rong chơi, chúng ta chợt nhìn lại, khuôn mặt mẹ đã nhiều thêm những vết nhăn thời gian, mái tóc cha đã bạc đi nhiều những gánh nặng cuộc đời.
Và tại sao chúng ta không thể trở về khi đó vẫn luôn là ngôi nhà duy nhất của mình? Ngôi nhà không thay tên đổi chủ, không chia lìa máu mủ dù có thay đổi đi bao nhiêu số nhà, địa chỉ, có dài thêm nhiều khoảng cách địa lý và trải qua bao bụi mờ của thời gian.
Trở lại với cô gái trong câu chuyện ở trên, có lẽ, cô không phải là người duy nhất, trong khoảnh khắc tuyệt vọng từng nghĩ mình không còn nơi nào để về. Có thể, những định kiến của tàn dư phong kiến vẫn còn vương vãi đâu đó trong xã hội hiện đại này, khiến những cô gái bước chân về nhà chồng phải nghĩ cả đời này – sống chết ở nhà chồng, không còn bất cứ sự liên hệ nào với ngôi nhà cũ mà mình đã từng được nuôi dưỡng, lớn khôn. Để rồi khi gặp phải bất công, khi bị đối xử không ra gì, các cô sợ bước chân về ngôi nhà – thật – sự – của – mình, vì sợ mất mặt, sợ tai tiếng, các cô chọn cách âm thầm ra đi, lang thang vô định hoặc dại khờ hơn – kết thúc sự sống của mình.
Trong khoảnh khắc tuyệt vọng ấy, nếu cô mở cuốn album cũ của gia đình ra và xem lại, cô sẽ thấy sinh mệnh của mình đáng quý nhường nào, cô sẽ thấy cuộc đời này đáng sống biết bao – vì cô – đã – từng – là – cả – thế – giới của cha mẹ, đã từng có một vương quốc hạnh phúc của riêng mình. Này là tấm hình bạn mới chào đời – bình yên ngủ ngoan trong vòng tay mẹ, này là tấm hình bạn mới chập chững bước đi – trông oai dũng như một người hùng, này là tấm hình bạn học mẫu giáo – nước mắt lấm lem vì ăn vạ, này là tấm hình bạn vào lớp một – ngại ngùng và bẽn lẽn đứng khép bên cha, này là tấm hình bạn lên lớp mười – nhìn bảnh chọe ra dáng “người nhớn” lắm rồi, này là tấm hình bạn đậu đại học – lấp lánh trong hào quang của tuổi trẻ… Đối với cả thế giới, bạn chẳng là ai, nhưng với cha mẹ – bạn đã từng là cả thế giới.
Bạn biết không? Có một nơi luôn đón bước chân bạn trở về dù cả thế giới có ngoảnh mặt, đó là nhà. Có một người luôn yêu thương bạn vô điều kiện, đó là mẹ. Có một người luôn chở che bạn âm thầm, đó là cha. Và như thế, ai cũng có một nơi để về. Chỉ cần bạn có đủ dũng khí, đủ can đảm để từ bỏ và bắt đầu lại, vì bạn còn nợ cha mẹ cả một đời sống tử tế và tròn vẹn.
Càng về gần cuối năm, con người càng hướng lòng mình về gia đình hơn hết thảy. Vì đi bất kể nơi đâu, đến bất kể chân trời nào, làm bất kể công việc gì, gia đình vẫn sẽ là động lực to lớn nhất để chúng ta tiếp thêm nghị lực sống cho mình. Những sợi dây liên kết chúng ta với gia đình có thể đến từ bất chợt một hình ảnh, một bản nhạc hay một món ăn nào đó trên đường phố ta đi. Nó giống như thứ keo vô hình gắn kết mọi thành viên lại với nhau, dù có đi qua bao nhiêu đổi thay của cuộc đời, trải qua vô vàn những biến cố.
Như tôi, mỗi dịp cuối năm, khi chạy xe trên phố, bất chợt từ khung cửa nào đó vang lên giọng hát của Chế Linh, tôi lại thấy nhớ những ngày giáp Tết ở nhà da diết. Tôi nhớ cái dáng bố ngồi nhóm lửa chuẩn bị một nồi nước lớn để luộc bánh chưng, nhớ dáng người nhỏ bé của mẹ tất tả chuẩn bị cỗ Tết. Ngày xưa – còn trẻ, chẳng thích đón Giao Thừa ở nhà, chẳng thích ăn những món cỗ bao năm như một, chỉ muốn ra đường, chỉ muốn rong chơi.
Vậy mà khi đã xa nhà, khi đã có một gia đình nhỏ của riêng mình, bước trên đường phố nhộn nhịp cuối năm, lòng chỉ nao nao nhớ về những ngày tháng cũ, chỉ ao ước được ngồi cạnh bố mẹ trong khoảnh khắc đón Giao Thừa, để trong tiếng pháo hoa nổ giòn, nghe vang vang những giai điệu buồn của Chế Linh từ cái đài cát sét cũ rồi cụng ly với bố, nhâm nhi miếng bánh chưng dẻo thơm mẹ làm. Xa nhà rồi mới biết, cái Tết bình yên nhất là cái Tết ở nơi – mình – thuộc – về – cả – tâm – hồn.
Tuổi xuân là để hoài niệm. Tình cảm là để lãng quên. Thế gian mọi sự vô thường, chỉ tình thân là bất biến, trường tồn mà thôi. Nên bạn ạ, hãy tận hưởng những giây phút bình yên ngắn ngủi ấy bên gia đình, hãy về nhà nhiều hơn để ăn những bữa cơm mẹ nấu, ngồi với cha nghe những tâm sự cuộc đời và đừng bao giờ quên – khi tuyệt vọng nhất: Nhà là nơi ra đi để trở về.
Blogsudo
Nhà là nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm, nên nhà là nơi ra đi để trở về
Nhà là nơi gắn bó biết bao kỷ niệm, nên nhà là nơi ra đi để trở về