Thời tiết lạnh giá gây ảnh hưởng xấu tới nhiều người tuy nhiên nó cũng là nguyên nhân tạo ra các hiện tượng kì thú trên Trái Đất.
Đàn cá đóng tuyết
Năm 2014, một hiện tượng lạ đã xảy ra tại đảo Lovund, Na Uy khi hàng nghìn con cá bị đóng băng dưới mặt biển trong thời tiết chỉ ở mức -8 độ C.
Thông thường, những loài cá và sinh vật biển khác vẫn sống khỏe và bơi tung tăng dưới lớp băng trên bề mặt. Thậm chí, một số loài cá ở vùng cực còn có khả năng sản xuất ra chất chống đông nhằm giúp cho cơ thể luôn linh hoạt.
Tuy nhiên, loài cá tuyết ở đảo Lovund lại gặp phải trường hợp trớ trêu khi vào ngày hôm đó, chúng bơi theo đàn vào bờ để tránh những con chim cốc săn mồi. Do thủy triều đang dần xuống, nhiệt độ ngày càng giảm nên chúng bị mắc kẹt tại đây và trở thành đàn cá “đông lạnh”.
Tuyết cuộn hình ống
Tuyết cuộn thành hình ống là hiện tượng tự nhiên hiếm thấy, chúng chỉ xảy ra khi có sự kết hợp hài hoà giữa các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, địa hình và tuyết.
Các cuộn tuyết hình thành trên vùng đất trống nghiêng, bề mặt được bao phủ bởi một lớp băng nhẵn hoặc lớp tuyết cứng. Tuyết sẽ rơi xuống, chất đống trên mặt đất. Các đợt gió thổi mạnh sẽ tốc chúng lên thành cuộn tròn.
Khi những cuộn tuyết này đủ nặng khiến gió không thổi được hoặc gặp vật cản thì chúng sẽ dừng lại, tạo thành một cánh đồng ống “bê tông” tuyết. Tuy nhiên, cánh đồng này sẽ hay giữ được lâu bởi chỉ một sự tăng nhiệt độ nhỏ cũng khiến chúng sụp vỡ.
Cột sáng
Cột sáng là hiện tượng chỉ xảy ra khi nhiệt độ giảm xuống cực thấp, thường là tại những nơi thuộc vùng cực Bắc của Trái Đất.
Trong điều kiện giá lạnh đó, ở gần mặt đất sẽ xuất hiện những giọt tinh thể băng sương siêu nhỏ. Ánh sáng từ đèn đường hay những ngôi nhà khi chiếu lên sẽ bị dội ngược xuống, tạo thành những cột sáng. Tùy vào màu sắc của nguồn sáng mà những cột sáng này sẽ có màu sắc sặc sợ hay không.
Đá băng
Vào tháng 2.2013, một hiện tượng kì lạ đã xảy ra tại hồ Michigan, Mỹ, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Đó là việc hàng trăm viên đá tuyết nặng tới hơn 20 kg mỗi viên xuất hiện dày đặc dọc bờ hồ.
Được biết, nguyên nhân của hiện tượng này là do khi nhiệt độ giảm xuống ở mức nhất định, tại gần bờ hồ sẽ xuất hiện những tinh thể bằng băng rất nhỏ. Dần dần, nhờ những con sóng, chúng được bồi thêm nhiều lớp, và từ đó tạo nên một biển những quả bóng băng trên mặt nước.
Theo người quản lý hồ Michigan, ông Tom Ulrich, hiện tượng này chưa từng xuất hiện trong suốt một thập kỉ qua. Trước đây, cũng có những lần xuất hiện đá băng nhưng chúng không nhiều và to như lần này.
Bánh tuyết
Cũng xảy ra ở hồ Michigan với cùng cơ chế bồi tụ, tuy nhiên hiện tượng “bánh tuyết” chỉ xuất hiện khi tinh thể tuyết trong nước nằm ở cách xa bờ. Lúc này sẽ không còn những con sóng lăn chúng thành hình cầu nữa, thay vào đó chúng sẽ nổi dập dềnh và bồi tụ dần tạo thành những phiến mỏng dẹt như bức ảnh ở trên.
Hiện tượng Mặt trời giả
Hiện tượng Mặt trời giả (còn gọi là hiện tượng ba mặt trời) xuất hiện khi ánh sáng Mặt Trời trên cao đi qua các tinh thể băng trong không khí. Ngoài Mặt Trời thật ở vị trí trung tâm, người quan sát còn nhìn thấy hình ảnh phản chiếu ở hai bên.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ thấp hơn -30 độ C, không khí có nhiều hơi nước và các tinh thể băng.
Quầng tinh thể được nhìn thấy khi Mặt Trời ở gần đường chân trời, trên cùng mặt phẳng theo phương ngang của người quan sát và các tinh thể băng. Khi ánh sáng xuyên qua tinh thể băng, nó bị bẻ cong một góc khoảng 22 độ trước khi phản chiếu đến mắt.
Sóng biển đóng băng
Vào tháng 2.2015, khi vùng Đông Bắc nước Mỹ trở nên lạnh bất thường, trên bãi biển thuộc đảo Nantucket (Mỹ) đã xảy ra một hiện tượng kì thú khi những con sóng cao 0,5 – 1m đóng băng bất động trên mặt nước.
Thông thường các cơn sóng đều tập trung đổ vào các bãi biển của thành phố Massachusetts nhưng vì nhiệt độ lạnh kỷ lục, thủy triều dường như đã bị đông lạnh một phần do lượng băng quá nhiều.
Nước biển đuổi theo các con sóng trước, nhiệt độ làm phần thân con sóng đóng băng, phía ngọn sóng vẫn tan thành bọt nước.
Theo Đỗ Hiếu (Tổng hợp)