Cu gáy là loài chim gì? Chim cu gáy sống ở đâu, hình dáng, kích thước và đặc tính chim cu gáy như thế nào? Cu gáy ăn gì, sinh sản ra sao? Tình hình chim cu gáy hiện nay như thế nào? Nuôi chim cu gáy thì bạn cần biết những kiến thức cơ bản này.
Cu gáy là loài chim cỡ trung bình có trọng lượng từ 180 đến 200g. Con đực và con cái có lông đầu màu xám tro, gốc cổ có vòng lông đen chấm trắng. Thời kì sinh sản ở con đực vòng này nổi lên rất rõ người ta gọi là cườm. Lưng và mặt trên cánh lông mà xám hung nhạt, ngực và bụng xám phớt hung. Mặt dưới đuôi có mút lông đuôi màu trắng. Mỏ đen, mắt màu vàng cam hay nâu đỏ, giò đổ tím.
Phân bố:
Cu gáy có rất nhiều loại nhưng loại mà người Việt nam thường chơi là cu gáy có cườm (spotted dove hay lace neck dove). Là loại cổ có cườm từng hạt, khác với loại cổ có cườm nhưng là một vòng như chiếc nhẫn (ring neck dove). Theo như các tài liệu khoa học thì tên cu gáy cườm là Streptopelia chinensis là loài chim sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới như southern Asia from Pakistan, India and Sri Lanka east to south China and Southeast Asia, Việt nam, Lào, Cambodia, Thái lan, Philippines…Ngoài ra ở một số nước châu Âu và Mỹ cũng có loài chim này có tên là European Turtle Dove, hình dáng có khác với loài cu cườm một chút. Ở Mỹ một số vùng ở California và Florida cũng có loài chim cu gáy này. Trên thế giới, cu gáy còn phân bố ở Trung Quốc (Đông Nam Vân Nam và toàn bộ Đông Nam Trung Quốc), Mianma, Malaysia, Xumaka.
Ở Việt Nam, cu gáy phân bố ở hầu hết các tỉnh miền núi, một số tỉnh vùng đồng bằng và ven biển của nước ta không xa nơi trồng trọt.
Cu gáy là chim định cư, đi thành đàn 5 đến 15 con và có khi nhiều hơn nữa, quanh năm không đi xa vùng làm tổ của mình. Chúng thường ở các dải rừng cây bụi, rừng thứ sinh ven đồng ruộng, rừng nương rẫy và các bụi cây, bụi tre quanh vườn làng và cả trong thành phố. Không gặp cu gáy trong rừng sâu.
Hình dáng:
Lông: Đầu, gáy và mặt bụng nâu nhạt hơi tím hồng, đỉnh và hai bên đầu phớt xám, cằm và họng có khi trắng nhạt, đùi, bụng và dưới đuôi màu hơi nhạt hơn. Lông hai bên phần dưới cổ và lưng trên đen có điểm tròn trắng ở mút tạo thành một nửa vòng hở về phía trước cổ. Mặt lưng nâu, các lông có viền hung nhạt rất hẹp.
Lông bao cánh nhỏ và nhỡ phía trong nâu nhạt với thân lông đen nhạt, các lông phía ngoài xám tro. Lông cánh nâu đen có viền xám rất hẹp ở mút và mép ngoài. Lông đuôi giữa Nâu sẫm, các lông hai bên chuyển dần thành đen với phần mút lông trắng.
Mắt nâu đỏ hay nâu với vòng đỏ ở trong. Mép mí mắt đỏ. Mỏ đen. Chân đỏ xám.
Chim gáy có đuôi dài, phần đuôi phía dưới có phần trắng và đen. Thân hình màu nâu có điểm các đốm màu sậm và nhạt. Mỏ màu đen, chân màu nâu cho tới đỏ. Đặc điểm nổi bật là cổ có cườm trắng như hạt tấm ở phía ngoài cùng của lông cổ, phía trong một chút có màu đen tuyền. Khi gáy nó phình cổ lên làm cho các cườm trắng rất nổi trong nền màu đen. Chim trống và chim mái hầu như giống nhau, chỉ những ai chơi chim lâu năm mới phân biệt được qua những đặc điểm như đầu, xương chậu, rồi cách thức và đặc điểm của giọng gáy. Tồ chim gáy làm rất đơn giản có thể là một hình thức trốn sự săn lùng của con người…Một tổ chim gáy nếu quan sát không kỹ từ xa sẽ rất khó thấy. Chim gáy đẻ 2 trứng và thường sẽ nở ra một trống một mái và nó bắt cặp với nhau khi trưởng thành. Chim trống và chim mái đổi nhau ấp trứng trong vòng hai tuần thì nở ra chim con, cả chim trống và mái đề có nhiệm vụ cho chim con ăn bằng cách ăn thức an vào diều rồi ự ra trún cho chim con, chim con rúc miệng vào trong miệng chim mẹ để lấy thức ăn
Kích thước:
Đực: cánh: 140 – 166, đuôi: 140 – 170; giò: 25 – 30; mỏ: 12 – 20mm.
Cái: cánh: 140 – 160; đuôi: 135 – 170; giò: 21 – 31; mỏ 14 – 21mm..
Thức ăn:
Thức ăn chính của cu gáy là các loại hạt quả, quả cây, hạt cỏ và hạt các cây lương thực như lúa, ngô, đậu xanh, đậu tương, lạc, vừng. Khoai lang, sắn. Ngoài ra chúng cũng thích ăn quả đa. Nhiều khi trong diều và dạ dạy còn thấy mối, ấu trùng côn trùng và ruồi nhặng.
Cu gáy thường ăn hạt cỏ và các loại ngũ cốc như lúa đậu mè, bắp…Chim cu gáy thường ít sống thành bầy đàn mà thường sống thành từng cặp hoặc sống đơn lẽ. Những chim sống đơn lẽ thì tyới khi trưởng thành nó sẽ đi tìm cặp và thường diễn ra những cuộc chiến đấu để tranh giành lãnh thổ cũng như bạn đời. Mỗi khi lãnh thổ có kẻ lạ mặt xâm chiếm thì tức thì có cuộc chiến không khoan nhượng.Từ đó mới sinh ra thú chơi cu gáy.
Sinh sản:
Tới tháng 2 hàng năm, con đực tách khỏi đàn và cùng với con cái ghép thành từng đôi. Con đực, con cái theo nhau đi tìm nới làm tổ. Suốt thời gian ghép đôi con đực gáy rất nhiều. Con đực và con cái cùng hợp lực xây tổ. Tổ cu gáy xây rất đơn giản, đặt ở các chạc cây kín đáo như cây duối, bụi tre, cây vải, nhãn, găng.Tổ chỉ là những đoạn thân cỏ khô hay các cành que nhỏ đan lại thưa thớt đủ để trứng khỏi rơi loạt qua.
Mỗi lứa cu gáy đẻ 2 trừng, vỏ trứng màu trắng ngà. Kích thước trung bình của 1 quả là (27,6×21,8mm). Cả chim đực và chim mái cùng hợp lực tham gia ấp trứng. Chim đực thường tham gia ấp trứng vào buổi trưa và chiều. Có khi đang ấp, chim đực vẫn gáy. Thời kì sắp nở, con mái ấp thường xuyên hơn. Cu gáy con mới nở được nuôi bằng dịch “sữa” tiết ra từ diều bố mẹ giống như bồ câu nhà. Sau một tuần lễ chim non được nuôi giảm trọng lượng và tăng phần thức ăn bằng gạo, ngô, đậu, côn trùng.
Cu gáy con mới nở còn yếu ớt và trải qua thời gian chim bố mẹ chăm sóc, khoảng 1 tháng mới có đủ khả năng bay khỏi tổ đi kiếm ăn cùng bố mẹ.
Tình trạng hiện nay của đàn chim gáy trong tự nhiên:
Nhìn chung chim cu gáy rất phổ biến ở nước ta, nhưng do mức độ săn bắn ở các địa phương mà số lượng của chúng nhiều ít khác nhau. Nhiều vùng ở Tây Bắc, Đông Bắc nước ta như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Và một số vùng thuộc Bắc và Trung Bộ do săn bắt bừa bãi nên số lượng cu gáy nhiều nơi đã bị giảm nhiều.
Cách chọn mua chim cu gáy
Đầu chim phải tròn, lông đầu màu xanh xám là tốt nhất, nhìn mắt phải dữ, vệt lông đen phải kéo dài qua khoé mắt.
Mỏ: to và gồ, có độ dài vừa phải, không ngắn, không dài, độ cong vừa phải, chim mỏ cong hay phá thóc và thức ăn trong cóng . Đặc biệt nên chọn chim có mũi lớn, chim sẽ khỏe và bền hơi hơn.
Cổ: cổ phải cao, nhỏ như thắt lại (cổ lãi) chim sẽ gáy lớn tiếng.
Cườm: đặc biệt quan trọng, cườm trắng phải nhỏ, đóng dày, càng dày càng tốt. Chim có bộ cườm xếp thành hàng lối thì lại càng quý. Nhìn qua cườm ta có thể đoán được khá đúng chất giọng của chim. Chim mà nền lông đen trên cổ nhiều thì gù nhiều. Chim mà có cườm giắt thường là chim hay. Những hạt cườm trên vai chim có màu vàng nhạt mà kéo càng cao lên phía trên cổ cũng tốt.
Ức: nên nở rộng, tiếng gáy vang to, hơi khỏe
Thân hình dáng như cái bắp chuối, ức nở, chót đuôi thu nhỏ lại (đuôi vót), bộ lông ép sát mình là chim khỏe.
Cánh: nên xếp gọn , dài quá phao câu (chim cực khỏe, lông đẹp), lông mao nhỏ (càng nhỏ càng tốt).
Đuôi: cuống đuôi lớn vót nhọn về cuối, nên chọn con đuôi dài, thường người nuôi hay cắt lông đuôi cho khỏi vướng.
Chân: chọn chim có chân to, vuông, đỏ, vảy khô.
Cách phân biệt chim trống mái: Cái khoản này anh em chim cò bàn ra tán vào, tranh luận mãi rồi nhưng đến các lão làng trong nghề cu gáy cũng chẳng có ai dám tự tay vỗ ngực mà nói tôi có thể nhìn qua mà đoán trúng 100% nó là cu gáy đực hay cái cả. Vì cũng có 1 số con cu gáy có tướng ẩn, dị tướng..v..v.
Nhưng thường thì chim trống có:
+ Đầu nhỏ, tròn, lông đầu xanh.
+ Mỏ to, gồ.
+ Dáng đứng: khi đứng trên cầu đuôi hay cụp xuống.
+ Xương bụng phía dưới gần hậu môn chụm.
+ Khi gáy chim trống có khả năng đảo giọng.
Một chim cu thuộc vào loại tốt nhất phải có những điểm đặc biệt sau:
– Nhất huỳnh liên: Tức là chim có cườm màu vàng. Cườm này phải xuống tận vai, nhưng không đóng ở trên lưng. Loại này hiếm khi gặp được.
– Nhì Liên giáp: Tức là hình dáng của chim giống như một cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt.
– Tam quá khoé: Có cái chỉ màu đen chạy dưới khoé mắt, dài quá khoé mắt một chút mới tốt.
– Tứ chân khô: Có nghĩa là chân chim phải vuông cạnh, và khô. Vảy đóng hai hàng trơn, đóng chặt, nổi mốc lên.
– Ngũ Liên hoàn: Cườm phải đóng giáp vòng hết cổ mới thật tốt. Thường thì chim chỉ có cườm đóng ở phần trên cổ mà thôi, phần ức không có cườm.
– Lục cườm rựng: tức là có cườm lót. Chim mà có cườm rựng là chim có gù hậu, tức là gáy dai dẳng.
Ngoài ra, cũng còn có những chi tiết quan trọng sau đây cũng phải lưu ý tới :
– Chim cu gáy mà đuôi vót, tức là ở bắp đuôi thì lớn, chót đuôi thì nhỏ lại, mới là con chim tốt và khôn.
– Chim có gián cánh, tức là có lông trắng ở trên một cánh hay cả hai cánh. Đó là chim tốt nên chọn nuôi.
– Chim có móng trắng gọi là bạch đề: chỉ cần có một móng trắng hay nhiều móng trắng, là chim quí hiếm.
– Chim có mỏ đỏ, là chim sát thủ, tức là chim rất dữ, chọn làm mồi thì chỉ toàn gặp may.
Mong rằng qua bài viết này các bạn sẽ trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để bắt đầu với loài chim cu gáy.
Chúc bạn nuôi chim thành công!
Sudo Cu Gáy