(TNTS) Từ miền Nam du lịch ra miền Trung, bạn có thể đi bằng nhiều phương tiện như tàu hỏa, xe ô tô hay máy bay. Việc di chuyển bằng các phương tiện khác nhau sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau. Nếu chưa từng đi tàu, bạn hãy thử, với độ an toàn cao, tiết kiệm chi phí, bạn sẽ có những trải nghiệm rất khó quên.
Một góc biển nhìn từ đèo Hải Vân – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chuyến tàu đêm nhè nhẹ rời khỏi ga Sài Gòn đưa chúng tôi cùng ra thăm xứ Huế mộng mơ. Tàu đi buổi tối nên vừa khởi hành là lao nhanh vào màn đêm, hun hút xuyên qua những cánh đồng thanh long tỉnh Bình Thuận, và xa xa thấy sáng rực ánh đèn nhộn nhịp của một phiên chợ đêm đông đúc. Trưa hôm sau, đoàn tàu đến địa phận tỉnh Quảng Nam. Hai bên đường là những cánh đồng ruộng xanh ngát một màu. Khác với những cánh đồng lúa “cò bay thẳng cánh” ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, cánh đồng lúa ở các tỉnh miền Trung nhỏ hơn, mật độ cây lúa thưa thớt hơn và chia thành những ô nhỏ như các ô bàn cờ. Tôi lấy làm lạ, hỏi một bác lớn tuổi người Đà Nẵng đi chung toa tàu. Bác giải thích rằng vì ở miền Trung đất đai cằn cỗi, lại không có nhiều đất rộng như ở miền Nam sông nước nên không thể canh tác giống nhau. Việc người ta chia năm xẻ bảy những ruộng lúa là để dễ dàng dẫn nước vào tưới tiêu, và một cánh đồng lớn như vậy là thuộc về nhiều chủ sở hữu khác nhau nên phân chia theo ô để dễ dàng quản lý hơn. Đan xen với những thửa ruộng ấy là những ngọn núi cao bao quanh, có khi chúng chen vào giữa cánh đồng trông rất lạ lẫm, thú vị. Địa hình hiểm trở là thế, khó khăn về khí hậu là thế nhưng những người nông dân nơi đây vẫn một nắng hai sương lúi húi, cặm cụi chăm sóc cho từng đám mạ non chỉ cao hơn mắt cá chân chừng vài phân.
Tôi ngắm nhìn cảnh đồng quê VN đặc trưng hơn với những ngôi nhà lợp ngói đỏ, bao quanh bởi những hàng cau cao vút, trong sân nhà có hẳn một ụ rơm to với đàn gà mổ thóc xung quanh. Gần cạnh đó là con sông nhỏ với làn nước trong xanh chảy uốn cong, một khung cảnh nhẹ nhàng và dân dã biết bao.
Tàu dừng lại ga Đà Nẵng là một trong những nhà ga lớn nhất và nhộn nhịp nhất ở miền Trung VN. Từ các toa tàu, từng đoàn người nối nhau, trên tay xách đủ thứ đồ đạc, hành lý, chầm chậm rời khỏi tàu. Nhìn qua khung cửa sổ xuống phía sân ga, rất nhiều người ra đón người thân, lòng tôi bất chợt thấy bồi hồi xúc động, cảm giác mà lâu nay tôi không gặp được.
Đoàn tàu tiếp tục lăn bánh trên chuyến hành trình di sản miền Trung, tiến chầm chậm về phía đèo Hải Vân, chuẩn bị cho một cú leo đèo ngoạn mục vượt dãy Trường Sơn để đến với xứ Huế. Những khúc cua “gắt gỏng” bắt đầu hiện ra, đoàn tàu uốn lượn nhẹ nhàng, chầm chậm qua từng đoạn cua, những cảnh tượng hùng vĩ vốn nổi tiếng ở ngọn đèo đẹp nhất cũng như nguy hiểm bậc nhất VN bắt đầu vẽ ra trước mắt tôi. Một bên là núi cao sừng sững, một bên là biển xanh rộng bao la với bãi cát trắng muốt như mời gọi du khách. Tàu chạy chậm lại hẳn vì những đoạn đường uốn éo quanh các sườn dốc cao, nhìn xuống phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Sau đó, tàu đi xuyên qua những đường hầm tối được đào xuyên sâu vào lòng những ngọn núi. Đi thêm một đoạn nữa, tôi nhìn thấy Hải Vân Quan (một cửa ải được xây dựng từ thời nhà Trần và trùng tu vào thời nhà Nguyễn, đời vua Minh Mạng năm 1826), đây là một di tích lịch sử của nước Việt vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Qua khỏi Hải Vân Quan, có thể thấy những lô cốt cũ kỹ, nơi ghi lại nhiều dấu ấn oai hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta.
Vượt qua hơn chục cây số đường đèo ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, đoàn tàu chầm chậm đi vào khu vực vịnh Lăng Cô (thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế), được mệnh danh là nơi có cảnh trí nguyên sơ, thơ mộng hữu tình. Quả thật, Lăng Cô đẹp đến lạ lùng với bờ biển cát trắng chạy dài hơn chục cây số ôm trọn làn nước biển trong xanh, không gợn chút sóng. Thoạt đầu mới nhìn, có cảm giác biển Lăng Cô là một tấm gương phẳng khổng lồ in nguyên bóng hình của bầu trời trong xanh phía trên khiến bạn gần như không thể phân biệt đâu là trời, đâu là biển. Xa xa là những cánh cung của dãy Trường Sơn vươn xa ra biển như muốn ôm trọn Lăng Cô vào lòng, như một cánh tay khổng lồ che chắn cho vùng vịnh này khỏi những cơn thịnh nộ của gió trời, để mặt biển ấy mãi mãi lặng yên, lăn tăn gợn từng cơn sóng nhỏ tựa mặt hồ…
Tàu bắt đầu tăng tốc, lao nhanh vun vút băng qua những con đường làng nho nhỏ, nơi bọn trẻ đang dắt trâu về chuồng lúc xế chiều, từng đàn cò trắng bay lượn, sà xuống thấp như lướt nhẹ trên đầu những luống mạ non… Buổi chiều tà ở nông thôn miền Trung mới yên bình và nhẹ nhàng làm sao. Tiếng còi tàu kéo lên vang dội cả một góc trời, mọi thứ chợt chậm lại, thì ra đoàn tàu chuẩn bị vào ga Huế, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình của chúng tôi. Tôi và người bạn đồng hành vừa ra khỏi ga, đón ngay một chiếc taxi với anh tài xế trẻ nở nụ cười nồng hậu chào đón. Được biết anh là một người dân gốc Huế. Anh có giọng nói nhẹ nhàng, đặc sệt âm hưởng của xứ cố đô. TP Huế hiện ra đầy chất cổ kính, thơ mộng khiến tôi yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên và chờ tôi khám phá. Nhưng nhớ lại, cả một hành trình dài bằng tàu hỏa đến Huế cũng là ấn tượng khó quên trong tôi.
Theo www.thanhnien.com.vn
Từ khóa tìm kiếm: nhung trai nghiem, deo hai van, xuyen qua nhung, nhung canh dong, nhung canh, canh dong lua, tinh mien, mien trung, de de dang, nhung ngon nui, con song nho, chuyen hanh trinh, day truong son, doan tau, ben, hai van quan, hon chuc cay so, om tron lan, bien xa, long nhu,