Dù đưa ra nhiều phỏng đoán khác nhau về loài động vật do một thanh niên ở Vĩnh Phúc đưa lên mạng, nhưng giới khoa học đều khẳng định loài này mang giá trị khoa học cao và không có ở Việt Nam.
“Nếu loài này có mặt ở Vĩnh Phúc thì sẽ là phát hiện mang giá trị khoa học lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới”, PGS TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Phó trưởng khoa sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh.
Cho rằng qua ảnh rất khó biết đây là loài nào, nhưng vị chuyên gia trên phỏng đoán con vật có thể là loài sa giông Trung Quốc Andrias davidianus (tên tiếng anh là Chinese Giant Salamander). Chúng có thể dài tới 1,8 mét, nặng 50 kg, thường phân bố ở phía trung miền đông Trung Quốc. Số lượng loài ngoài tự nhiên đang giảm mạnh do săn bắt và nơi sống thu hẹp, nên trong danh mục của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), chúng được xếp vào hàng cực kỳ nguy cấp, cấm sử dụng và khai thác.
Hình ảnh loài “quái vật” do thanh niên Tùng đưa lên Facebook gây xôn xao cộng đồng những ngày qua.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho rằng, đó là loài cá cóc Nhật Bản. Ông Nguyễn Thiên Tạo, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cũng đồng ý kiến với tiến sĩ Cảnh. “Loài này có thể được nuôi hoặc sang Việt Nam qua con đường buôn bán sinh vật”, ông Tạo cho hay.
Chuyên gia về động vật, tiến sĩ Hà Đình Đức nhận định, “quái vật” ở Vĩnh Phúc là loài lưỡng cư có đuôi, gọi là sa giông hay cá cóc, nhưng chúng không phân bố ở Việt Nam. “Tại Việt Nam, loài cá cóc thường sống ở vùng núi Tam Đảo, Tân Sơn nhưng nó rất nhỏ. Kích thước như con vật trong bức ảnh thì chưa từng thấy ở Việt Nam và có thể đây là loài sa giông Nhật Bản. Loài này có chiều dài 1,5 đến 1,8 mét”, ông Đức nói.
Trái ngược các ý kiến trên, một số chuyên gia khác cho rằng đây là loài cá cóc Tam Đảo, một loài đặc hữu ở Việt Nam. “Loài này từng xuất hiện nhiều nhưng hiện số lượng đã giảm gần hết. Chúng thường sống ở các sông suối”, một chuyên gia nói.
Trước đó, Phan Thanh Tùng (25 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đăng lên Facebook hình ảnh con vật có kích thước lớn, cho biết bắt được ở ao gần nhà và không biết là con gì. Tuy nhiên, khi bị lực lượng kiểm lâm và công an triệu tập điều tra thì thanh niên này khai tải bức ảnh trên mạng về chứ kỳ thực không có.
Trao đổi với VnExpress sáng 10/3, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đang phối hợp với công an tìm nguồn gốc con vật. Nhiều bức ảnh đã được in ra để gửi tới mọi người, trong đó điểm nhấn là nền gạch để tìm con vật mà Phan Thanh Tùng đưa lên mạng.
“Chúng tôi đã tham khảo các chuyên gia, khai thác tài liệu từ cơ quan CITES, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật thì được biết đó là loài cá cóc Nhật Bản. Loài cá cóc Tam Đảo không có trọng lượng hay kích thước như loài này”, vị lãnh đạo nói.
Hương Thu
Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: vinh phuc, dua len mang, mang gia tri khoa hoc, loai, viet nam, day la loai, con vat, loai sa giong, phan bo, tung dua len,