Tránh thức ăn cay và chua cho đến khi vết loét lành. Có thể súc miệng với nước muối ấm, loãng 2 lần một ngày.
Một vết loét miệng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh như loét áp-tơ (dân gian gọi là nhiệt miệng), loét do virus herpes, loét do vi khuẩn gây bệnh viêm nướu hoại tử lở loét và cũng có thể là loét do ung thư…
Trong các bệnh trên thì loét áp-tơ là bệnh lý phổ biến nhất của niêm mạc miệng, thường gặp nhất người trẻ, nữ nhiều hơn nam. Loét áp-tơ tuy không nguy hiểm, đa số có thể tự khỏi trong 7 đến 10 ngày nhưng nó lại có tính tái phát, gây đau cản trở việc ăn uống, nói và sinh hoạt của bệnh nhân.
Nguyên nhân của loét áp-tơ
Loét áp-tơ không có nguyên nhân rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng loét áp-tơ có thể được gây ra bởi một phản ứng của hệ miễn dịch, khi mà hệ thống miễn dịch của cơ thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:
– Chấn thương – như răng giả không phù hợp làm cắn má, chấn thương từ răng cắn trúng môi má lưỡi khi ăn nhai, bàn chải lông ứng, chải răng quá mạnh, chấn thương miệng do thể thao.
– Những thay đổi hormone. Một số phụ nữ thấy rằng loét miệng xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
– Một số người hút thuốc thấy phát triển loét chỉ sau khi ngừng thuốc.
– Thiếu sắt, hoặc thiếu một số vitamin (như vitamin B12 và acid folic) có thể là một yếu tố trong một số trường hợp.
– Yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò trong một số trường hợp.
– Căng thẳng, lo lắng, stress.
– Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm virus, nhiễm nấm.
– Một số bệnh lý toàn thân cũng có vai trò như bệnh dạ dày, khiếm khuyết về huyết học, bệnh dị ứng.
Ảnh minh họa: drjasonroth
Biểu hiện của loét áp-tơ
Có 3 dạng chính:
– Loét áp-tơ thông thường là phổ biến nhất (80% trường hợp). Một hay vài vết loét hình bầu dục, nhỏ hơn 1cm, có màu vàng nhạt, xung quanh viêm đỏ, xuất hiện môi, má, lưỡi, ít thấy ở nướu dính và vân khẩu cái cứng. Vết loét làm bệnh nhân đau. Tổn thương kéo dài 7-10 ngày và sau đó lành mà không để lại một vết sẹo.
– Loét áp-tơ khổng lồ xảy ra trong khoảng 10% trường hợp. Vết loét có kích thước hơn 1cm, đau đớn dữ dội. Tổn thương kéo dài từ hai tuần đến vài tháng, nhưng sẽ chữa lành để lại một vết sẹo.
– Loét áp-tơ dạng herpes xảy ra trong khoảng 10% trường hợp. Đây là những vết loét có kích thước nhỏ, khoảng 1-2 mm. Gồm rất nhiều vết loét tập trung lại. Không liên quan đến virus herpes.
Điều trị loét áp-tơ
Loét áp-tơ thông thường thường tự khỏi sau 7-10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có loét áp-tơ khổng lồ hoặc vết loét gây đau đớn, ăn uống khó khăn, loét tái đi tái lại với tần suất nhiều, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân thì có chỉ định điều trị.
Điều trị không phải là khỏi hẳn mà là chỉ giảm bớt thời gian bị loét, giảm số lần tái phát và giảm các triệu chứng khi đang bị loét.
Các thuốc sử dụng với mục đích ức chế hoạt động của men hủy mô liên kết (dung dịch Tetracyclin hoặc Chlorhexidine súc miệng); kích thích và tăng hoạt động tạo mô liên kết (vitamin C); các thuốc thoa hoặc uống để giảm đau; thuốc điều hòa miễn dịch tại chỗ hoặc toàn thân.
Lưu ý gì khi bị loét áp-tơ
– Tránh thức ăn cay và chua cho đến khi vết loét lành.
– Có thể súc miệng với nước muối ấm, loãng 2 lần một ngày.
– Giữ miệng của bạn luôn sạch sẽ.
– Chế độ ăn thông thường, đa dạng, đủ năng lượng và đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
– Đến bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu vết loét bất thường lớn, vết loét lan rộng, vết loét không lành sau ba tuần, đau không thể chịu đựng mặc dù tránh các thức ăn kích thích, có sốt cao.
Làm gì giảm khả năng xuất hiện của loét áp-tơ
– Duy trì vệ sinh răng miệng tốt bằng cách sử dụng chỉ tơ nha khoa hàng ngày và đánh răng sau bữa ăn cũng có thể giúp đỡ.
– Đánh răng rất nhẹ nhàng, sử dụng bàn chải có lông mịn, cẩn thận không để trượt với bàn chải.
– Tránh nói chuyện trong khi bạn đang nhai thức ăn.
– Giảm stress, biết thư giãn.
– Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý, giàu vitamin A, C, trái cây tươi và rau quả.
– Khám nha sĩ 6 tháng một lần.
Cẩn trọng với tổn thương ung thư miệng miệng biểu hiện dưới dạng loét:
Vết loét ung thư có đặc điểm sau mà bệnh nhân cần chú ý:
– Thường kéo dài không lành hơn ba tuần.
– Thường xuất hiện ở lưỡi và sàn miệng, nhưng thỉnh thoảng có thể xuất hiện ở một nơi khác trong miệng.
– Thường có liên quan với người trên 40 tuổi có tiền sử hút thuốc lá nặng hoặc uống rượu.
– Có biểu hiện là bờ không đều, gồ cứng, nhô cao, đáy xuất huyết, nền cứng dính.
Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy
Theo doisong.vnexpress.net