Có hai phương pháp điều trị bệnh trầm cảm, hoặc được thực hiện đơn lẻ từng phương pháp hoặc cũng có thể phối hợp cả hai cùng lúc; đó là: điều trị bằng thuốc (hóa dược) và tâm lý trị liệu.
Điều trị bằng thuốc chống bệnh trầm cảm (Antidepressants)
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng bệnh trầm cảm . Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này mà nhất thiết phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Thời gian điều trị cũng cần phải được bảo đảm thực hiện đầy đủ. Tùy theo đợt bệnh trầm cảm xuất hiện lần đầu hay là đợt tái phát mà thời gian điều trị thuốc có thể thay đổi từ 6 tháng cho đến vài năm. Cần theo dõi và khám định kỳ trong thời gian dùng thuốc để bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc cùng các tác dụng phụ của thuốc nếu có. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, việc dùng thuốc cũng phải hết sức thận trọng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Nếu dùng thuốc có hiệu quả, người bệnh có thể cảm thấy ăn ngủ tốt hơn, tái lập dần các hứng thú với cuộc sống và có cái nhìn tích cực hơn về tương lai cũng như về bản thân. Mặc dù hiệu quả của thuốc có thể bắt đầu nhận thấy sau một tuần điều trị, tuy nhiên hiệu quả đầy đủ nhất do tác dụng của thuốc chỉ có thể đạt được sau 8-12 tuần dùng thuốc.
Tâm lý trị liệu (Psychotherapy)
Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị bằng cách dùng các kỹ thuật tiếp cận và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT : Cognitive Behavior Therapy) thường được sử dụng để giúp người bệnh trầm cảm hình thành những suy nghĩ tích cực hơn về bản thân mình, về thế giới xung quanh và về tương lai.
Bên cạnh đó, một số các biện pháp hỗ trợ khác về tâm lý – xã hội, ví dụ: huấn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, hóa giải xung đột… cũng có thể giúp người bệnh hội nhập tốt hơn vào đời sống và thích nghi hơn với công việc.
Trường hợp phụ nữ bị bệnh trầm cảm kèm theo bối cảnh có các vấn đề xung đột quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn gia đình… có thể phải cần đến tham vấn hôn nhân hoặc trị liệu gia đình…
Một số điều ‘‘Nên’’ và ‘‘Không nên’’ khi bị bệnh trầm cảm
Đừng tự cô lập bản thân. Nên cố gắng duy trì sự tiếp xúc với những người thân, nếu có thể thì nên nói chuyện với bác sĩ của bạn, với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí có thể tìm đến một chuyên viên tham vấn tâm lý.
Đừng vội vã thực hiện những quyết định quan trọng chẳng hạn như ly hôn hoặc ly thân, bởi vì bạn khó có thể suy nghĩ sáng suốt khi đang bệnh trầm cảm .
Đừng tự trách bản thân vì mình bị bệnh trầm cảm vì bạn đã không tự gây ra căn bệnh này cho mình.
Đừng thất vọng vì mình không thể cảm thấy cuộc sống một cách tốt đẹp; cần phải kiên nhẫn với căn bệnh này. Việc chữa trị cần có thời gian để bệnh cải thiện.
sức khỏe nam giới
Đừng bỏ cuộc
Nên tập thể dục thường xuyên, vì việc này giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn lấy lại năng lượng cho tinh thần của mình
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn đang được tham vấn hoặc trị liệu tâm lý, bạn cần duy trì mối quan hệ và các cuộc làm việc với nhà tham vấn hoặc nhà trị liệu.
Thiết lập từng bước những mục tiêu nho nhỏ để bạn có thể cố gắng thực hiện. Bắt đầu thực hiện bằng những việc nhỏ để bạn ít bị tổn hao nang lượng tâm trí, gia tăng khả thành công và giúp bạn lấy lại các suy nghĩ tích cực về bản thân.Cố gắng tự khích lệ bản thân trong khi thực hiện những mục tiêu ấy.
Bạn cần tiếp thu đầy đủ những thông tin có liên quan đến căn bệnh trầm cảm và cách thức chữa trị nó.
Gọi điện thoại hoặc tiếp xúc ngay với bác sĩ đang điều trị cho bạn hoặc gọi điện cho một chuyên viên (hoặc một trung tâm) tham vấn khủng hoảng khi bạn có ý nghĩ muốn tự sát.
Những thân nhân trong gia đình của bạn cũng cần biết rõ những điều trên đây giống như bạn.
Khi nào phải nhập viện để điều trị?
Phần lớn những trường hợp bệnh trầm cảm nhẹ có thể được chữa trị ngoại trú, dù người bệnh được điều trị bằng thuốc, bằng tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp cả hai phương pháp cùng lúc. Một số trường hợp bệnh trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc có thể phải dùng đến liệu pháp choáng điện.
Một số trường hợp cần phải nhập viện để chữa trị như những trường hợp sau :
Trầm cảm nặng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chung và chất lượng cuộc sống của người bệnh
Trầm cảm có ý tưởng tự sát, nhất là đã có lần toan tự sát thực sự
Trầm cảm không đáp ứng với thuốc
Trầm cảm kèm theo tình trạng loạn thần, người bệnh khi ấy có thể có thêm triệu chứng ảo giác và hoang tưởng, không thể kiểm soát bản thân cả về suy nghĩ lẫn hành vi.
Phòng tránh
Bênh trầm cảm cần được phát hiện và chữa trị sớm. Việc giải quyết tốt các nhu cầu và thách thức của đời sống, của công việc cũng góp phần giảm bớt các yếu tố gây stress – một yếu tố góp phần làm tăng khả năng bệnh trầm cảm ở phụ nữ.
Việc rèn luyện các kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan hệ xã hội… cùng với việc xây dựng các nhận thức đúng đắn và các thái độ sống tích cực sẽ góp phần gia tăng khả năng thích nghi và ứng phó của bản thân mỗi người đối với các nhu cầu và thách thức của đời sống, từ đó gia tăng khả năng ‘‘đề kháng’’ với các rối loạn tâm thần nói chung cũng như với bệnh trầm cảm nói riêng.
(Theo Tamlytrilieu.com)
Từ khóa tìm kiếm: hai phuong phap, co the, phoi hop ca hai, dieu tri bang thuoc, tam ly tri lieu, su dung, de dieu tri, theo su huong dan, thoi gian dieu tri, thuoc co the, hieu qua, viec dung thuoc, phu nu, the cam thay, tich cuc hon, tuong lai, ban than, chi co the, giup nguoi benh, suy nghi tich cuc, ky nang giao tiep, bi benh tram cam, tram cam kem theo, the phai, tri lieu, benh tram cam dung, bac si,